Tự lập – giấc mơ xa xỉ của Gen Z Hàn Quốc

Bất chấp áp lực xã hội buộc phải 'ra riêng để trưởng thành', phần lớn người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 vẫn lựa chọn sống cùng cha mẹ.

Tại Hàn Quốc, việc người trẻ sống cùng cha mẹ cho đến khi kết hôn và lập gia đình riêng vốn là điều phổ biến trong truyền thống. Ảnh: GettyImages

Tại Hàn Quốc, việc người trẻ sống cùng cha mẹ cho đến khi kết hôn và lập gia đình riêng vốn là điều phổ biến trong truyền thống. Ảnh: GettyImages

Theo một khảo sát năm 2022, có tới 81% người Hàn trong độ tuổi này vẫn sống trong nhà gia đình, tỷ lệ cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Tại Hàn Quốc, những người trẻ này - phần lớn vẫn còn phụ thuộc tài chính vào cha mẹ - thường bị gọi bằng biệt danh “bộ tộc kangaroo”, ví von họ như những chú kangaroo con sống trong túi mẹ. Thuật ngữ này từng mang ý nghĩa tiêu cực, hàm ý sự ỷ lại, thiếu trưởng thành và không thể tự lập.

Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn do The Korea Herald thực hiện với 14 người trẻ thuộc Thế hệ Z cho thấy một thực tế khác: quyết định không ra ở riêng không xuất phát từ sự lười biếng, mà là hệ quả của giá nhà quá đắt đỏ, thị trường việc làm bấp bênh, kỳ vọng xã hội và thiếu lựa chọn sống chung phù hợp.

"Tôi không đủ tiền thuê nhà"

“Mỗi lần muốn dọn ra riêng, tôi lại tra giá thuê nhà và tự nhắc mình là không thể xoay nổi,” Lee, 26 tuổi, nghiên cứu sinh ngành tâm lý học kiêm trợ giảng, chia sẻ.

Sống ở vùng ven Seoul, Lee phải mất gần ba tiếng mỗi ngày để đi học. Hành trình mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần càng trở nên áp lực hơn khi cô còn phải sống chung với cha mẹ.

Dù vậy, việc chuyển đến gần trường không khả thi. Một căn hộ một phòng đơn giản tại Seoul có thể ngốn ít nhất 700.000 won/tháng (khoảng 488 USD), chưa kể phí bảo trì. Mức giá này vượt xa mức thu nhập từ công việc trợ giảng của cô.

Yoon Do-won, 28 tuổi, làm trong lĩnh vực bất động sản, cũng đang sống cùng cha mẹ vì lý do tài chính. “Còn hơn phải chi 700.000 won cho một căn hộ tồi tàn dưới tầng hầm,” anh nói. Yoon dự định tiếp tục ở lại nhà vài năm nữa cho đến khi đủ điều kiện mua nơi ở riêng, an toàn và tiện nghi hơn.

Ngay cả với nghề được xem là ổn định và thu nhập cao như dược sĩ, sống riêng vẫn là điều xa vời. Sung In-ho, 28 tuổi, và bạn gái - cả hai đều đang làm việc - vẫn phải tiết kiệm để mua nhà. “Nếu bây giờ ra thuê nhà, thì mãi mãi chẳng thể mua nổi tổ ấm đầu tiên,” anh nói.

Thị trường bất động sản tại Seoul, nơi tập trung phần lớn cơ hội việc làm, đã đạt mức cao kỷ lục. Theo báo cáo KB Real Estate công bố tháng 4.2024, giá trung bình một căn hộ ở thủ đô Hàn Quốc đã vượt ngưỡng 1,3 tỷ won.

Nhiều người trẻ chọn sống cùng cha mẹ vì an toàn và ổn định

Park, 25 tuổi, cử nhân ngành thiết kế, hiện đang sống cùng cha mẹ trong lúc tìm việc. “Thật dễ chịu khi về đến nhà và được gia đình chào đón,” cô nói. Những bữa cơm chung, cảm giác thân thuộc mỗi ngày mang lại cho cô sự an yên và ổn định tinh thần.

Han, 23 tuổi, cũng không có ý định sống một mình. “Nếu có chuyển ra, tôi cũng sẽ ở với chị gái,” cô chia sẻ, cho rằng có người thân bên cạnh giúp cải thiện sức khỏe tinh thần rõ rệt.

“Bạn bè tôi đều đồng ý rằng sống với cha mẹ càng lâu càng tốt, cho đến khi bị "đuổi" ra,” Paik, 26 tuổi, đang theo đuổi lĩnh vực thiết kế trải nghiệm người dùng, nói vui.

Trước đây cô từng sống gần trường, nhưng sau đó chuyển về nhà. Dù quãng đường đi học mất hơn 70 phút, cô không hối tiếc. “Tôi cân nhắc giữa chi phí, hỗ trợ tinh thần và việc không phải làm mọi thứ một mình, sau đó quyết định ở nhà là hợp lý hơn.”

