Từ hội thảo dự án sách hay đến thư viện xanh - thân thiện

'Thư viện xanh - thân thiện' không có cán bộ thư viện trực để cho học sinh mượn sách mà tự các em quản lý sách là chính.

Từ hội thảo sách hay đến thư viện xanh - thân thiện

Ngày tháng 5/2019, tại Trường Tiểu học Tân Thông (nay là Trường Tiểu học Phan Văn Khải), huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hội thảo “Dự án sách hay dành cho học sinh tiểu học” do cô Hoàng Thị Thu Hiền (Cựu giáo viên Văn, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh) làm trưởng ban dự án cùng với sự tham gia của lãnh đạo, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo Củ Chi và hơn 80 thầy cô là cán bộ quản lý, cán bộ thư viện của 40 trường tiểu học trong địa bàn huyện Củ Chi.

Dự án ra đời ngoài mục đích làm lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh cấp tiểu học còn giúp trẻ mở mang kiến thức về lịch sử, danh nhân, văn học… đọc sách để giúp trẻ hướng thiện, sống văn minh, có nghĩa tình.

Tại buổi hội thảo, cô Hoàng Thị Thu Hiền cho biết nguồn tiền mua sách do cô vận động các mạnh thường quân, giáo viên và học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong đóng góp.

Sau gần ba năm hoạt động dự án đã tặng trên 300 ngàn đầu sách, tạp chí cho gần 800 trường tiểu học trên 45 tỉnh, thành trong cả nước. Đến Củ Chi lần này, dự án trao tặng cho 40 trường tiểu học sách, tạp chí với tổng số tiền 173.000.000 đồng.

 Văn nghệ ngày hội thảo dự án sách hay tại Trường Tiểu học Tân Thông, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Văn nghệ ngày hội thảo dự án sách hay tại Trường Tiểu học Tân Thông, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi hội thảo này, nhiều cán bộ quản lý và cán bộ thư viện chia sẻ kinh nghiệm như thế nào để thu hút học sinh có thói quen ham mê đọc sách, đáng chú ý là cách làm của Trường Tiểu học Tân Thông được nhiều thầy cô tâm đắc.

Khi đó, lãnh đạo nhà trường cho biết “Thư viện xanh - thân thiện” của trường mới thành lập vào cuối tháng 3/2019 với ý tưởng nhà trường làm sao, làm như thế nào để đưa được sách, sách trưng bày rộng rãi nơi nào thích hợp cho tất cả các em sinh trong trường được nhìn thấy để thôi thúc các em tò mò tìm sách để đọc để từ từ quen với ý thức thích thú và ham đọc sách cho học sinh.

 Thư viện xanh - thân thiện Trường Tiểu học Tân Thông, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thư viện xanh - thân thiện Trường Tiểu học Tân Thông, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ý tưởng này được hiệu trưởng đưa ra trong phiên họp của Hội phụ huynh của trường và được ban đại diện của hội đồng tình hưởng ứng tán thành và gợi có ý vì trong khuôn viên trường rộng nên mô hình thư viện được làm hai cái đặt sát vào tường trước hai bên mặt tiền đi vào sảnh của nhà trường cho học sinh dễ thấy.

Mô hình thư viện phải trông giống như nhà miền quê thu nhỏ, mái nhà lợp lá nằm bên mấy cây xanh.

Trong gian nhà thư viện đặt cái tủ không có cửa, ba mặt làm bằng kính trong suốt, chia làm bốn ngăn trưng bày ngăn nắp khoảng 200 quyển sách.

Xung quanh thư viện có cây xanh to tán rộng để các em thoải mái ngồi trên mặt thành xi măng xây quanh các bồn cây hay thảm cỏ xanh đọc sách.

Nhìn vào không gian đó người ta có cảm nhận rất gần gũi khung cảnh cuộc sống yên bình của miền quê và qua đó giáo dục lòng yêu quê hương đất nước.

