Từ năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam luôn ở mức trên 110
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059. Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh, chính trị.
Theo bà Hoàng Thị Thơm - Phó cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra khi số trẻ nam sinh ra còn sống lớn hơn 106 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ em gái.
Từ năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam luôn ở mức trên 110. Đặc biệt một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng tỷ lệ này lên đến 120 như Hưng Yên (119,5), Hải Dương (118,3), Quảng Ninh (124,4).
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tính trạng “thừa nam thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học và cụ thể là tăng áp lực kết hôn sớm đối với phụ nữ, tăng nhu cầu dịch vụ tình dục, gia tăng buôn bán phụ nữ kéo theo bạo lực tình dục đối với phụ nữ, làm ảnh nặng nề đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, và sức khỏe tâm thần của phụ nữ.
Tổng cục Thống kê cũng dự báo, nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao như hiện nay thì Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.
Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Việt Nam cũng đã tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được cụ thể hóa trong văn bản pháp luật. Những quy định, thể chế này nhằm thay đổi các chuẩn mực xã hội để giải quyết bạo lực giới, giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thúc đẩy quyền của phụ nữ, góp phần giải quyết và làm giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái.
Trong giai đoạn 2022 - 2026, Cục Dân số phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc thông qua dự án “Phòng, chống và ứng phó với bạo lực giới và các thực hành có hại khác” triển khai hoạt động thí điểm cơ chế phối hợp liên ngành về phòng ngừa và ứng phó với lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, nhằm tiến tới hoàn thiện cơ chế phối hợp và triển khai đồng bộ tại các tỉnh, thành phố trong những năm tới.
Dự kiến đến năm 2038 sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Theo Cục dân số, già hóa dân số nhanh sẽ đặt ra những cơ hội và thách thức về kinh tế - xã hội. Đó là thách thức về cơ cấu lực lượng lao động và các biến đổi kinh tế - xã hội, nguồn cung lao động và sử dụng lao động người cao tuổi; thách thức xây dựng hệ thống an sinh xã hội, bởi hiện nay các chính sách an sinh xã hội mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận người cao tuổi quỹ bảo hiểm xã hội lớn; thách thức hệ thống chăm sóc sức khỏe và nguồn lực chi cho y tế lớn, do chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.
Do đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chỉ được giải quyết triệt để khi Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp lâu dài và bền bỉ với sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị.