Từ người rửa chén khách sạn đến vị đầu bếp 'ẩn dật' giàu nhất thế giới
Theo The Richest, với khối tài sản lên tới hơn 1 tỷ đôla Mỹ, Alan Wong là đầu bếp giàu nhất thế giới và được mệnh danh là người nắm giữ 'linh hồn' của ẩm thực Hawaii.
Nhiều người có lẽ không còn xa lạ những đầu bếp nổi tiếng thường xuyên xuất hiện trên các chương trình truyền hình thực tế như Gordon Ramsay, Giada De Laurentiis hay Paula Deen. Nhưng có một đầu bếp tài ba, giàu có và nổi tiếng bậc nhất trong giới thì lại rất hiếm khi có mặt trên truyền thông. Ông là Alan Wong, người mà trang báo danh tiếng The List từng nhận xét là 'cha đỡ đầu cho nền ẩm thực Hawaii hiện đại'. Wong cũng là một trong 12 đầu bếp đóng góp vào sự phát triển của ẩm thực Hawaii. Vậy con đường trở thành đầu bếp thành công và giàu nhất thế giới của Alan Wong đã diễn ra như thế nào?
Sinh ra ở Tokyo với mẹ là người Nhật và cha là người mang hai dòng máu Trung Quốc và Hawaii, Wong bắt đầu sự nghiệp của mình ở một vị trí rất khiêm tốn khi đảm nhận công việc rửa bát trong khách sạn Waikiki Beachcomber ở Hawaii, Honolulu. Sau nhiều cố gắng cũng như nỗ lực, ông trở thành quản lý nhà hàng và theo học chương trình Nghệ thuật Ẩm thực của trường Cao đẳng Cộng đồng Kapi'olani. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc để có được những bước thăng tiến tiếp theo ở nhà hàng.
Thời gian sau đó, Alan Wong tiếp tục hoàn thành khóa học việc tại khách sạn Greenbrier, Tây Virginia. Nhưng con đường dẫn đến thành công của ông chỉ thực sự bắt đầu khi Alan chuyển đến làm việc tại Lutece ở New York, nơi ông được chỉ dạy bởi đầu bếp tài ba nhất nước Mỹ lúc bấy giờ, Andre Soltner. Chính Soltner đã giúp Wong làm chủ khả năng nấu nướng của mình. Để rồi Alan Wong vẫn nung nấu ý định quay về Hawaii dù có nhiều cơ hội đang mở ra trước mắt ở New York.
Năm 1989, Wong quyết định mở nhà hàng riêng đầu tiên mang tên The Canoe House tại Mauna Lani Bay Hotel and Bungalows ở Hawaii. Hai năm sau, ông cùng với 11 đầu bếp Hawaii khác thành lập Hawaii Regional Cuisine. Mục đích chính của tổ chức này là phát triển ẩm thực Hawaii bằng cách nấu các món ăn từ chính những sản vật và nguyên liệu địa phương. Các đầu bếp đã hợp tác với ngư dân, chủ trang trại, nông dân và doanh nghiệp địa phương để nâng tầm ẩm thực Hawaii cũng như biến nó trở thành nét thu hút và hấp dẫn du khách. Vào năm 1992, các đầu bếp của Hawaii Regional Cuisine đã cùng biên soạn một cuốn sách nấu ăn mang tên 'Những món ăn mới của Hawaii' và mọi lợi nhuận từ cuốn sách này đều được dùng làm từ thiện.
Theo thời gian, Alan Wong đã gây dựng cho mình được một thương hiêu riêng. Năm 1994, ông được Robert Mondavi Winery công nhận là một trong 13 đầu bếp đang lên ở Mỹ. Tới năm 1996, Wong trờ thành người chiến thắng Giải thưởng James Beard cho Đầu bếp xuất sắc nhất Tây Bắc Thái Bình Dương.
Năm 2001, một trong những nhà hàng của ông đã được Tạp chí Gourmet xếp hạng thứ sáu trong danh sách '50 nhà hàng tốt nhất nước Mỹ'. Cùng năm đó, thương hiệu của Alan Wong đứng đầu trong danh sách do Tạp chí Sante bình chọn về 'Rượu và Rượu mạnh'.
Năm 2002, nhà hàng của ông đã được đưa vào 'Đại sảnh Danh vọng' của Tạp chí Tin tức Nhà hàng Quốc gia, đồng thời được tạp chí Hale Aina công nhận là nhà hàng tốt nhất tại Honolulu tới 18.
Ngoài ra, trong Giải thưởng Ilima, nhà hàng của đầu bếp Alan Wong đã được bình chọn là nhà hàng tốt nhất Hawaii trong một thập kỷ. Năm 2003, Wong được Tạp chí Bon Appetit công nhận là 'Bậc thầy ẩm thực Hawaii'. Tuy nhiên, trong tương lai, danh sách thành tích của ông được dự đoán vẫn sẽ còn tiếp tục được nối dài.
Alan Wong cũng đã thử sức mình trong nhiều lĩnh vực khác. Ông đã viết hai cuốn sách nấu ăn mang tên 'Làn sóng mới của Alan Wong Luau' xuất bản năm 1999 và 'Cà chua xanh - Nguồn cảm hứng đằng sau ẩm thực của Alan Wong' xuất bản năm 2010. Cả hai cuốn sách này đều đã giành được giải thưởng sách Ka Palaoala Po'okela cho 'Sách dạy nấu ăn xuất sắc' vào năm 2011 và giải thưởng 'Sách dạy nấu ăn chuyên nghiệp' của Hiệp hội Ẩm thực Quốc tế năm 2012. Ngoài ra, ông cũng là cố vấn cao cấp của nhiều tổ chức như Ủy ban Xúc tiến Thủy sản Hawaii, Tổ chức Nông nghiệp Hawaii, trường Cao đẳng Cộng đồng Leeward và các chương trình của Viện Ẩm thực Thái Bình Dương.
Không chỉ dừng lại ở đó, Alan Wong còn trở thành thành viên của Sáng kiến Hợp tác Ẩm thực Ngoại giao, do nguyên Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton khởi xướng. Ông cũng chính là đầu bếp phục vụ cho gia đình cựu Tổng thống Barack Obama hay gia đình các thành viên Quốc hội Mỹ cũng như những chuyến dã ngoại của Nhà Trắng được tổ chức hàng năm. Năm 2013, đầu bếp Alan Wong được mời vào 'Đại sảnh Danh vọng các Đầu bếp Ẩm thực' của Học viện Đầu bếp Mỹ.
Giá trị tài sản ròng của vị đầu bếp tài ba này ước tính vào khoảng 1.1 tỷ USD với hàng loạt các nhà hàng cao cấp ở Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.