Thay đổi tuyển sinh lớp 6: Bất ngờ hay may rủi?

Năm học 2024 - 2025 là năm cuối cùng tuyển sinh học sinh (HS) học theo chương trình GDPT 2006, Trường THCS Chu Văn An (Thanh Trì, Hà Nội) đã có những thay đổi trong quy chế tuyển sinh vào lớp 6, dẫn đến những băn khoăn, bức xúc trong phụ huynh.

Học sinh, phụ huynh xem danh sách trúng tuyển vào lớp 6 năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Chu Văn An. Ảnh: Đ.Dung.

Học sinh, phụ huynh xem danh sách trúng tuyển vào lớp 6 năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Chu Văn An. Ảnh: Đ.Dung.

Theo quy chế tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2024 - 2025 được Trường THCS Chu Văn An công bố từ cuối tháng 4/2024, chỉ những HS có ít nhất 4 năm đạt kết quả giáo dục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện trong 5 năm cấp tiểu học mới được dự tuyển vào trường. Trong khi những năm trước, HS hoàn thành xuất sắc hoặc hoàn thành tốt 3 mặt giáo dục từ lớp 1 đến lớp 5 (học tập, năng lực, phẩm chất) đã có cơ hội nộp hồ sơ xét tuyển.

Với quy định mới này, nhiều hồ sơ diện “con nhà người ta” với bảng điểm toàn 10 cũng sẽ không có cơ hội nộp để xét tuyển vào trường bởi được đánh giá là “hoàn thành” thay vì “hoàn thành tốt” ở một hoặc tất cả các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục vốn không được đánh giá bằng điểm số. Mục tiêu của chương trình GDPT 2018 là không phân biệt môn chính, môn phụ, tuy nhiên để yêu cầu một HS giỏi toàn diện tất cả các môn mới được tham gia xét tuyển là một yêu cầu khó. Đơn cử, với môn Âm nhạc, HS thuộc lời bài hát, hát đúng giai điệu, ý thức kỷ luật học tập tốt nhưng hát không hay cũng khó được đánh giá hoàn thành tốt.

Chị Vũ Thị Hồng Hạnh (Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, việc nhà trường muốn tuyển HS giỏi toàn diện, có chất lượng cao như nhiều trường THCS chất lượng cao ở Hà Nội đã và đang tuyển sinh với yêu cầu 5 năm xuất sắc mới được dự tuyển là điều có thể lý giải. “Mỗi trường có quy định tuyển sinh riêng là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, để ổn định tâm lý phụ huynh và HS, ổn định việc dạy và học trong nhà trường thì quy định này phải được thông báo từ sớm, ít nhất là từ đầu năm học để có sự chuẩn bị nếu HS có nguyện vọng vào trường nhưng không đạt yêu cầu dự tuyển thì tính phương án học tập khác, không bị lỡ dở, bị sốc” - chị Hạnh nói.

Việc thay đổi quy chế khi năm học gần kết thúc, thời hạn nhận hồ sơ chỉ còn gần 2 tháng khiến nhiều gia đình “không kịp trở tay”, nhất là việc học bạ phải đạt 4/5 năm tiểu học xuất sắc không phải là việc chỉ nỗ lực trong 1, 2 năm học có thể đạt được mà là một quá trình cố gắng không được phép xảy ra sơ suất. Tuy nhiên, ở cấp tiểu học, HS vừa mới làm quen với việc học tập chữ nghĩa trong khi cấp mầm non chủ yếu là học kiến thức đơn giản, không có áp lực thành tích, điểm số nên nhiều em vẫn mải chơi, chưa bắt kịp được việc học.

Nhìn từ thực tế tuyển sinh, mỗi sự thay đổi về đối tượng dự tuyển, phương án xét tuyển, cách tính điểm, đề thi, tổ chức chấm thi… đều ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn HS nên cần được công bố sớm, thậm chí là phải công khai dự thảo để lấy ý kiến, góp ý của xã hội trước khi phê duyệt chính thức. Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển giao giữa chương trình GDPT 2006 và chương trình GDPT 2018, việc thay đổi cần được tính toán cẩn trọng để không làm xáo trộn việc học tập, tâm lý của HS. Giáo viên, HS và phụ huynh cũng cần có thời gian chuẩn bị dài hơi cho mục tiêu đỗ vào ngôi trường mong muốn.

Những thay đổi bất ngờ về điều kiện xét tuyển, quy chế tuyển sinh của Trường THCS Chu Văn An năm nay cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện quy chế, nếu phát sinh các trường hợp cá biệt, Hội đồng tuyển sinh báo cáo Ban chỉ đạo xem xét quyết định.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An cho biết, trong quá trình tuyển sinh thực tế nếu có những điều chưa phù hợp sẽ có những điều chỉnh, bổ sung sau. Cụ thể, nếu có những trường hợp đặc biệt ghi nhận trong quá trình tuyển sinh có thể xem xét, trao đổi và đề xuất lên Ban chỉ đạo tuyển sinh.

Thực tế ghi nhận trong thời gian nộp hồ sơ dự tuyển lớp 6 vào trường từ 27/6 đến 1/7/2024, nhiều gia đình có con em không đủ điều kiện 4 năm hoàn thành xuất sắc nhưng đạt một số thành tích trong học tập với nhiều điểm cộng, điểm khuyến khích đã đến trường để nộp hồ sơ.

Tuy nhiên, phản ánh của nhiều phụ huynh là khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ xem xét thấy hồ sơ không đảm bảo tiêu chí cứng 4 năm xuất sắc đã từ chối không tiếp nhận. Trong khi đó, một số hồ sơ dù không đảm bảo tiêu chí cứng lại được cán bộ tiếp nhận hồ sơ đồng ý tiếp nhận để trình Hội đồng tuyển sinh xem xét. Điều này gây nên bức xúc và khó hiểu đối với nhiều gia đình khi con em mình cũng có hồ sơ xét tuyển với thành tích, điểm cộng tương tự nhưng đã không được tiếp nhận để xem xét đặc cách.

Câu hỏi đặt ra là, tiêu chí nào để những hồ sơ được tiếp nhận, những hồ sơ nào bị từ chối? Công tác tuyển sinh đã được chỉ đạo, phổ biến ra sao khi trong cùng một thời gian, có bàn tuyển sinh chấp nhận hồ sơ xem xét đặc cách còn các bàn tuyển sinh khác lại không thu hồ sơ diện này, bất kể thành tích của HS ra sao?

Nhiều phụ huynh mong muốn có sự công khai, minh bạch trong quá trình tuyển sinh để quyền lợi của mọi HS được đảm bảo.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thay-doi-tuyen-sinh-lop-6-bat-ngo-hay-may-rui-10285682.html