Từ người xa lạ thành người của bản

Những năm qua, lực lượng công an các xã biên giới, vùng cao trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường lực lượng xuống cơ sở để 'cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc' với người dân. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ công an cơ sở đã trở nên quen thuộc trong từng nếp nhà của đồng bào.

Lực lượng công an xã phối hợp Bộ đội Biên phòng thường xuyên liên hệ, gắn bó với người dân các bản vùng cao.

Lực lượng công an xã phối hợp Bộ đội Biên phòng thường xuyên liên hệ, gắn bó với người dân các bản vùng cao.

Bám bản, giúp dân

Nhắc đến xã biên giới Lóng Sập, huyện Mộc Châu, nhiều người vẫn bị ám ảnh bởi nạn ma túy hoành hành khi đây từng là “điểm đen” về ma túy. Hậu quả để lại của ma túy không hề nhỏ.

Không có tiền mua ma túy, người nghiện ăn trộm gà, vịt, ngô, lúa của người dân, gây mất an ninh trật tự. Của cải trong nhà ra đi theo khói thuốc phiện, người bị đi tù vì buôn bán, tàng trữ ma túy, vợ chồng ly tán, con nhỏ bơ vơ... Vòng quay luẩn quẩn ma túy cứ thế bám riết lấy người dân nơi đây.

Ông Hoàng Văn Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lóng Sập cho biết: “Ở các bản vùng cao, việc tố giác, cung cấp thông tin về tội phạm cho cơ quan chức năng còn hạn chế. Số lượng người mắc nghiện ma túy ở xã cao, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn và tình hình an ninh trật tự luôn trong tình trạng phức tạp...”.

Những chiến sĩ công an cơ sở cần mẫn xuống bản để nắm bắt tình hình an ninh trật tự, tâm tư của người dân tại các bản.

Những chiến sĩ công an cơ sở cần mẫn xuống bản để nắm bắt tình hình an ninh trật tự, tâm tư của người dân tại các bản.

Bản Pha Đón, xã Lóng Sập từng là bản phức tạp nhất, trước thời điểm thực hiện chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, bản có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã, kinh tế chủ yếu vẫn là tự cung tự cấp.

Tình trạng ma túy hoành hành trên địa bàn nhiều năm liền và hoạt động của các tổ chức đoàn thể, chính trị của bản Pha Đón yếu, các mô hình tự quản về an ninh trật tự chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tấn công trấn áp tội phạm ở địa bàn gặp khó khăn, gây bức xúc, hoang mang, mất đoàn kết trong nhân dân.

Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu” trong việc chuyển hóa địa bàn, từ năm 2019 khi công an chính quy về xã đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyên truyền tại các buổi họp bản... Sau một thời gian triển khai, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Lóng Sập nói chung và các bản phức tạp như Pha Đón, Phiêng Cài hay Buốc Pát…, nay đã trở lại bình yên.

Lực lượng công an cơ sở tại Sơn La thường xuyên liên hệ, gần gũi với những người có uy tín tại các bản vùng cao.

Lực lượng công an cơ sở tại Sơn La thường xuyên liên hệ, gần gũi với những người có uy tín tại các bản vùng cao.

Ông Hoàng Văn Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lóng Sập, thông tin thêm: “Xã đang tích cực tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây và quyết tâm xây dựng địa bàn sạch ma túy. Với sự tham mưu của lực lượng công an xã, Đảng ủy xã đang tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án 135 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Chuyển hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La không có ma túy, giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Cùng với đó, xã Lóng Sập cũng đang tập trung triển khai Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Huyện ủy Mộc Châu về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố hệ thống chính trị tại 10 bản giáp biên giới phức tạp về an ninh trật tự.

Ông Tráng Tồng Lao, bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập chia sẻ: “Cũng vì nghe kẻ xấu, tôi đã nhận vận chuyển thuê ma túy… rồi bị kết án 20 năm tù. Nhờ cải tạo tốt, được giảm án xuống còn 12 năm 6 tháng tù giam…”.

Đại úy Nguyễn Đức Anh, cán bộ Công an xã Phiêng Khoài trong một lần cùng đồng đội xuống với người dân.

Đại úy Nguyễn Đức Anh, cán bộ Công an xã Phiêng Khoài trong một lần cùng đồng đội xuống với người dân.

“Sau khi cải tạo về với cộng đồng, những ngày đầu còn nhiều khó khăn, nhưng được sự động viên của người thân, giúp đỡ của lực lượng công an, đến giờ tôi đã sở hữu một trang trại trồng cây ăn trái, trồng ngô, trồng lúa, nuôi được 9 con trâu trưởng thành, 1 đàn bò, 1 đàn lợn sinh sản và đàn gia cầm hàng trăm con…”, ông Tráng Tồng Lao phấn khởi chia sẻ thêm.

Giờ đây mỗi năm gia đình ông Tráng Tồng Lao thu nhập hơn 300 triệu đồng. Nhưng điều ông mừng nhất đó là con trai của mình đã khôn lớn trưởng thành, học hết lớp 12 và có ước mơ trở thành chiến sĩ biên phòng.

Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Ông Tráng Tồng Lao không thể nào quên được những ngày tháng được các chiến sĩ công an xã ngày đêm xuống hỏi thăm, động viên ông vượt qua khó khăn, cám dỗ sau khi trở về địa phương…

Lên núi ở với đồng bào

Không sinh ra lớn lên ở mảnh đất Sơn La, nhưng câu chuyện của Đại úy Nguyễn Đức Anh, cán bộ Công an xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu cũng thật đặc biệt.

Anh đã bước sang năm thứ 4 bám xã vùng biên và xin ở lại cống hiến cho mảnh đất biên giới còn đầy nhọc nhằn này.

Ngược dòng thời gian của những ngày mùa đông năm 2020, khi đó thực hiện chủ trương của Bộ Công an về điều động cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ về tăng cường tại công an xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, giảng viên Nguyễn Đức Anh, Học viện Chính trị Công an Nhân dân đã hăng hái tình nguyện viết đơn xin được đi tăng cường.

Công tác ở địa bàn vùng biên, những cán bộ, chiến sĩ như Đại úy Nguyễn Đức Anh luôn xác định mục tiêu bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn là vấn đề then chốt để giữ bình yên cho người dân an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Trong quá trình công tác, Đại úy Nguyễn Đức Anh luôn cùng đồng đội vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm.

Anh Tráng Lao Tồng (thứ 2 từ phải qua), người đã từng vướng vào vòng lao lý, nay đã tu chí làm ăn, phát triển kinh tế.

Anh Tráng Lao Tồng (thứ 2 từ phải qua), người đã từng vướng vào vòng lao lý, nay đã tu chí làm ăn, phát triển kinh tế.

Gắn bó với biên giới như ruột thịt và cũng mong muốn có thêm thời gian để được gần gũi với đồng bào, những người luôn coi mình như người trong nhà, tháng 11/2023, Đại úy Nguyễn Đức Anh đã quyết định viết đơn lần thứ 2 xin ở lại hẳn với vùng biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu…Với quyết định này, Đại úy trẻ Nguyễn Đức Anh cũng đã đón nhận được sự đồng tình, ủng hộ của gia đình và người thân.

Giống như những đồng nghiệp đã “bén hơi” với cơ sở, tình nguyện bám trụ lại với đồng bào, Đại úy Trần Văn Thắng, cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an cũng đã tình nguyện viết đơn tăng cường lên xã biên giới Mường Sai, huyện Sông Mã từ tháng 11/2023, hay Trung úy Trần Văn Tiệp, cán bộ Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng cũng là một trong số những cán bộ, chiến sĩ viết đơn xin ở lại gắn bó Sơn La khi về công tác tại Công an xã Mường Lạn, huyện biên giới Sốp Cộp...

Đại úy Trần Văn Thắng, Công an xã Mường Sai, huyện biên giới Sông Mã đang hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản VNeID.

Đại úy Trần Văn Thắng, Công an xã Mường Sai, huyện biên giới Sông Mã đang hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản VNeID.

Qua những gì mà các cán bộ, chiến sĩ này kể, chúng tôi mới thật sự thấu hiểu tình cảm mà các anh dành cho mảnh đất như gia đình thứ hai này nhiều đến nhường nào.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Sộng A Sệnh, Trưởng bản Nà Un, xã biên giới Mường Sai, bảo: “Ở đây chúng tôi luôn coi các cán bộ, chiến sĩ công an xã như người trong gia đình. Nhà ai có công, có việc gì, các anh, các chú cũng không nề hà đến giúp nhiệt tình. Tất cả các anh công an xã đều rất gần gũi, biết nói tiếng đồng bào, biết ăn món ăn dân tộc... Dân bản nơi đây quý lắm. Nhiều người còn muốn gả cả con gái cho các anh”.

Cùng với cả nước, tỉnh Sơn La đang nỗ lực triển khai, thực hiện Nghị quyết số 12-NQ-ĐUCA ngày 25/7/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương, Chỉ thị số 11/CT-BCA ngày 28/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ cấp trên giao, đặc biệt là các Nghị quyết, Chỉ thị của ngành, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch về thực hiện một số nhiệm vụ nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đề ra lộ trình, bước đi cụ thể với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 bố trí đủ 8 đồng chí Công an chính quy ở mỗi xã, thị trấn theo chỉ đạo của Bộ Công an.

Hình ảnh những chiến sĩ công an chính quy ngày, đêm bám nắm địa bàn các xã, bản vùng cao đã trở nên quen thuộc với người dân.

Hình ảnh những chiến sĩ công an chính quy ngày, đêm bám nắm địa bàn các xã, bản vùng cao đã trở nên quen thuộc với người dân.

Đại tá Đinh Công Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cho biết: “Công an xã chính quy tại Sơn La về cơ bản đã tiếp cận nhanh chóng các địa bàn, phối hợp tốt với các lực lượng triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

Với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương, các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự của công an xã, thị trấn tại tỉnh Sơn La đã và đang có nhiều chuyển biến rõ nét với nhiều khởi sắc theo hướng chuyên nghiệp hơn, toàn diện hơn.

Sự có mặt của lực lượng công an chính quy tại cơ sở của tỉnh Sơn La đã và đang góp phần quan trọng cùng lực lượng công an cả nước giữ vững ổn định an ninh, trật tự tại các địa bàn khó khăn, khu vực biên giới và thực sự trở thành “điểm tựa bình yên của nhân dân” trên mọi miền Tổ quốc.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tu-nguoi-xa-la-thanh-nguoi-cua-ban-post818968.html