Từ ngày 1/7: Các chế độ sẽ tăng theo lương cơ sở mới
Lương cơ sở ngoài dùng làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) còn được dùng để tính nhiều chế độ khác như tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Lương cơ sở tăng 30% từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng mỗi tháng thì nhiều khoản đóng cũng như một số chế độ hiện hưởng cũng tăng theo.
Lương cơ sở tăng 30% thì nhiều khoản đóng cũng như chế độ hiện hưởng BHXH cũng tăng theo. Ảnh tư liệu.
Cụ thể, các khoản đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp bằng 10,5% tiền lương tính đóng BHXH hàng tháng trên nền lương cơ sở 2,34 triệu đồng (8% vào Quỹ Hưu trí tử tuất, 1,5% vào Quỹ Bảo hiểm y tế, 1% Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp). Luật hiện hành quy định mức đóng cao nhất bằng 20 lần tháng lương cơ sở, tiền đóng tối đa từ 1/7 sẽ là 46,8 triệu đồng.
Lương hưu thấp nhất: với người đóng đủ 20 năm BHXH bằng lương cơ sở, sắp tới sẽ lên 2,34 triệu đồng thay vì 1,8 triệu đồng như hiện hành. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang đề xuất chỉ áp dụng chính sách này với người tham gia trước ngày 1/7/2025.
Tiền đóng BHYT: bằng 4,5% mức lương cơ sở, lương hưu hoặc trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện hành. Với mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng từ 1/7, tiền đóng của người lao động và người thứ nhất trong hộ gia đình là 105.300 đồng/tháng thay vì 81.000 đồng/tháng như hiện tại.
Trong hộ gia đình, từ người thứ 2 đến người thứ 5 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50%, 40% mức phí của người thứ nhất, tương ứng 73.710 đồng, 63.180 đồng, 52.650 đồng và 42.120 đồng/tháng.
Tiền đóng BHYT theo năm với các thành viên hộ gia đình từ người thứ nhất trở đi lần lượt là 1.263.600 đồng, 884.520 đồng, 758.160 đồng, 631.800 đồng và 505.440 đồng.
Trợ cấp thất nghiệp tối đa: sẽ tăng lên 11,7 triệu đồng. Bởi luật hiện hành quy định trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước nghỉ việc, tối đa không qua 5 lần lương cơ sở với công chức, viên chức, lao động khu vực nhà nước.
Một số quyền lợi gắn liền BHXH cũng tăng khi nâng lương cơ sở: Trợ cấp thai sản một lần tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng. Luật hiện hành quy định lao động nữ sinh con, lao động nữ nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi nhận trợ cấp 1 lần bằng 2 tháng lương cơ sở tại tháng sinh con hoặc nhận con nuôi. Nếu mẹ sinh con nhưng không đóng BHXH hoặc không đủ điều kiện hưởng mà người cha đủ điều kiện thì cha được nhận trợ cấp một lần.
Trợ cấp mai táng tính bằng 10 lần mức lương cơ sở, tăng tương ứng từ 18 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng. Trợ cấp tuất hàng tháng với thân nhân mỗi lao động qua đời bằng 50% mức lương cơ sở, tức nâng lên 1,17 triệu đồng thay vì 900 nghìn đồng như hiện tại. Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng mức trợ cấp bằng 70% lương cơ sở, tức 1,638 triệu đồng.
Từ ngày 1/7, lương hưu, trợ cấp BHXH cũng tăng thêm 15% trên mức hiện hưởng; trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng. Mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng từ 360 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng/tháng, tức 38,9%.
Cả nước hiện có 18,3 triệu người tham gia BHXH, tỷ lệ bao phủ 39% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hết năm 2023, gần 93,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ trên 93% dân số. Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 bao phủ BHYT trên 95% dân số./.