Từ Nghị định số 168 đến văn hóa giao thông
Cả nước vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày. Điều đáng mừng là so với các kỳ nghỉ Tết trước, năm nay, tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết, người bị thương.
Số trường hợp vi phạm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn và tốc độ được kéo giảm đáng kể. Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, trong 9 ngày nghỉ, toàn quốc xảy ra 445 vụ TNGT, làm chết 209 người, bị thương 373 người. So với kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 giảm 258 vụ, giảm 126 người chết, giảm 232 người bị thương.
Về xử lý vi phạm về nồng độ cồn, Công an phát hiện, xử lý 17.149 trường hợp, so với cùng thời gian Tết Giáp Thìn 2024 giảm 20.365 trường hợp. Lực lượng Công an cũng phát hiện, xử lý 13.296 trường hợp vi phạm tốc độ, so với cùng thời gian Tết Giáp Thìn 2024 giảm 10.905 trường hợp.
Tình hình an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Ất Tỵ tại Gia Lai được đảm bảo, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Theo thống kê của Công an tỉnh, trong dịp nghỉ Tết, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ TNGT, làm chết 7 người, bị thương 13 người. So với cùng kỳ năm 2024, số vụ TNGT được kéo giảm sâu cả 3 chỉ số (giảm 125% số vụ, giảm 57% số người chết và giảm 15% số người bị thương).
Từ ngày 25 đến 30-1-2025, lực lượng Công an đã lập biên bản 619 trường hợp, tạm giữ 201 mô tô, 185 giấy tờ xe các loại; xử phạt 581 trường hợp với số tiền 695 triệu đồng; đồng thời, tước có thời hạn 62 giấy phép lái xe (riêng vi phạm nồng độ cồn là 64 trường hợp với số tiền xử phạt 322 triệu đồng).
![Các phương tiện nghiêm túc chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông tại nút giao Lê Duẩn-Lý Nam Đế (TP. Pleiku). Ảnh: K.N](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_425_51418984/2ec61001294fc011995e.jpg)
Các phương tiện nghiêm túc chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông tại nút giao Lê Duẩn-Lý Nam Đế (TP. Pleiku). Ảnh: K.N
Đây là những con số đáng mừng, chứng minh tính hiệu quả của Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Cùng với đó, Nghị định số 168 đã làm thay đổi một cách mạnh mẽ nhận thức của người dân trong tham gia giao thông.
Trước đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được ban hành với các khung xử phạt hành chính rất nghiêm khắc, nhất là đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã nhanh chóng tạo được hiệu ứng tích cực.
Nắm bắt tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến thu nhập, việc tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn lên mức cao nhất là 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy, 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng đã buộc mọi người hình thành nên ý thức “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Quy định này từng bước phá bỏ tâm lý “nhờn luật” và giúp kéo giảm đáng kể các vụ TNGT liên quan đến rượu, bia.
Tương tự, tại Nghị định số 168, các mức xử phạt cũng được tăng cao từ 3 đến 4 lần so với quy định cũ, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng, được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ TNGT như: không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông; chạy quá tốc độ; đi ngược chiều; đi vào đường cấm, khu vực cấm; lùi xe, quay đầu, đi ngược chiều trên cao tốc; chạy xe lạng lách, đánh võng; rải vật sắc nhọn…
Bên cạnh đó, cơ chế trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe cũng là điểm mới, buộc mọi người phải nắm rõ và chấp hành nghiêm các quy định nhằm “bảo toàn” quyền điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Không chỉ vậy, việc khuyến khích người dân gửi hình ảnh, video hành vi vi phạm an toàn giao thông đến cơ quan chức năng để xử phạt đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc giám sát, chung tay xây dựng môi trường giao thông lành mạnh.
Nghị định số 168 đã và đang giúp mỗi cá nhân dần nhận thức rõ hơn việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông chính là bảo vệ bản thân, gia đình, hình thành nên văn hóa giao thông trong cộng đồng. Rộng hơn, sự chấp hành nghiêm túc các quy định của người dân chính là dấu hiệu phản ánh tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tu-nghi-dinh-so-168-den-van-hoa-giao-thong-post310565.html