Để thư viện đi vào hoạt động một cách có hiệu quả, khâu ban đầu nhà trường vận động mỗi em học sinh tặng cho thư viện một quyển sách, truyện tranh, truyện thiếu nhi, trang bị sách cho thư viện được phong phú về số lượng cũng như nhiều về thể loại.

Nhà trường vận động học sinh góp sách tặng cho thư viện theo phương châm “Góp một quyển sách nhỏ – đọc nghìn quyển sách hay”, và chỉ hơn 10 ngày phát động nhà trường nhận được trên 2000 quyển sách từ 1400 học sinh.

 Cô và trò cùng nhau đọc sách tại Trường Tiểu học Tân Thông.

Cô và trò cùng nhau đọc sách tại Trường Tiểu học Tân Thông.

Nhà trường hiện tại không có biên chế cán bộ thư viện chuyên trách nên phân công cô Phan Thị Tuyết - giáo viên dạy Mỹ thuật kiêm nhiệm.

Cô giáo được phân công nhiệm vụ cứ vài ngày là mang sách học sinh chưa đọc đến thư viện đổi sách khác mà học sinh vừa đọc xong, hay hoán chuyển sách truyện từ thư viện phía này sang thư viện phía bên kia cho học sinh có cảm nhận mình luôn được đọc sách, truyện mới.

“Thư viện xanh-thân thiện” không có cán bộ thư viện trực để cho học sinh mượn sách mà tự các em quản lý sách là chính.

Nơi đây luôn mở cửa đón học sinh suốt ngày vào giờ học sinh ra chơi, giờ tự học, các em đến đó tự giác lựa chọn cho mình quyển sách ưng ý rồi chọn góc nào đó quanh thư viện để đọc, đọc xong các em đặt sách lại đúng chỗ cũ.

 Học sinh đến thư viện chọn sách rồi ngồi xuống gốc cây xanh chăm chú đọc.

Học sinh đến thư viện chọn sách rồi ngồi xuống gốc cây xanh chăm chú đọc.

Thư viện điện tử Trường Tiểu học Phạm Văn Cội

Một trong những mô hình thư viện điển hình trên địa bàn huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh là thư viện điện tử Trường Tiểu học Phạm Văn Cội.

Ngoài phòng thư viện truyền thống của nhà trường được trang bị nhiều truyện thiếu nhi, sách tham khảo ra thì nhà trường có xây lắp, trang bị thêm phòng thư viện điện tử với số tiền trên 1,5 tỉ đồng do ngân sách huyện hỗ trợ, các máy móc, thiết bị phục vụ cho phòng thư viện điện tử gồm có: 1 bảng tương tác hỗ trợ cho giáo viên và học sinh trong việc giảng dạy, 2 màn hình tương tác và 40 máy tính bảng dành cho học sinh đọc sách.

 Học sinh đọc truyện trên bảng tương tác ở thư viện Trường Tiểu học Phạm Văn Cội, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Học sinh đọc truyện trên bảng tương tác ở thư viện Trường Tiểu học Phạm Văn Cội, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi tôi đến tham quan thư viện tháng 10/2020, vì vào giờ ra chơi nên học sinh đến thư viện đọc sách khá đông.

Khi được tôi hỏi cảm nghĩ khi đọc sách ở thư viện điện tử như thế này, em Tô Thanh Tuyền học sinh lớp 5/1 chia sẻ: “Em lên phòng thư viện đọc sách được 3 lần, em chỉ cần chạm nhẹ ngón tay vào màn hình máy tính bảng là trang hiện ra, em còn có thể tham khảo nhiều dạng bài tập toán trên thư viện điện tử”.

