'Tụ huyết khối' - biến chứng nguy hiểm của Covid-19 có thể gây tử vong
Các chuyên gia nhận thấy nguy cơ 'tụ huyết khối' ở bệnh nhân mắc Covid-19 lớn đến mức họ có thể cần được cung cấp chất làm loãng máu để phòng ngừa.
Sau khi trải qua gần 3 tuần nằm trong phòng chăm sóc tích cực để điều trị Covid-19, Nick Cordero, 41 tuổi – một diễn viên truyền hình, buộc phải cắt bỏ chân phải.
Một cục máu đông đã cản trở sự lưu thông máu của người đàn ông này. Đây là biến chứng nguy hiểm khác của bệnh Covid-19, đang xuất hiện trong các báo cáo ở từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Cái gọi là “tình trạng tụ huyết khối” xảy ra vì nhiều lý do khác nhau ở những bệnh nhân phải điều trị tích cực, nhưng tỷ lệ này ở bệnh nhân mắc Covid-19 cao hơn nhiều so với dự kiến.
Bác sỹ Shari Brosnahan thuộc bộ phận chăm sóc tích cực tại NYU Langone chia sẻ với AFP: “Tôi đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ở độ tuổi 40, những người có nhiều cục máu đông trong các ngón tay, nhiều khả năng họ sẽ mất đi bộ phận này. Không có nguyên nhân nào khác gây ra tình trạng đó ngoài việc nhiễm virus SARS-CoV-2”.
Một trong những bệnh nhân này bị thiếu máu đến cả 2 chân và 2 tay. Bác sỹ Shari Brosnahan dự đoán họ có thể phải cắt cụt, hoặc nếu không thì mạch máu cũng bị tổn thương nghiêm trọng đến mức các chi có thể bị hủy hoại. Các cục máu đông không chỉ nguy hiểm cho các chi mà có thể đi đến tim, phổi hoặc não và gây tắc mạch phổi, đau tim hay đột quỵ, có thể gây tử vong.
Một nghiên cứu gần đây của Hà Lan đăng trên tạp chí Thrombosis Research nhận thấy rằng, trong số 184 bệnh nhân mắc Covid-19 thì có 31% chịu biến chứng tụ huyết khối. Con số này "cao đáng kể" theo lời các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, tỷ lệ phải cắt chi là rất hiếm.
Nguyên nhân do đâu?
Behnood Bikdeli, bác sĩ tại Bệnh viện New York-Presbyterian, đã tập hợp một nhóm các chuyên gia quốc tế để nghiên cứu vấn đề này. Phát hiện của họ đã được công bố trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Mỹ.
Các chuyên gia nhận thấy nguy cơ “tụ huyết khối” ở bệnh nhân mắc Covid-19 lớn đến mức họ “có thể cần phải được cung cấp chất làm loãng máu để phòng ngừa”, ngay cả trước khi các xét nghiệm vật lý chụp hình được yêu cầu, bác sỹ Behnood Bikdeli nói.
Vậy chính xác điều gì đã gây ra tình trạng này? Các lý do vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ, nhưng chuyên gia Behnood Bikdeli đã đưa ra một số nguyên nhân.
Trước hết, những người có triệu chứng mắc Covid-19 nghiêm trọng thường có bệnh lý nền như tim mạch hoặc phổi và bản thân những căn bệnh này liên quan đến tỷ lệ đông máu cao hơn các căn bệnh khác. Tiếp theo, việc phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt khiến cơ thể người bệnh dễ phát sinh những cục máu đông bởi họ phải nằm một chỗ quá lâu.
Ngoài ra, bệnh Covid-19 cũng liên quan đến 1 phản ứng miễn dịch bất thường đó là Hội chứng giải phóng cytokine (CRS) hay “cơn bão cytokine”. Đây là hiện tượng hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh, khiến các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân Covid-19 có thể gục ngã vì chính hệ miễn dịch của mình.
Cũng có thể có điều gì đó nằm ở bản thân virus SARS-CoV-2 gây ra tình trạng đông máu, vốn từng có tiền lệ trong một số bệnh khác liên quan đến virus.
Một bài báo trên tạp chí The Lancet tuần trước cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập và tế bào bên trong của các cơ quan hoặc của mạch máu trong cơ thể người, được gọi là lớp nội mạc. Về lý thuyết điều này có thể tác động đến quá trình đông máu.
Bí ẩn mới giúp giải quyết vấn đề cũ
Theo bác sỹ Shari Brosnahan, các chất làm loãng như Heparin chỉ có hiệu quả ở một số bệnh nhân, nhưng không có tác dụng đối với tất cả bệnh nhân vì các cục máu đông đôi lúc quá nhỏ. “Có quá nhiều cục máu đông nhỏ. Chúng tôi không biết chính xác chúng đang ở đâu”.
Khám nghiệm tử thi cho thấy phổi của một số bệnh nhân mắc Covid-19 chứa hàng trăm cục máu đông nhỏ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của 1 bí ẩn mới lại giúp giải quyết vấn đề cũ.
Bác sỹ Cecilia Mirant-Borde, thuộc khoa chăm sóc tích cực tại một bệnh viện dành cho cựu quân nhân ở Manhattan, Mỹ nói với AFP rằng, việc phổi có đầy những cục máu nhỏ giúp giải thích tại sao máy thở không mấy có tác dụng với những bệnh nhân có lượng oxy trong máu thấp.
Trước đó, các bác sỹ đã điều trị cho những bệnh nhân này theo phác đồ được phát triển dành riêng cho hội chứng suy hô hấp cấp tính, đôi khi được gọi là “phổi ướt”. Tuy nhiên trong một số trường hợp, “không phải bởi vì phổi chứa quá nhiều nước”, mà đúng hơn là do các cục máu đông nhỏ làm cản trở việc lưu thông máu khiến máu được bơm đi từ phổi chứa ít oxy hơn bình thường.
Chưa đầy 5 tháng kể từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu thêm về tác động của nó mỗi ngày.
“Chúng ta đã phản ứng ngạc nhiên, nhưng lẽ ra chúng ta không nên ngạc nhiên như vậy. Virus có xu hướng gây ra những điều kỳ lạ", bác sĩ Brosnahan nói. “Mặc dù có hàng loạt biến chứng có vẻ đáng ngại nhưng có thể có một hoặc một vài cơ chế thống nhất mô tả cách thức các biến chứng này xảy ra. Có thể tất cả đều giống nhau và có cùng giải pháp”, chuyên gia Brosnahan cho biết thêm./.