Từ không tái chế đến không rác thải: Học cách xử lý rác của Slovenia
15 năm trước, toàn bộ rác thải ở thủ đô Ljubljana của Slovenia đều được đem chôn. Nhưng tới năm 2025, ít nhất 75% rác thải tại đây sẽ được tái chế. Vậy bằng cách nào mà Ljubljana chuyển mình 'xanh' đến vậy?
Từ ngọn đồi xanh tươi tốt này, bạn có thể nhìn thấy Ljubljana phía xa. Nhiều đàn hươu, thỏ và rùa sống ở đây. Không khí sạch sẽ và dấu hiệu duy nhất cho chúng ta nhận biết rằng đang đứng bên trên bãi rác sâu 24 mét là những ống dẫn khí metan nhô lên khỏi đám cỏ.
Ljubljana là thủ đô châu Âu đầu tiên cam kết không rác thải. Nhưng 15 năm trước, toàn bộ đồ bỏ đi ở thủ đô này đều bị chôn thẳng xuống đất. Bà Nina Sankovic tại công ty Voka Snaga xử lý rác thải thành phố nhận xét: “Điều đó thật tốn kém. Cách làm này tốn diện tích và bạn đang ném đi những nguồn tài nguyên”. Vì thế, thành phố này quyết định thay đổi.
Theo Guardian, chiến dịch “xanh” của Ljubljana bắt đầu năm 2002 bằng việc đặt thùng chứa dọc đường, phân chia thành từng loại rác riêng như giấy, thủy tinh, bao bì.
Bốn năm sau, chính quyền thành phố triển khai thu gom rải thác phân hủy sinh học đến tận cửa mỗi nhà. Thu gom rác sinh học riêng biệt sẽ trở thành yếu tố bắt buộc ở khắp châu Âu vào năm 2023, nhưng Ljubljana đã đi trước gần hai thập kỷ.
Năm 2013, mọi cửa ra vào trong thành phố đều được trang bị thùng rác đựng bao bì và giấy báo riêng. Và, gây tranh cãi nhất, lịch thu gom rác bị cắt một nửa, buộc người dân phải phân loại rác thải của họ hiệu quả hơn nữa.
Kết quả thu được rất ấn tượng. Năm 2008, Ljubljana mới chỉ tái chế được 29,3% rác thải và đứng sau các nước châu Âu. Ở thời điểm hiện tại, con số này là 68%. Gần 80% rác thải không còn bị chôn dưới đất nữa, đưa thủ đô Slovenia dẫn đầu bảng xếp hạng tái chế giữa những thủ đô ở châu Âu.
Hiện nay, thủ đô Ljubljana chỉ còn thải ra 115kg rác phế phẩm (sau khi tái chế và phân hủy) trên đầu người mỗi năm. Thành phố Treviso ở Italy giữ kỷ lục 59kg rác phế phẩm trên đầu người.
Sự phát triển của nhà máy hiện đại nhất khu vực để xử lý rác thải sinh học đã đóng vai trò quan trọng giúp Ljubljana đạt được cam kết tái chế tối thiểu 75% rác thải vào năm 2025.
Trung tâm khu vực quản lý rác thải (RCERO) đi vào vận hành năm 2015 và đang xử lý gần 1/4 rác trên toàn Slovenia, sử dụng khí ga tự nhiên tạo ra nhiệt và điện để tự vận hành. RCERO xử lý 95% rác phế phẩm thành vật liệu tái chế được và nhiên liệu rắn, chưa đầy 5% còn lại đem đi chôn. Nó thậm chí còn biến rác sinh học thành phân bón chất lượng cao.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng “xanh” ở đây không chỉ riêng về cách xử lý rác. Hạn chế rác thải, tái sử dụng và tái chế mới là yếu tố hàng đầu. Bên cạnh thu gom rác tận nhà, Ljubljana còn mở hai trung tâm tái chế rác thải hộ gia đình - nơi người dân có thể đem bỏ đồ thừa. Một nhà máy gần RCERO rất nổi tiếng, với trên 1.000 lượt người đến mỗi ngày. Thành phố này đang dự định xây thêm ít nhất 3 trung tâm như vậy, cùng với 10 cơ sở nhỏ hơn tại các khu vực đông dân cư.
Ông Henrik, một người dân đem rác đến trung tâm, chia sẻ: “Tôi không còn nhớ đến quãng thời gian chúng tôi chưa phân loại rác ra sao. Tôi biết chính xác từng thùng chứa loại rác cụ thể đặt ở đâu nên tôi đóng gói rác theo thứ tự đó”.
Những đồ vật không bị hư hỏng sẽ được tái sử dụng. Chúng được kiểm tra lại, lau rửa sạch sẽ rồi bán với giá rẻ. Mỗi tuần nơi đây tổ chức lại một buổi hướng dẫn người dân sửa chữa đồ đạc bị hỏng trong gia đình.
Cửa hàng không rác thải đang là một xu hướng mới tại Ljubljana và công ty Voka Snaga đang triển khai hệ thống máy bán các mặt hàng gia dụng cơ bản tự động mà không cần bao bì đóng gói. Một sáng kiến khác nữa là toàn bộ các trụ sở công quyền trong thành phố đều sử dụng giấy vệ sinh được tái chế từ vỏ hộp sữa và nước hoa quả.
Ở trung tâm thành phố, nơi không gian bị hạn chế, Voka Snaga lắp đặt 67 thùng rác ngầm dưới đất. Thùng chứa sẽ mở ra khi cư dân quẹt thẻ. Mặc dù chật kín du khách, trung tâm thủ đô Ljubljana vẫn luôn sạch sẽ. Nhân viên vệ sinh đi bộ để dọn rác, trong khi xe quét đường sử dụng nước mưa hứng từ nóc của công ty Voka Snaga cùng với chất tẩy rửa sinh học. Hầu hết mọi ngõ ngách đều có thùng phân loại rác.
Tuy vậy, Ljubljana vẫn phải đối mặt với những thách thức trong vấn đề rác thải. Không chỉ các tòa nhà chung cư, nơi rất khó xác định người nào xử lý chất thải không đúng quy trình, mà còn là thói quen thắp nến tại nghĩa trang. Slovenia đứng thứ ba thế giới về việc sử dụng nến.