Từ nghèo khó vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hợp Nhất, xã Tràng Xá (Võ Nhai), anh Chu Thanh Hải cũng như nhiều bạn cùng trang lứa từng có thời chật vật mưu sinh mà vẫn không đủ ngày 3 bữa cơm no. Lập gia đình riêng, anh Hải càng nung nấu quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Cùng anh Hải tham quan vườn cây trái sum suê của gia đình, là một phần trong tổng diện tích hơn 3ha, chúng tôi không khỏi thán phục trước cách bố trí khoa học của mô hình V.A.C. Xa xa là rừng keo, bạch đàn xanh bát ngát; vườn cây ăn quả có bưởi, thanh long thẳng hàng ngay lối, tiện lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch, có hệ thống tưới nước tự động.
Với một mẫu ao, anh thả đủ các loại cá trắm, trôi, chép… cho thu khoảng hơn 2 tấn cá/năm. Khu vực bằng phẳng, thoáng mát, anh xây dựng hệ thống trang trại lợn khép kín, nuôi theo quy trình nghiêm ngặt từ cung cấp thức ăn, nước uống, dọn vệ sinh, đến khâu tắm mát vào mùa Hè, đảm bảo ấm áp vào mùa Đông… cho đàn lợn để phòng, tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Ngoài ra, vợ chồng anh còn chăn thả thêm khoảng 300 con gà. Anh bảo: Chăn nuôi gà chủ yếu phục vụ cho gia đình. Nguồn thu chính là từ xuất bán 200 con lợn thịt/năm; hơn 2 tấn cá và cây ăn quả. Còn diện tích rừng coi như “của để dành” vì phải mất 6-7 năm rừng mới cho khai thác.
Nhìn cơ ngơi khang trang, nhà được làm bằng gỗ rộng rãi, thoáng mát, trong nhà có nhiều vật dụng sinh hoạt hiện đại, tiện ích. Tôi hỏi: Để có được thành công như hôm nay hẳn không phải dễ dàng anh nhỉ?
Anh Hải bảo: Người nông dân như chúng tôi xuất phát điểm rất thấp, nên con đường đến thành công càng nhiều thử thách. Trước kia, tôi từng đầu tư vào trồng mía, ngô, chè… nhưng công sức bỏ ra nhiều mà hiệu quả kinh tế không cao. Tôi chịu khó tìm hiểu các mô hình kinh tế thông qua mạng xã hội, ti vi… nghiên cứu kỹ thị trường rồi mới quyết định chuyển hướng sang đầu tư vào mô hình V.A.C. Những năm đầu mới gây dựng, tôi cũng gặp nhiều khó khăn về vốn, giá cả thị trường lại bấp bênh, lúc lên lúc xuống khiến tư tưởng có lúc dao động, nhưng rồi tôi lại nghĩ nếu không kiên trì có thể sẽ thất bại, lại trắng tay, nên vừa làm vừa cố gắng. Bởi đất đai của gia đình rộng, sức lao động của hai vợ chồng vẫn còn trẻ khỏe, mình cứ chịu khó lấy ngắn nuôi dài, chờ thời cơ thì nhất định sẽ bứt phá và tôi may mắn đã thành công.
Giá lợn có lúc thấp, lúc cao, nhưng nhờ áp dụng đúng quy trình chăn nuôi nên đàn lợn của gia đình anh Hải chưa bao giờ bị dịch bệnh; cây cối trong vườn được chăm sóc, vun xới, cắt tỉa cẩn thận nên mùa nào thức ấy, không bị sâu bệnh hại. Đến mùa quả chín, tư thương đến tận vườn thu mua.
Anh Hải cho rằng: Trong chăn nuôi hay trồng trọt thì khâu phòng, chống dịch bệnh là quan trọng nhất, bởi chỉ cần một con mắc bệnh là lây lan nhanh chóng. Bệnh nhẹ thì chữa được chứ bệnh nặng thì phải tiêu hủy cả đàn, như vậy vốn liếng tiêu tan, khó mà khôi phục. Nên không phải ai cũng được vào tham quan đàn lợn, người vào chăn nuôi phải mặc bảo hộ, khử khuẩn cẩn thận. Nguồn thức ăn cũng phải được kiểm soát chất lượng đầu vào chặt chẽ; công tác thú y được chú trọng.
Không chỉ tích cực phát triển kinh tế gia đình, anh Hải còn nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, gương mẫu trong các hoạt động, phong trào của địa phương nên năm 2005, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Anh tự hào tâm sự: Trở thành đảng viên không chỉ là vinh dự của bản thân mà còn của cả gia đình. Đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi có môi trường tốt để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu và cống hiến. Để phát huy vai trò của đảng viên, tôi luôn tự răn mình phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, trong từng hành động, gương mẫu đi đầu trong mọi việc, xây dựng gia đình văn hóa, phát triển kinh tế ngày càng khấm khá, khi có điều kiện sẵn sàng giúp đỡ các quần chúng khác cùng tiến bộ và có chí hướng phấn đấu vào Đảng. Ai có nhu cầu cần giúp đỡ về kinh nghiệm làm ăn, học hỏi mô hình, tôi đều nhiệt tình chia sẻ. Bản thân cũng không ngừng học hỏi thông qua tập huấn của các cấp, ngành chức năng, học hỏi qua sách, báo, mạng xã hội... để bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng sống...