Từ kết quả đánh giá PISA: Học sinh Việt Nam giỏi hay kém so với thế giới?

Từ kết quả của khảo sát học sinh PISA 2019 cho thấy, so với các nước cùng tổ chức khảo sát trên giấy, Việt Nam có kết quả cao hơn rất nhiều.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA 2018 tại 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Lần công bố này có một số điểm đặc biệt hơn so với các kỳ đánh giá trước mà Việt Nam tham gia.

Thông tin tóm tắt về kết quả PISA 2018 trên bảng kết quả của OECD công bố cho thấy, Đọc hiểu - lĩnh vực trọng tâm của chu kỳ 2018, Việt Nam đạt 505 điểm, điểm số cao thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 19/65; chu kỳ 2015 thứ 32/70).

Lĩnh vực Toán học, Việt Nam đạt 496 điểm, điểm số cao thứ 24/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 17/65; chu kỳ 2015 thứ 22/70). Lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đạt 543 điểm, điểm số cao thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 8/65; chu kỳ 2015 thứ 8/70).

Kết quả của PISA 2018 tại Việt Nam cho thấy có những bước tiến khá nhanh.

Kết quả của PISA 2018 tại Việt Nam cho thấy có những bước tiến khá nhanh.

Cũng theo báo cáo của PISA, học sinh Việt Nam có thái độ tích cực làm bài, tỷ lệ có mặt tham gia cao, tỷ lệ trả lời hết các câu hỏi thuộc nhóm cao nhất thế giới. Về thời gian làm bài, nhiều học sinh ở các nước đã phải bỏ một số câu hỏi khi kết thúc thời gian ở cuối mỗi phần thi. Tỷ lệ các câu hỏi không làm được đối với học sinh Việt Nam là nhỏ nhất (0,1%), tiếp theo là Bắc Kinh - Thượng Hải - Giang Tô - Chiết Giang (Trung Quốc), Hàn Quốc và Đài Bắc (Trung Quốc) với tỷ lệ từ 1,1% đến 1,3%.

Mặc dù có xếp hạng khá tốt, tuy nhiên Việt Nam lại chưa được đưa vào bảng so sánh với các nước trên thế giới. Theo giải thích của Bộ GD&ĐT, có 2 lý do chính để OECD chưa đưa kết quả của Việt Nam vào bảng so sánh. Thứ nhất, báo cáo so sánh quốc tế đầy đủ không thể hoàn thành tại thời điểm công bố nếu đưa Việt Nam vào phân tích dữ liệu so sánh quốc tế (dự kiến là năm 2020 mới công bố).

Thứ hai, số liệu thu được của Việt Nam không phù hợp (misfit) với mô hình lý thuyết hồi đáp câu hỏi, mức độ không phù hợp cao hơn so với các quốc gia khác, có sự khác biệt lớn với mô hình đánh giá của OECD.

Trong quá trình phân tích, xử lý dữ liệu PISA của Việt Nam, OECD đã có những chất vấn, kiểm tra rất nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật của việc tổ chức thực hiện. Sau quá trình xác minh, thẩm tra, OECD khẳng định Việt Nam không có gì sai sót về quá trình tổ chức thực hiện, hoặc thao túng số liệu hay thiên lệch khi chấm điểm.

Tuy nhiên, do kết quả của Việt Nam thi trên giấy quá khác biệt với các nước thi trên máy tính. Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước tham gia thi trên giấy (tổng cộng 9 nước) khi so sánh với các nước OECD thi trên máy tính đều có sự khác biệt. So sánh với các nước trên giấy, kết quả của Việt Nam cao hơn rất nhiều.

Theo đánh giá của một số chuyên gia giáo dục, kết quả PISA của Việt Nam liên tục thăng tiến trong thời gian vừa qua, điều này là đáng mừng. Tuy nhiên, kết quả này dù cao cũng chỉ mang tính tham khảo là chủ yếu, bởi một kỳ khảo sát khó có thể đánh giá toàn diện trình độ, năng lực của học sinh một nước.

Trên thực tế, có nhiều quốc gia giáo dục phát triển hoặc không tham gia, hoặc có kết quả không cao, điều này cho thấy kết quả chie mang tính tương đồi. Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ thực hiện ở một phạm vi nào đó, chứ không phải diện rộng quy mô toàn quốc.

Bộ GD&ĐT cho biết, tham gia PISA là cơ hội hội nhập quốc tế về giáo dục; để biết nền giáo dục Việt Nam đang ở đâu trên thế giới, có được bức tranh tổng thể về giáo dục quốc gia so với giáo dục quốc tế, làm cơ sở cho đề xuất những thay đổi về chính sách giáo dục quốc gia. Việt Nam sẽ xem xét để chuẩn bị dần các điều kiện để có thể tham gia các kỳ thi PISA sắp tới qua máy tính.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/tu-ket-qua-danh-gia-pisa-hoc-sinh-viet-nam-gioi-hay-kem-so-voi-the-gioi-2019120812380871.htm