Nhiều người cho rằng cảm giác an toàn khi sống cùng gia đình quan trọng hơn sự tự do khi sống độc lập, đặc biệt là phụ nữ.

“Tình trạng tội phạm nhắm vào phụ nữ sống một mình như rình rập, tấn công tình dục, thậm chí là giết người đang gia tăng,” Shin, 28 tuổi, làm trong ngành dịch vụ, cho biết.

Dù hiện đã chuyển ra ngoài, cô vẫn nhớ cảm giác an toàn khi ở cùng người thân: “Chỉ cần biết có người ở nhà chờ mình là đã yên tâm hơn nhiều.”

Lee Yu-na, 21 tuổi, đồng tình: “Bạn bè tôi nói rằng an toàn và sức khỏe tinh thần là hai lý do chính khiến nhiều phụ nữ không muốn ra ở riêng.”

Nỗi lo ấy cũng được các bậc phụ huynh chia sẻ. Một người mẹ ngoài 50 tuổi, có con gái ở độ tuổi 20, cho biết bà đã kiểm tra kỹ hệ thống an ninh, vị trí tòa nhà, camera và bảo vệ trước khi giúp con tìm nhà.

Trước hàng loạt vụ việc nhắm vào phụ nữ sống một mình, bà cho rằng việc hỗ trợ tài chính để con ở nơi an toàn là hoàn toàn cần thiết. Nếu không bắt buộc phải đi học hoặc đi làm xa, nhiều cha mẹ vẫn muốn con gái ở nhà lâu hơn để cảm thấy yên tâm.

Chờ đến khi có nền tảng vững chắc

Tại Hàn Quốc, sinh viên thường được gia đình chu cấp. Nhưng khi khoảng cách giữa giáo dục và việc làm ngày càng khó vượt qua, thời gian sống phụ thuộc cũng kéo dài theo.

Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, tính đến năm 2024, có 238.000 người trẻ từ 15–29 tuổi thất nghiệp hơn ba năm - chiếm gần 1/5 tổng số người thất nghiệp trong nhóm tuổi này.

“Bây giờ kiếm việc toàn thời gian khó như mò kim đáy bể,” Jung Ye-won, 24 tuổi, sinh viên năm cuối, chia sẻ. “Muốn có việc, bạn phải có ít nhất một đến hai kỳ thực tập.”

Trong khoa của cô, mới chỉ có một sinh viên tìm được việc. Đa số vẫn đang “treo” bằng. Jung ước tính độ tuổi trung bình để bắt đầu đi làm lần đầu là khoảng 27, thậm chí nhiều người gần 30 tuổi vẫn chưa ổn định.

Min, 23 tuổi, thực tập sinh nhân sự, nói: “Bạn bè tôi ai cũng đang ôn thi: hoặc trường luật, hoặc chứng chỉ kế toán, hoặc kỳ thi công chức.”

Bản thân cô từng dành nhiều năm ôn thi luật. “Tôi từng gặp người ôn suốt bảy năm. Rất nhiều người ở độ tuổi gần 30 vẫn còn học ở trường.”

Nhờ có sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ, một bộ phận Thế hệ Z chọn cách trì hoãn cuộc sống độc lập để theo đuổi mục tiêu dài hạn và vững chắc hơn.

Young, 23 tuổi, tư vấn viên tại một công ty danh tiếng, cho biết cô từng thất vọng vì không trúng tuyển vào công ty mơ ước. “Mỗi lần mở mạng xã hội là thấy những câu chuyện thành công khiến tôi bị áp lực,” cô nói.

Dù đã có việc tốt, Young vẫn đang chuẩn bị hồ sơ học cao học để mở rộng cơ hội. Điều đó đồng nghĩa với việc cô sẽ tiếp tục sống cùng cha mẹ một thời gian nữa.

Còn Yoon, 26 tuổi, tốt nghiệp ngành khoa học chính trị, nhận ra triển vọng việc làm ngành mình khá u ám nên đã chuyển hướng sang trường luật. Hiện cô theo học một học viện luyện thi có học phí hơn 1.000 USD/tháng.

Dù chi phí cao, học viện vẫn đông đúc với nhiều sinh viên, nhiều người đã bỏ công việc hoặc chương trình học khác để theo đuổi ngành luật. Theo Hiệp hội các trường luật Hàn Quốc, số đơn đăng ký vào các trường luật năm nay là cao thứ hai trong lịch sử.

Một số người còn đặt mục tiêu cao hơn. Kim, 23 tuổi, sau khi chuyển sang học ngành sư phạm, hiện đang cân nhắc thi vào trường nha khoa, nghĩa là phải học thêm sáu năm nữa nếu đỗ. “Tôi nghĩ làm giáo viên cũng ổn, nhưng nếu trở thành nha sĩ thì sẽ lý tưởng hơn”, cô chia sẻ.

NGHIÊM THANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/gia-dinh/tu-lap-giac-mo-xa-xi-cua-gen-z-han-quoc-132854.html