Từ nay đến cuối năm sẽ thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm
Ngay từ đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm và mới đây đã công bố kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra, thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 4/7.
Tập trung thanh tra, kiểm tra loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư
Tại cuộc họp báo, phóng viên nêu câu hỏi về kế hoạch triển khai thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV vừa qua.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ triển khai nghiêm túc và hiệu quả yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội, theo đó sẽ có kế hoạch triển khai nội dung thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời tại cuộc họp báo
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng nêu rõ việc triển khai thanh tra, giám sát thị trường không chỉ khi có Nghị quyết của Quốc hội mới thực hiện, mà đây là chức năng và nhiệm vụ thường xuyên của Bộ Tài chính. Trong thời gian vừa qua, khi thị trường bảo hiểm có vấn đề phát sinh, qua công tác giám sát và thông tin phản ánh từ thị trường, Bộ Tài chính đã kịp thời triển khai công tác thanh tra, kiểm tra.
Mới đây, ngày 30/6, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Trong kết quả thanh tra, có rất nhiều thông tin chi tiết về hoạt động bảo hiểm đã được Bộ Tài chính công bố công khai. Theo quy trình thanh tra, sau một thời gian ngắn tới đây, vi phạm của những công ty này sẽ được xử lý nghiêm và công bố công khai.
Từ nay tới hết năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Đồng thời, tiến hành xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024.
“Chúng tôi tập trung vào sự liên kết trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp này với các tổ chức tín dụng, hướng các nội dung thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp vừa qua” - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính đã thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong hai lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm, để đảm bảo thị trường bảo hiểm hoạt động đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Nhiều vi phạm trong việc bán bảo hiểm qua ngân hàng
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã tiến hành thanh tra hoạt động này tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm là: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt, minh bạch, “sai đến đâu xử nghiêm tới đó” của Bộ trưởng Bộ Tài chính, các đoàn thanh tra đã triển khai công tác thanh tra nghiêm túc, khách quan và trung thực.
Kết quả công tác thanh tra cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Điển hình là một số hành vi vi phạm như: không tư vấn trực tiếp cho khách hàng, hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Đây là những hành vi sai phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.
Căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các biện pháp như sau:
- Tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Khẩn trương xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm; chủ động phát hiện, xử lý các thiếu sót, vi phạm trong quá trình triển khai nghiệp vụ bảo hiểm tại doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng.
- Bảo đảm cao nhất việc quản lý đại lý được thực hiện chặt chẽ; ngăn ngừa, phát hiện sớm các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm, cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm.
- Có biện pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, quản lý và giám sát chất lượng đại lý bảo hiểm. Theo đó các đại lý phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoạt động, thực hiện đúng nội dung, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
- Rà soát các khoản chi phí hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo các khoản chi phí phải phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, có đầy đủ chứng từ, bằng chứng chứng minh, phù hợp với quy định pháp luật.
- Tăng cường giám sát việc quản trị rủi ro, đảm bảo các tiêu chí an toàn tài chính, an toàn vốn của doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.