Từ năm 2025, nông sản xuất sang EU phải đảm bảo quy định không gây mất rừng
Dù Việt Nam là quốc gia không có nguy cơ quá cao về mất rừng, nhưng vẫn cần tăng cường xây dựng chuỗi cung ứng bền vững để nông sản Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường châu Âu.
Đây là nội dung được chia sẻ tại sự kiện “Sản xuất và thương mại nông sản không gây mất rừng”, tổ chức bên lề Hội nghị toàn cầu Hệ thống lương thực thực phẩm lần thứ 4.
Trong bối cảnh thế giới đối mặt với nguy cơ mất rừng, thu hẹp rừng để mở rộng diện tích đất nông nghiệp, các quốc gia châu Âu đã thông qua dự luật nhằm cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng. Theo đó, các công ty xuất, nhập khẩu sẽ phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu bán trên thị trường châu Âu để xem những sản phẩm này có sản xuất tại các khu vực bị mất rừng hay không.
Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất các chính sách về Khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội Phái đoàn Liên minh châu Âu (EC) tại Việt Nam, tiết lộ dự luật sẽ phải thi hành sau 18 tháng công bố, tức là vào khoảng tháng 12/2024 hoặc chậm nhất tháng 1/2025 sẽ có hiệu lực. Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được trì hoãn thêm 6 tháng sau thời hạn này.
Ông cho rằng, ngành gỗ và cà phê sẽ bị tác động lớn bởi quy định của EU. Do đó, các quốc gia cần có hệ thống theo dõi để đảm bảo sản phẩm nông sản được sản xuất không có dính dáng gì đến mất rừng trong chuỗi cung ứng.
"EU sẽ ban hành một số hướng dẫn, nhưng các quốc gia cũng phải chuẩn bị để kiểm soát trong chuỗi cung ứng của mình. Việt Nam là quốc gia không có nguy cơ quá cao về mất rừng nhờ các chính sách bảo vệ rừng. Nhưng Việt Nam cần tăng cường hơn nữa trong chuỗi cung ứng để sản phẩm nông sản Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường EU", ông Rui Ludovino lưu ý.
Cũng theo ông Rui Ludovino, Việt Nam đang thực hiện Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU nhằm tạo khung pháp lý cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU (Hiệp định VPA/FLEGT); trong đó, có quy định về pháp lý, về phát triển bền vững ngành gỗ.
Hiệp định VPA/FLEGT là điểm mạnh của Việt Nam, cho phép Việt Nam có quy trình quản trị về rừng. Đây là cơ sở quan trọng của ngành gỗ Việt Nam mà các ngành khác có thể noi theo như: cao su, cà phê…
Chia sẻ tại sự kiện, ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho rằng, các nông hộ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu quy định về không gây mất rừng của châu Âu được áp dụng, do quá trình thẩm định nghiêm ngặt và tốn kém. Vì vậy, ông đề xuất cần kết hợp các biện pháp để hỗ trợ và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương này.
Ông cũng nhấn mạnh: “Hơn bao giờ hết, các bên liên quan như người tiêu dùng, công ty thương mại và các tổ chức tài chính có vai trò nổi bật hơn trong việc định hình thị trường cũng như tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, từ đó sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng và sản xuất bền vững”.
Ngoài ra, đại diện UNDP khuyến nghị thay vì đưa ra chính sách hay quy định hoàn toàn mới để đáp ứng yêu cầu của EU nói riêng cũng như các yêu cầu quốc tế nói chung, mỗi quốc gia cần xem lại các hệ thống và khuôn khổ chính sách hiện có có thể kết nối được với các quy định này như thế nào, và làm thế nào để cải thiện các hệ thống này, hướng tới những thay đổi trực tiếp nhằm chuyển đổi sáng tạo, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và nạn phá rừng.
Trên thế giới, năm 2021, 141 quốc gia chiếm 90% diện tích rừng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đã cùng ký kết Tuyên bố Glasgow về sử dụng đất và rừng, cam kết “ngăn chặn và đảo ngược” tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030 đồng thời “mang lại sự phát triển bền vững và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông thôn bao trùm”.
Do đó, ông Trần Quang Bảo, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định rằng, sản xuất và thương mại hàng hóa nông sản của Việt Nam cũng cần phải được định hướng để phát triển bền vững theo chuỗi giá trị, không mở rộng diện tích nhưng cần tăng chất lượng và giá trị sản phẩm cũng như tăng cường sinh kế cho cộng đồng.