Từ kiến nghị kiểm toán, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển khu công nghiệp

Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều địa phương tập trung phát triển các khu công nghiệp (KCN). Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có nhiều phát hiện nổi bật, trong đó có tình trạng vi phạm, 'mỗi nơi làm một kiểu', dù các chính sách, quy định có liên quan đã được ban hành tương đối đầy đủ; từ đó đưa ra các kiến nghị phù hợp nhằm tạo động lực để các địa phương thu hút doanh nghiệp (DN) và tuân thủ nghiêm pháp luật.

Đảm bảo hiệu quả trong thực hiện pháp luật về đầu tư phát triển KCN. Ảnh: TL

Đảm bảo hiệu quả trong thực hiện pháp luật về đầu tư phát triển KCN. Ảnh: TL

Những kết quả, phát hiện nổi bật

Xác định việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, phát triển KCN là một trong những nội dung quan trọng, bao trùm hiện nay, từ năm 2020 đến nay, KTNN đã tổ chức triển khai hàng chục cuộc kiểm toán chuyên đề hoặc lồng ghép trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương để đánh giá việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và DN hoạt động trong KCN; đánh giá tính hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư các KCN… Trong đó, điển hình như chuyên đề kiểm toán “Việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư, việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước đối với các DN đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và DN hoạt động trong KCN giai đoạn 2018-2022” tại các tỉnh, thành phố.

Qua kiểm toán, KTNN nêu rõ, việc phê duyệt quy hoạch KCN còn nhiều tồn tại, không đúng quy định như: nhiều địa phương phê duyệt quy hoạch chi tiết, giao đất và cấp giấy chứng nhận đầu tư trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cho phép thành lập mới KCN khi các KCN hiện có trên địa bàn chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy theo quy định. Thậm chí có tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật trước khi thành lập cụm công nghiệp, không đúng theo quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Đáng chú ý “có địa phương đã điều chỉnh quy hoạch từ khu lưu trú công nhân thành đất ở để bán; điều chỉnh giảm diện tích đất KCN để chuyển sang đất ở trước khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ” - đơn vị kiểm toán cho biết.

Liên quan đến các kiến nghị kiểm toán về việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư phát triển KCN nói chung, tại tỉnh Hải Dương nói riêng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ theo dõi và nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xem xét có điều chỉnh phù hợp trong công tác quản lý, cũng như ban hành quy định trong thẩm quyền của tỉnh. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo các chính sách ưu đãi được triển khai thuận lợi để thu hút DN tham gia đầu tư; mặt khác phải trên cơ sở tuân thủ đúng quy định pháp luật đã ban hành.

Giám đốc Sở Tài chính Hải Dương Nguyễn Trọng Tuệ

Bên cạnh việc thực hiện không đúng quy hoạch, thành lập mới KCN dù không đảm bảo điều kiện, KTNN cũng chỉ ra hàng loạt bất cập liên quan đến việc thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào các KCN. Đơn cử như tỉnh Ninh Thuận, tại thời điểm kiểm toán năm 2023 cho thấy, tỉnh chưa quy định mức giá cho thuê cơ sở hạ tầng tại 1 KCN khi đến thời hạn phải điều chỉnh giá; tiến độ góp vốn và thực hiện kiểm tra chưa đầy đủ các điều khoản cam kết đối với các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư. KTNN cũng chỉ ra tình trạng nhiều địa phương cho phép thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào các KCN không có trong quy định của pháp luật. Điển hình như tại Kiên Giang, Bạc Liêu, tại thời điểm kiểm toán, KTNN chỉ ra các tỉnh vẫn bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng KCN là chưa đúng với quy định tại Điều 35 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP. Theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, chỉ có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đối với nhà đầu tư thuê của Nhà nước để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN để cho thuê lại, không có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất cho nhà đầu tư thuê đất để sản xuất kinh doanh trong KCN do Nhà nước đầu tư…, tuy nhiên, địa phương vẫn thực hiện chính sách miễn, giảm tiền thuê đất không đúng đối tượng, không đúng quy định.

Những điều rút ra sau các phát hiện kiểm toán nổi bật?

Có thể thấy, những phát hiện kiểm toán liên quan đến việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư, phát triển KCN tại một số địa phương, song lại phản ánh thực trạng chung đang diễn ra trên cả nước khi yêu cầu phát triển các KCN được coi là một trong những “chỉ tiêu” để đánh giá bức tranh kinh tế của địa phương.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, việc các địa phương chú trọng phát triển công nghiệp, thu hút DN đầu tư vào các KCN là điều đúng đắn, song việc thực hiện chủ trương này phải dựa trên tuân thủ pháp luật, không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Bởi thực tiễn cho thấy đã có không ít trường hợp DN lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lách luật, làm lợi cho DN, song để lại rủi ro, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Do đó, “những vấn đề được KTNN chỉ ra đã cung cấp thông tin thực chứng về bất cập trong việc thực hiện chính sách liên quan đến đầu tư phát triển KCN hiện nay” - chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết.

Theo các chuyên gia, những tồn tại này, cùng với những mặt trái khi thu hút DN đầu tư phát triển KCN mà không có sự lựa chọn kỹ lưỡng sẽ để lại hệ quả xấu đối với phát triển kinh tế cả trong trước mắt lẫn lâu dài, từ đó các địa phương cần phải nghiêm túc thực hiện theo kiến nghị kiểm toán được chỉ ra, đồng thời thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay, đó là không thu hút đầu tư bằng mọi giá và DN phải có trách nhiệm với xã hội, với đất nước.

Còn đối với KTNN, từ việc tái hiện “bức tranh” với những góc cạnh liên quan đến việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư vào KCN hiện nay, KTNN cũng đã đưa ra kiến nghị phù hợp đối với cơ quan chức năng trong tăng cường giám sát, chấn chỉnh vi phạm tại các địa phương. Song quan trọng hơn, KTNN đã giúp nhận diện rõ những “điểm nghẽn” trong quy định pháp luật so với thực tiễn, gắn với đặc thù của từng địa bàn, khu vực quản lý. Từ đó, KTNN đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp, đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng tại các địa phương, tránh tình trạng quy định được hiểu theo nhiều cách; đồng thời nâng cao tính dự báo trong quy định pháp luật…

Năm 2025, KTNN sẽ tiếp tục triển khai các cuộc kiểm toán về việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư tại khu kinh tế, KCN giai đoạn 2022-2024 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) và các địa phương, trong đó có các địa phương mới nổi về thu hút đầu tư KCN, như: Cà Mau, Thái Bình, Gia Lai... Do đó, theo lãnh đạo Vụ Tổng hợp (KTNN), những đánh giá, kết quả kiểm toán thời gian qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cần được nghiên cứu nhằm đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng hiệu quả cuộc kiểm toán. Trên cơ sở đó, các đơn vị kiểm toán cần lựa chọn vấn đề kiểm toán, cách thức tổ chức kiểm toán phù hợp trên cơ sở bám sát đặc thù của từng địa phương, từng vùng. Đây chính là vấn đề cần được các đơn vị kiểm toán lưu tâm để từ đó mang lại những phát hiện kiểm toán nổi bật./.

NGUYỄN LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tu-kien-nghi-kiem-toan-nang-cao-hieu-qua-dau-tu-phat-trien-khu-cong-nghiep-40413.html