Từ hiểu đến hành động để thế giới 'không hồi kết'

Hậu quả rất lớn do siêu bão Yagi (bão số 3) gây ra vừa qua được nhiều chuyên gia cho rằng là một phần của biến đổi khí hậu khiến cho thiên tai ngày càng khó lường và những hệ lụy mà nó mang lại cũng nghiêm trọng hơn.

Vậy thì làm sao để giảm bớt chúng? Trong tác phẩm đồ họa Thế giới không hồi kết, hai tác giả Jean-Marc Jancovici và Christophe Blain sẽ mang đến những góc nhìn độc đáo, mới mẻ về năng lượng, khí hậu, sinh thái cũng như là kịch bản nào giúp ta tồn tại trong một thế giới ngày càng hỗn loạn.

Hữu hình những thứ vô hình

Ngay khi ra mắt tại Pháp, cuốn sách đã bán hết veo 1 triệu bản chỉ trong hai năm đầu tiên. Khi được chuyển ngữ tiếng Anh, nó cũng tạo được sự chú ý lớn ở quy mô toàn cầu khi phù hợp với đa dạng đối tượng, từ trẻ em qua hình thức đồ họa sinh động cho đến những người không chuyên với các lý giải dễ hiểu và dễ theo dõi, cũng như cho giới chuyên gia hay những người hoạt động chính sách.

Có được sự thu hút ấy bởi đây là một tác phẩm thú vị, hấp dẫn và đưa ta qua nhiều cấp độ hiểu biết khác nhau, từ những định nghĩa cơ bản nhất như năng lượng là gì, khí nhà kính là gì... cho đến những gợi ý sâu sắc và vĩ mô hơn về các chính sách phòng chống biến đổi khí hậu.

Hai tác giả Jean-Marc Jancovici (đứng trước) và Christophe Blain. Ảnh: Susanna Lea Associates

Hai tác giả Jean-Marc Jancovici (đứng trước) và Christophe Blain. Ảnh: Susanna Lea Associates

Tác giả của nó - Jean-Marc Jancovici - là một tên tuổi vô cùng nổi bật trong lĩnh vực này tại Pháp. Ông là nhà hoạt động vì môi trường không biết mệt mỏi, là diễn giả phổ biến kiến thức và là một giảng viên trường Mỏ. Ông gây được sự chú ý khi là nhà sáng lập SHIFT PROJECT – một “think tank” hành động vì “một nền kinh tế không phụ thuộc vào carbon” và là nhà đồng sáng lập CARBON 4 – phòng tư vấn về chiến lược sử dụng ít carbon và biến đổi khí hậu. Vào năm 2000, ông đã phát minh ra Bảng cân đối carbon, từ đó đặt ra quy chuẩn quốc tế để phản ánh chất lượng khí nhà kính phát thải của doanh nghiệp và nhượng lại nó cho chính phủ để kiểm soát vấn đề biến đổi khí hậu.

Được thể hiện bằng các nét vẽ sinh động, hài hước của họa sĩ Christophe Blain, Thế giới không hồi kết ẩn chứa lượng thông tin lớn nhưng không khô khan hay quá khó đọc. Có lẽ hiểu được tâm lý độc giả mà thông qua hình ảnh, các tác giả đã truyền tải được rất nhiều thông điệp một cách ấn tượng nhưng vẫn dễ hiểu. Chẳng hạn ở phần 1, cả hai đã tập trung vào khía cạnh năng lượng – nguồn chính dẫn đến biến đổi khí hậu. Thay vì một khái niệm vô hình không thể cầm nắm, thì Jancovici và Blain đã thể hiện nó qua hình tượng một vị siêu nhân để giải thích vì sao con người lại cần có nó cũng như vai trò đặc biệt đến từ nơi đâu?

Theo đó bằng các so sánh giữa việc sử dụng sức lực cá nhân, sử dụng năng lượng tái tạo ở buổi ban sơ cho đến sức kéo của gia súc rồi sự can thiệp của cuộc cách mạng công nghiệp... cuốn sách đã cho ta thấy tuy chỉ chiếm 5% trong tổng tổng thu thu nhập nhưng nó lại có tầm vóc đặc biệt quan trọng, giống như não bộ cũng chỉ chiếm dụng khoảng 5% cơ thể con người nhưng lại là một cơ quan mang tính sống còn.

Từ nhận thức này, một trong những khẳng định quan trọng của tác giả là không có năng lượng sạch hay bẩn một cách tuyệt đối. Chọn một loại năng lượng tức là chọn một hình thức biến đổi với những lợi ích và hạn chế riêng, bởi năng lượng nào cũng trở thành bẩn nếu được sử dụng với quy mô lớn. Điều này buộc ta phải suy nghĩ lại về việc sử dụng năng lượng tái tạo, vì dù nó không gây ra hiệu ứng nhà kính nhưng chính những tấm pin mặt trời hay những cột trụ của cối xay gió... lại là một nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường khi hết tuổi thọ. Do đó dù có ra sao thì môi trường vẫn bị ô nhiễm, chỉ là ta phải chọn lựa đó là gì thôi.

