'Tử huyệt' dưới đáy biển của châu Âu

Châu Âu lo ngại những con 'tàu ma' của Nga lập bản đồ tuyến cáp ngầm dưới biển để phá hoại như một phần trong cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga về vấn đề Ukraine.

Vào ngày 3-5, ông David Cattler - Trợ lý của Tổng thư ký NATO về tình báo và an ninh - cảnh báo các cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ, bao gồm tuyến cáp quang dưới biển, có nguy cơ lớn bị Nga nhắm mục tiêu, theo tờ Politico.

"Có những lo ngại ngày càng tăng rằng Nga có thể nhắm mục tiêu vào các tuyến cáp quang dưới biển và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác trong nỗ lực đảo lộn cuộc sống của người phương Tây, nhằm đạt được mục tiêu chống lại những quốc gia đang cung cấp an ninh cho Ukraine" - ông Cattler cảnh báo.

Cảnh báo từ vị quan chức an ninh tình báo hàng đầu của NATO làm dấy lên những lo ngại về tuyến cáp ngầm, vốn là “huyết mạch” dữ liệu cũng như “tử huyệt” dễ tổn thương nhất của châu Âu.

Lo sợ những con “tàu ma” của Nga

Hồi tháng 4, bộ phim tài liệu có tựa đề “Chiến tranh trong bóng tối” do các đài truyền hình của 4 nước Bắc Âu phối hợp điều tra thực hiện đã cảnh báo rằng Nga đang điều hành một hạm đội hàng chục con “tàu ma” ở biển Baltic.

Mục đích của hạm đội là lập bản đồ các khu vực điện gió ngoài khơi, đường ống dẫn khí đốt, điện và cáp quang ở vùng biển xung quanh các quốc gia Bắc Âu có thể để phục vụ cho mục đích xấu, như tấn công phá hoại, theo chuyên san Foreign Policy.

Một thủy thủ đứng trên boong tàu Đô đốc Vladimirsky của Nga trong chuyến thám hiểm tới Nam Cực vào tháng 12-2019. Ảnh: ALEXEY KUDENKO/SPUTNIK

Một thủy thủ đứng trên boong tàu Đô đốc Vladimirsky của Nga trong chuyến thám hiểm tới Nam Cực vào tháng 12-2019. Ảnh: ALEXEY KUDENKO/SPUTNIK

Bộ phim tập trung vào tàu nghiên cứu Đô đốc Vladimirsky của Nga bị bắt gặp khi đi qua lãnh hải Đan Mạch vào tháng 11-2022 với thiết bị phát định vị bị tắt, khiến nó được gọi là “tàu ma”. Đây là chiến thuật đã được một số nước sử dụng để che giấu những hành động bất hợp pháp. Các phóng viên thực hiện bộ phim tài liệu đã đến sát tàu này và thấy các tay súng trùm mặt đứng trên boong tàu khua khua vũ khí tự động.

Nhiều chuyên gia cho rằng con tàu này đang tham gia vào hoạt động bất hợp pháp là lập bản đồ cơ sở hạ tầng quan trọng, ví dụ như tuyến cáp dữ liệu ở vùng biển Đan Mạch kết nối Đan Mạch và Châu Âu với Mỹ và Anh, trong đó có đường dây mà Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã khai thác để nghe lén Thủ tướng Đức Angela Merkel lúc còn đương nhiệm.

Chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu của Hải quân Hoàng gia Đan Mạch Nils Wang cho rằng Nga “luôn làm điều này, sử dụng các tàu thông thường để lắng nghe, chụp ảnh và lập bản đồ các khu vực quan tâm” để tìm ra những điểm yếu của Đan Mạch cũng như châu Âu.

“Tử huyệt” của châu Âu

Cáp quang được coi là một cơ sở hạ tầng quan trọng dễ bị tổn thương nhất. Ông Cattler cho biết chỉ có khoảng 400 cáp quang truyền dữ liệu internet trên thế giới và một nửa trong số đó là cáp rất quan trọng, theo Politico.

“Rất ít người nhận thức được mức độ phụ thuộc chung của chúng ta vào một số lượng cáp quang hạn chế tạo thành xương sống internet và liên kết điện tử với các lục địa của chúng ta" - theo ông Cattler.

Chuyên gia về chiến tranh hỗn hợp André Ken Jakobsson của Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh của ĐH Nam Đan Mạch nhận định: “Đan Mạch là quốc gia tiền tuyến trong cuộc chiến hỗn hợp” bởi đáy biển xung quanh Đan Mạch chứa các dây cáp dữ liệu kết nối châu Âu với thế giới, các đường ống dẫn khí đốt cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp Đức và các dây cáp điện thắp sáng châu Âu.

Giả thuyết mà giới quan sát đưa ra là Nga có thể gây ra sự cố mất điện hoặc liên lạc bằng cách cắt cáp một cách có chiến lược. Điều tương tự đã xảy ra với một tuyến cáp nghiên cứu đáy biển ngoài khơi phía bắc Na Uy và không ai biết ai là thủ phạm.

Rò rỉ khí gas tại đường ống Nord Stream 2 đoạn qua Đan Mạch hồi tháng 9-2022. Ảnh: BỘ TƯ LỆNH ĐAN MẠCH/ REUTERS

Rò rỉ khí gas tại đường ống Nord Stream 2 đoạn qua Đan Mạch hồi tháng 9-2022. Ảnh: BỘ TƯ LỆNH ĐAN MẠCH/ REUTERS

Các chuyên gia lo ngại trong thời điểm xung đột thực sự, Nga sẽ biết chính xác nơi tấn công để làm mất điện hay ngắt liên lạc các khu vực quan trọng của châu Âu.

Hầu hết các dây cáp hiện đại đều được bảo đảm chống phá hoại bằng cách chôn trong cát. Tuy vậy, tai nạn đứt cáp vẫn xảy ra. Khi biển động, một con tàu lớn có thể bị mất neo và sau đó vô tình đâm xuyên qua các dây cáp bị chôn dưới cát. Đối với việc cố phá hoại, chỉ cần một cái mỏ neo nặng và xác định chính xác được địa điểm tuyến cáp đó.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ bắt đầu thấy những chiếc tàu đánh cá ‘vô tình’ va vào dây cáp” - ông Jakobsson nói. Ông cũng cho biết nếu làm đứt cáp dữ liệu thì có thể làm gián đoạn luồng dữ liệu ở các nơi đến châu Âu.

Nga phản ứng gắt với phim tài liệu có "tàu ma"

Bộ phim tài liệu “Chiến tranh trong bóng tối” do 4 đài truyền hình của 4 nước Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy phối hợp điều tra, thực hiện.

Bình luận về bộ phim, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng đây là tin giả do các nước phương Tây phối hợp tạo ra.

Bà Zakharova nói rằng rõ ràng chính quyền Bắc Âu đứng sau "hành động khiêu khích" này và bộ phim tài liệu gây ra "thiệt hại không thể khắc phục" đối với quan hệ giữa các nước này với Nga, đồng thời tuyên bố Moscow sẽ đáp trả gay gắt mọi hành động khiêu khích” này.

THU PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-huyet-duoi-day-bien-cua-chau-au-post731869.html