TƯ Hội LHPN Việt Nam lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Chiều 16/5/2025, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Từ trái sang: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp Hội LHPN Việt Nam Đàn Thị Vân Thoa chủ trì Hội nghị
Chủ trì Hội nghị: Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương; các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các ban/đơn vị thuộc TƯ Hội LHPN Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, là một tổ chức chính trị - xã hội, Hội LHPN Việt Nam bám sát kế hoạch lấy ý kiến nhân dân của Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp; tổ chức nhiều hoạt động lấy ý kiến sâu rộng trong cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước...

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu đề dẫn
Bản thuyết minh về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cho biết: Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với phạm vi sửa đổi tập trung vào các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm có 02 điều; Điều 1 gồm 08 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 03 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Quang cảnh Hội nghị
Theo đó, để làm rõ vai trò cốt lõi của MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của MTTQ Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng, phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội vào MTTQ Việt Nam, trên cơ sở đề xuất của UBTƯ MTTQ việt Nam, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 như sau:
(1) Khẳng định MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(2) Quy định khái quát về các tổ chức chính trị - xã hội; bổ sung, làm rõ nguyên tắc hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam. Nguyên tắc hiệp thương dân chủ được xem là một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản, nền tảng thể hiện bản chất liên hiệp tự nguyện của MTTQ Việt Nam hiện chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp...


Các đại biểu là nguyên lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam tham gia góp ý
Phát biểu góp ý về những nội dung liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên nêu trong Dự thảo, các đại biểu bày tỏ đồng tình về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thể chế hóa chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để hoạt động hiệu lực, hiệu quả như Nghị quyết Trung ương đề ra, đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới.
Góp ý vào các điều khoản nêu trong Dự thảo tại điều 9, điều 10, các đại biểu cho rằng, cần rà soát, cân nhắc một số câu chữ cụ thể trong từng điều, khoản để tránh sự trùng lắp với các điều khoản khác, cần làm rõ ý hơn hoặc cân nhắc sử dụng từ, ngữ để cho thấy sự hài hòa, không mâu thuẫn. Dự thảo sửa đổi làm sao để thể hiện được vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; làm rõ nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...



Các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ Hội LHPN Việt Nam tham gia góp ý
Đối với việc sửa đổi, bổ sung quy định về Công đoàn Việt Nam, các ý kiến tại hội nghị nhất trí đề nghị bổ sung nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn. Điều này đảm bảo sự kế thừa hợp lý của các bản Hiến pháp trong việc ghi nhận vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn, thống nhất với quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 và nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống C.ông đoàn Việt Nam.
Bên cạnh việc tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung liên quan đến một số quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đại biểu cũng cho ý kiến về các quy định trong dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến mô hình chính quyền địa phương, quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân; hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính.

Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định, các ý kiến góp ý của các đại biểu đều rất tâm huyết, trách nhiệm, nhiều ý kiến xác đáng, nội dung góp ý tập trung vào những điều, khoản liên quan trực tiếp đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Ban tổ chức hội nghị sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu để gửi tới Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Trong thời gian tới, TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục đa dạng hóa hình thức, triển khai sâu rộng, thực chất việc lấy ý kiến hội viên, phụ nữ; tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia đóng góp ý kiến tích cực trên các nền tảng số để tổng hợp, gửi các cơ quan có thẩm quyền.