Từ nay đến tháng 8, khả năng xuất hiện 3 - 5 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
Dự báo, từ nay đến tháng 8, khả năng xuất hiện khoảng 3 - 5 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; trong đó, có khoảng 1 cơn bão đổ bộ vào đất liền. Ngoài ra, trên cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến hết tháng 6, El Nino chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 80 - 85%.
Dự báo, nhiệt độ trung bình trên cả nước từ tháng 6 đến tháng 8 phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Từ nay đến tháng 8, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 3 - 5 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 1 cơn đổ bộ vào đất liền (số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông từ 5 - 6 cơn, trung bình nhiều năm đổ bộ vào Việt Nam khoảng 2 cơn).
Đặc biệt, trong thời kỳ dự báo, trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ nắng nóng có xu hướng gia tăng trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 7. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đặc biệt, tình trạng khô hạn ở khu vực Trung bộ có khả năng xuất hiện và kéo dài trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 8.
Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, mùa mưa tại khu vực Bắc bộ xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm; tại khu vực Trung bộ mùa mưa có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm (vào khoảng cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9). Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam bộ xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm (cuối tháng 5); từ tháng 6 đến tháng 8, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.
Trong thời kỳ dự báo, tổng lượng mưa ở khu vực Bắc bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Ở khu vực Trung bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; riêng khu vực Trung và Nam Trung bộ tổng lượng mưa cao hơn từ 10 - 30% so với trung bình nhiều năm.
Ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ, tháng 6, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Tháng 7 và tháng 8, tổng lượng mưa tại các khu vực phổ biến ở mức cao hơn từ 5 - 20% so với trung bình nhiều năm; riêng tháng 8 tổng lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khí tượng cũng đưa ra nhận định, mùa lũ năm 2024 ít có khả năng đến sớm trên các sông, suối khu vực Bắc bộ.
Từ tháng 6 đến tháng 8, trên các sông Bắc bộ xuất hiện các đợt lũ, mực nước đỉnh lũ trên các sông chính ở khu vực Bắc bộ ở mức báo động 1 - báo động 2, các sông suối nhỏ ở mức báo động 2 - báo động 3. Các đợt lũ phổ biến xuất hiện vào thời kỳ tháng 8.
Tại khu vực Trung bộ và Tây Nguyên, từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 8, trên các sông từ Thanh Hóa, đến Hà Tĩnh, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện 3 - 5 đợt lũ và dao động; các sông khác ở Trung bộ, mực nước biến đổi chậm.
Ở khu vực Nam bộ, từ tháng 6 đến tháng 8, trên sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt lũ.