Thế giới không hồi kết tạo được sự chú ý lớn với nhiều đối tượng, từ trẻ em qua hình thức đồ họa đặc biệt cho đến những người không chuyên và chuyên gia. Ảnh: Nhã Nam

Không dừng tại đó, tác giả cũng đã dẫn dắt người đọc qua hành trình khám phá than đá, dầu mỏ, dầu đá phiến, khí tự nhiên cũng như năng lượng tái tạo, về những con số sản lượng gây ra ô nhiễm khổng lồ và các tác động mang tính sống còn đối với thế giới ngày nay của chúng... Đặc biệt, bằng cái nhìn liên ngành, Jancovici cũng liên kết chủ đề nói trên với kinh tế qua các câu chuyện về khủng hoảng dầu mỏ, sự bùng nổ việc làm trong khu vực dịch vụ; với quy hoạch qua xu hướng đô thị hóa; với chính trị qua việc cảnh báo nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, đe dọa đảm bảo an ninh lương thực, từ đó có thể gây ra những sự bất ổn tại nhiều quốc gia... Qua đó có thể coi đây là một tác phẩm toàn diện và rất thú vị khi cung cấp những góc nhìn mới mẻ, thú vị xoay quanh vấn đề nói trển.

Năng lượng hạt nhân liệu có an toàn?

Ở phần 2, tác giả nói nhiều hơn về khí hậu, đi từ các định nghĩa tương đối đơn giản như lật ngược lịch sử để tìm về các kỷ băng hà, sự phân tách địa chất cho đến thời sự hơn cả, khi cảnh báo về sự phát thải ngày càng nhiều hơn từ các hoạt động của con người ra môi trường sống.

Tại đây một trong những vấn đề chủ chốt được đưa ra bàn luận là mối tương quan giữa sự nguy hiểm và tầm quan trọng cần thiết của năng lượng hạt nhân trong bối cảnh Trái Đất không ngừng nóng lên. Jancovici đã trình bày một cách có hệ thống nhiều vấn đề, như phản ứng phân hạch là gì, nguyên tắc hoạt động của một nhà máy điện hạt nhân cho đến so sánh nguồn phát thải của nó với các nguồn năng lượng khác…

Bìa sách Thế giới không hồi kết. Ảnh: Nhã Nam

Ông cũng nhắc đến những sự kiện đặc biệt trong quá khứ như sự cố nhà máy hạt nhân Chernobyl ở Ukraine hay Fukushima của Nhật Bản. Jancovici bằng các giải thích đơn giản, dễ hiểu đã dẫn độc giả qua các nguyên nhân gây ra thảm họa cũng như bài học rút ra từ đó. Có một nghịch lý là tuy được đánh giá là một sự kiện vô cùng nguy hiểm, nhưng nó không để lại bất cứ “dấu chân” sinh thái nghiêm trọng nào. Như ông chỉ ra, vụ Chernobyl đã gián tiếp tạo ra một khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng, là nơi sinh sống của những loài vật đã gần như tuyệt chủng. Trong khi sự kiện ở Nhật gần như không gây ra tác hại y tế đáng kể nào, dù là tỉ lệ ung thư ở nhóm cư dân bị tác động hay là tỉ lệ gây dị tật bẩm sinh hoặc tác động di truyền...

Ngoài ra những nỗi lo như xử lý nguồn nước nhiễm hạt nhân sao cho không gây ảnh hưởng cũng đề cập, do đó càng về cuối cuốn sách, các tác giả đã khẳng định rằng không phải tự thân đây là một nguồn năng lượng nguy hiểm, mà chính nỗi sợ tâm lý là thứ khiến nguồn năng lượng phát thải ra môi trường ít nhất này bị xa lánh. Ông so sánh khả năng mà nó tạo ra các sự cố nguy hiểm cũng xấp xỉ với tỉ lệ rơi máy bay, tuy là cực thấp nhưng do nhận định chủ quan mà luôn hình thành nỗi sợ mang tính cố hữu, từ đó trấn an độc giả và kêu gọi các chính phủ nên có cái nhìn bao quát và rộng lớn hơn để đưa nguồn năng lượng này vào việc sử dụng, từ đó từng bước đảm bảo các cam kết về vấn đề biến đổi khí hậu.

Cuốn sách khép lại với những biện pháp có thể thực hiện để giúp môi trường giảm bớt ô nhiễm, từ dễ thực hiện như giảm tiêu thụ lượng thịt chăn nuôi, hình thành các tổ chức tập thể chăn nuôi hữu cơ, di chuyển bằng phương tiện công cộng... cho đến vĩ mô hơn, như loại bỏ nỗi sợ hạt nhân hoặc quy hoạch lại thiết chế đã có... Đây tuy là những phương pháp đã được biết đến một cách rộng rãi, nhưng chính việc đi sâu để “bình dân hóa” các kiến thức khoa học đã giúp thông điệp có thêm sức mạnh và tầm ảnh hưởng khi mỗi một người đều hiểu rõ hơn và ý thức được đóng góp của mình cho bức tranh toàn cảnh.

Thế giới không hồi kết do vậylà một tác phẩm rất đáng đọc.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tu-hieu-den-hanh-dong-de-the-gioi-khong-hoi-ket-45258.html