Từ nay, Hội thi giáo viên dạy giỏi, tiết dạy thi có còn diễn nữa không?
Nếu bạn tự tin mình là giáo viên dạy giỏi thì chẳng lý do gì phải sợ khi bốc thăm bài dạy và dạy ngay trong ngày cả.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên giỏi (quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông).
Ngoài việc bỏ quy định viết Sáng kiến kinh nghiệm, làm bài thi năng lực thì điều thay đổi đáng chú ý nhất chính là giáo viên dự thi chỉ phải dạy 1 tiết (trước đó là 2 tiết).
Thông tư quy định: “Thực hành dạy học một tiết dạy theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi.
Tiết thực hành tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp.
Không được dạy thử tiết học tham gia hội thi ở bất cứ đâu trong năm học tổ chức Hội thi.
Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy trong thời gian không quá 02 ngày trước thời điểm thi dạy”.
Giáo viên sẽ phải dạy tiết học nào? Dạy khối lớp nào?
Thông tư chỉ quy định người dự thi phải “Thực hành dạy học một tiết dạy theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi”...
Mà không nêu rõ, tiết phải dạy là tiết giáo viên tự chọn (chọn khối lớp, chọn môn vì giáo viên tiểu học có đến gần chục môn phải dạy) hay là tiết dạy phải bốc thăm? (bốc thăm khối lớp, bốc thăm môn)
Điều này là vô cùng quan trọng, vì tiết dạy tự chọn thì đa phần giáo viên chọn môn dạy, khối dạy là thế mạnh của mình kết quả sẽ tốt hơn.
Còn tiết dạy do bốc thăm (tiết dạy bắt buộc) giáo viên sẽ phải bốc thăm môn dạy, bài dạy và khối dạy sẽ mang nặng yếu tố hên xui, may rủi.
Mệt mỏi với những tiết dạy thử
Ở những Hội thi giáo viên dạy giỏi trước đây, không ngoa khi phải nói rằng chiếm đến trên 80% những tiết dạy thi đều đã được dạy thử, đặc biệt tại nhiều trường mẫu giáo, tiểu học.
Điều đáng nói, các tiết dạy không chỉ dạy thử một lần, không chỉ một mình giáo viên đi thi dạy thử mà huy động cả một đội quân hùng hậu nhất của trường hỗ trợ.
Phải kể đến hiệu trưởng, hiệu phó, các tổ trưởng chuyên môn, các giáo viên dạy giỏi, các thầy cô có tay nghề vững trong trường đều được huy động triệt để.
Mọi người dự giờ, góp ý để xây dựng giáo án chuẩn. Giáo viên đi thi sẽ dạy đi dạy lại đến lúc nhận được sự đồng ý của đại đa số người dự mới xong.
Vì sao giáo viên trường bạn luôn giúp đỡ gà bài, mớm bài cho giáo viên dự thi?
Từ trước đến nay, giáo viên đi thi đều phải dạy tại trường bạn. Trước ngày dạy một ngày, thầy cô sẽ được Ban giám khảo cho gặp lớp để nắm tình hình (có sự giám sát của giám khảo viên).
Vậy mà vẫn xảy ra tình trạng mớm bài, gà bài trước ở lớp dự thi. Có những giám khảo kể rằng, có không ít câu hỏi giáo viên chưa đặt ra học sinh đã giơ tay đòi trả lời.
Có em trả lời đúng đến từng dấu phẩy (câu trả lời y chang sách hướng dẫn dùng cho giáo viên).
Có em trả lời sai khi cô lưu ý còn nói lớn: “Hôm qua, cô con dặn thế mà”…
Không phải học sinh của mình, không phải thi ở trường mình nhưng sao chuyện gà bài, mớm bài vẫn diễn ra? Sao giáo viên trường bạn lại nhiệt tình giúp đỡ đến thế?
Thường thì trước ngày thi vài hôm, giáo viên dự thi đã gọi điện cho giáo viên trường bạn để nhờ vả.
Bản thân giáo viên có lớp được dạy hội thi cũng không muốn bị giáo viên trường bạn cùng Ban giám khảo đánh giá lớp học yếu, thiếu sôi nổi và không biết hợp tác…
Vì thế, họ sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp một cách khá tận tình mà chẳng cần nhận báo đáp.
Nay, tiết dạy thi được báo trước 2 ngày liệu có còn cảnh dạy thử như trước không?
Từ thực tế cho thấy, ở Hội thi cũ tiết dạy thi cũng chỉ được biết trước từ 1-2 ngày nhưng chuyện gà bài, mớm bài vẫn xảy ra.
Nay, tiết dạy thi được báo trước 02 ngày chắc chắn chuyện gà bài, mớm bài và dạy thử cũng chẳng thể nào chấm dứt.
Bởi, hiện nay nhiều người trong ngành giáo dục vẫn còn những suy nghĩ trường nhiều giáo viên thi đỗ trong các Hội thi giáo viên giỏi thì chuyên môn chỉ đạo của trường ấy cũng giỏi (thành tích này có lợi cho Ban giám hiệu).
Trường có nhiều giáo viên dạy giỏi là trường ngon, trường có tiếng (thành tích này cũng có lợi cho Ban giám hiệu)
Lớp học được tham gia tiết dạy thi mà học tốt thì giáo viên chủ nhiệm (bậc tiểu học) và giáo dạy chính bộ môn ấy (bậc trung học) cũng sẽ được đánh giá là dạy tốt.
Vì những lẽ đó, dù có các công văn cấm dạy thử, cấm gà bài nhưng nhiều trường học vẫn phớt lờ.
Thay vì trước đây họ dạy thử một cách rầm rộ thì khi có lệnh cấm sẽ được tổ chức âm thầm và kín đáo hơn.
Một số điều vẫn còn bất cập
Nếu chỉ quy định dạy thi một tiết để công nhận giáo viên ấy dạy giỏi hay không thì quá là ít và thật sự không khách quan cho lắm.
Cần quy định rõ hơn, nếu dạy một tiết đạt loại giỏi thì thôi. Giáo viên nào dạy một tiết đạt khá sẽ phải dạy tiết thứ hai.
Trong nhiều năm giảng dạy chúng tôi hiểu, với tiết này bạn dạy rất thành công nhưng với tiết dạy khác bạn lại thất bại.
Không phải do năng lực chuyên môn của bạn hạn chế hay do kỹ năng sư phạm của bạn còn yếu. Không ít tiết dạy chưa đạt là do yếu tố khách quan đem lại.
Ví như bốc phải lớp học quá yếu, học sinh quá quậy và học lại khá trầm…Những yếu tố ấy, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng tiết dạy dự thi của giáo viên.
Hay như bài dạy này quá khó, kiến thức lại quá nhiều nên ảnh hưởng đến thời gian đã quy định (dù bạn dạy hay, dạy chất lượng nhưng vượt thời gian quy định chỉ dăm phút cũng bị đánh rớt như thường).
2 ngày để chuẩn bị cho một tiết dạy cũng đã nhiều vì chỉ cần biết thời gian Hội thi được tổ chức là giáo viên gần như biết được mình sẽ dạy bài nào nên đã tự soạn trước đó.
Tiết dạy thi nên bố trí bốc thăm và dạy trong ngày sẽ tránh được chuyện gà, mớm câu trả lời và sẽ tránh được việc dạy thử như trước đây.
Nếu bạn tự tin mình là giáo viên dạy giỏi thì chẳng lý do gì phải sợ khi bốc thăm bài dạy và dạy ngay trong ngày cả.