Từ khoán 100 đến khoán 10 - Kinh tế nông nghiệp được 'cởi trói' như thế nào?
Cho đến bây giờ, ông Vũ Oanh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư TW Đảng, nguyên Trưởng Ban Kinh tế TW - vẫn còn nhớ như in hoàn cảnh ra đời của Chỉ thị 100-CT/TW (khoán 100) năm 1981, tiền đề quan trọng để dẫn đến Nghị quyết số 10-NQ/TW (khoán 10) được Bộ Chính trị ban hành năm 1988 sau Đại hội Đảng VI - Đại hội đổi mới của đất nước. Đây được xem là chiếc chìa khóa vàng 'cởi trói' cho nông nghiệp.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ban Kinh tế TW (30/9/1950 - 30/9/2020), ông Vũ Oanh đã chia sẻ hoàn cảnh ra đời Chỉ thị 100-CT/TW (khoán 100) và Nghị quyết số 10-NQ/TW (khoán 10).
Đó là những năm đầu của thập kỷ 80, kinh tế nước ta khi đó có những giảm sút nghiêm trọng. Trước hết do cơ chế, chính sách trong các ngành: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và các ngành kinh tế khác, sức sản xuất bị kìm hãm, kém phát triển, phân phối, lưu thông trì trệ.
Báo cáo của Ban Quản lý hợp tác xã trung ương, Bộ Nông nghiệp ngày 18/12/1980 đã chỉ rõ những nhược điểm của khoán việc: “Hình thức khoán việc… nhìn chung không phù hợp với trình độ tổ chức, quản lý và điều kiện sản xuất của đa số hợp tác xã ở nước ta hiện nay. Hình thức khoán việc còn nhiều nhược điểm không những khó làm nên 70% hợp tác thuộc loại trung bình và yếu kém chưa làm được tốt hoặc không làm được mà còn làm cho người lao động ít quan tâm đến sản phẩm cuối cùng họ làm ra, chỉ lo chạy theo công điểm, không đảm bảo qui trình kĩ thuật, tình trạng dong công phóng điểm, không tiết kiệm chi phí sản xuất diễn ra khá phổ biến”.
“Tuy nhiên, để chỉ ra được những mặt hạn chế và thừa nhận những bất cập trong cơ chế, chính sách trong cả một giai đoạn dài là không hề đơn giản. Ban Bí thư đã phải tổ chức một hội nghị do đồng chí Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì…” - Nguyên Trưởng Ban Kinh tế TW Vũ Oanh nhớ lại.
Dự thảo Chỉ thị 100 đã được chắt lọc từ những kết quả nghiên cứu thực tiễn ở nhiều nơi, báo cáo kết quả thành công từ các địa phương và lấy ý kiến dân chủ của bà con xã viên.
Việc ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/01/f 1981, về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp được đánh giá là bước đột phá đầu tiên về đổi mới cơ chế quản lý, kế hoạch hóa và hạch toán kinh tế trong nông nghiệp, chuẩn bị cho các bước tiếp theo để hình thành hệ thống quản lý nông nghiệp mới, làm biến đổi sâu sắc sản xuất nông nghiệp.
Xét về mặt cơ chế quản lý kinh tế, 5 nguyên tắc khoán 100 đã phá vỡ cơ chế tập trung quan liêu trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất, ruộng đất; quản lý, điều hành tốt lao động làm cho mọi người gắn bó với kết quả cuối cùng; thực hiện phân phối sản phẩm, phân phối theo lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước - tập thể - người lao động; hợp tác xã thực hiện nguyên tắc “tự nguyên, cùng có lợi, quản lý dân chủ”.
“Điều quan trọng hơn cả là khi Chỉ thị số 100-CT/TW ban hành, nông nghiệp như được cởi trói, bước đầu khơi dậy tinh thần làm chủ, phấn khởi của người lao động, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển và các địa phương, các cấp và nhân dân nhiệt liệt tán thành. Nhìn chung, năng suất lúa sau khi thực hiện khoán sản phẩm ở các hợp tác xã đều tăng lên, nơi tăng ít khoảng 4-5%, tăng vừa từ 15-20%, cá biệt có nơi tăng 50%...” - ông Vũ Oanh hào hứng.
Để cụ thể hóa và hoàn thiện các hình thức, mô hình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - cơ chế khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, Ban Bí thư đã ban hành một số các chỉ thị như: Chỉ thị số 19 về hoàn thành điều chỉnh ruộng đất, đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ, hay các chỉ thị: 29, 35, 50, 56, 65 và 67 về nông, lâm, ngư nghiệp - nhằm cụ thể hóa những quan điểm của Đảng về cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nông thôn, về xây dựng cơ cấu kinh tế mới và đổi cơ chế quản lý mới trong nông nghiệp.
Đồng thời, hệ thống các chỉ thị này của Ban Bí thư không chỉ góp phần thúc đẩy và hoàn thiện quản lý trong nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển mà còn tạo tiền đề và tạo đà cho năm 1988 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW. Trong quá trình này Ban Kinh tế TW đóng vai trò hết sức quan trọng và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử.
Từ Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng đến Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị là một quá trình đấu tranh vô cùng gian nan, quyết liệt giữa tư tưởng bảo thủ trì trệ, giáo điều với tư duy đổi mới sáng tạo; trên chặng đường đi đến thành công gặp phải không biết bao nhiêu lực cản nhưng ý chí và sức mạnh của tư tưởng đổi mới đã thắng lợi.
“Có thể nói Chỉ thị số 100-CT/TW đã tạo nên thành công cho quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp, là tiền để tạo niềm tin, động lực cho tiến trình đổi mới thành công cơ chế quản lý kinh tế đất nước sau này…” - ông Vũ Oanh khẳng định.
Nguyên Trưởng Ban Kinh tế TW Vũ Oanh cũng nhấn mạnh: “Trong suốt 75 năm qua, Đảng ta đã vận dụng tư tưởng Bác Hồ, có tư duy đổi mới sáng tạo rất cao tại mỗi thời điểm lịch sử. Vai trò lãnh đạo của Đảng về đường lối, chiến lược phát triển kinh tế để bảo vệ chế độ, phát triển đất nước là không thể thay thế…”
Đánh giá về hoạt động của Ban Kinh tế TW, ông Vũ Oanh khẳng đinh: “Với chức năng nghiên cứu, tham mưu cho TW Đảng đã tập hợp, phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân hoàn thành tốt trọng trách được giao, góp phần đưa kinh tế nước ta không ngừng phát triển lớn mạnh trong thời gian qua - Như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “Chưa bao giờ nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”…”