Còn em Nguyễn Hoàng Anh, lớp 5/2, hào hứng nói: “Em thích lên thư viện để đọc truyện cổ tích Việt Nam bằng tranh hay bằng chữ, em cũng mê truyện cổ tích thế giới và thật tình không phải riêng mình em mà các bạn khác đều nói thích đọc sách thư viện điện tử vì chữ to, rõ và có màu sắc rất đẹp, mình đọc hết trang muốn sang trang khác chỉ cần lấy ngón tay quẹt nhẹ là xong chứ không như quyển sách cuốn thông thường khi vừa đọc vừa cầm mỏi cả hai tay, vừa cực mất thời gian khi lật sang trang khác”.

Cô Tô Phước Khánh Vân, cán bộ phụ trách thư viện nhà trường, cho biết: “Trước khi thư viện điện tử đi vào hoạt động, thì cô đã tập huấn cho giáo viên trong trường suốt mấy ngày để giáo viên quen, hướng dẫn lại cho học sinh lớp mình chủ nhiệm cách sử dụng máy tính bảng và tìm kiếm thông tin mình muốn. Sau hơn một tuần được tiếp cận máy tính và thực hành, giáo viên và học sinh khi sử dụng thư viện điện tử đều có nhận xét chung rất nhanh chóng, tiện dụng”.

Tuy nhiên, ban giám hiệu nhà trường đã chủ động phối hợp với phụ huynh tư vấn học sinh để các em đừng quá say mê thích thú mà chăm chú vào màn hình đọc quá nhiều có thể ảnh hưởng đến mắt, đồng thời tuyên truyền rộng rãi cho học sinh biết chọn lọc sách để đọc, bố trí thời gian cho phù hợp như giờ chơi, giờ học ngoại khóa, thư viện điện tử nhà trường phục vụ học sinh cả ngày và suốt tuần, kể cả sáng ngày thứ Bảy.

Thầy Đoàn Văn Lâm, Bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng cho biết thêm: “Thư viện điện tử với tài nguyên khá phong phú nên có nhiều thuận lợi giúp giáo viên và học sinh trong việc giảng dạy, học tập, không bị ràng buộc giới hạn về không gian đọc, thời gian đọc như thư viện truyền thống”.

Trường Tiểu học Phạm Văn Cội là trường được đầu tư trang bị hệ thống thư viện điện tử kết hợp với thư viện truyền thống phục vụ cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh đầu tiên của huyện Củ Chi, đáng được cho các trường trong huyện và trong Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan học tập.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát động cuộc thi viết "Sống Đẹp - Sống Xanh" với 1 giải Nhất là 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 10 triệu đồng. 2 giải Nhì: mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 5 triệu đồng tiền mặt. 3 giải Ba, mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 2 triệu đồng tiền mặt. Giải đồng hạng: 600 Voucher Sống đẹp - Sống xanh – trị giá 1 triệu đồng/ voucher để mua bất kỳ dòng xe máy điện nào của VinFast (Thời hạn sử dụng voucher: Từ 01/02/2025 - 30/9/2025) dành cho 600 tác giả có bài viết đạt chất lượng do Ban tổ chức xét qua vòng sơ loại.

Đối tượng tham gia cuộc thi viết là công dân, ưu tiên học sinh Việt Nam có tác phẩm phù hợp với nội dung cuộc thi.

Nội dung bài viết hướng tới lan tỏa, chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn, tích cực nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam văn minh, đủ tố chất là công dân toàn cầu, giữ gìn bản sắc Việt Nam; Chia sẻ những câu chuyện, những tấm gương trong việc bảo vệ môi trường xanh và phát triển bền vững của trái đất; Đưa các ý kiến, giải pháp, góp ý trong việc giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam về Sống Đẹp - Sống Xanh, đón chào kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Thời gian nhận bài: đến hết ngày 31/05/2025.

Bài viết gửi về hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc songdep@giaoduc.net.vn.

Trần Văn Tám - Giáo viên hưu trí ở Củ Chi, TP.HCM

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tu-hoi-thao-du-an-sach-hay-den-thu-vien-xanh-than-thien-post250495.gd