Tù nhân nguy hiểm trốn trại ồ ạt ở Sudan
Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo tình trạng bạo lực ở Sudan diễn biến trầm trọng hơn khi những kẻ tình nghi phạm tội ác chiến tranh bỏ trốn khỏi nơi giam giữ.
AFP ngày 28/4 dẫn lời phát ngôn viên Văn phòng Cao ủy LHQ về nhân quyền (OHCHR) Ravina Shamdasani cảnh báo tình trạng một số tù nhân nguy hiểm và không ít những kẻ bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, đã trốn thoát khỏi nơi giam giữ do bạo lực leo thang ở Sudan.
Theo lời quan chức cơ quan LHQ, việc những kẻ phạm tội không bị trừng phạt có thể khiến tình hình ở Sudan diễn biến xấu đi. "Khi bạn thấy những kẻ có hành động sai trái nghiêm trọng mà không bị trừng phạt, thì điều đó càng khuyến khích những kẻ phạm tội", bà Shamdasani nói.
Trước đó, truyền thông quốc tế đưa tin về một số vụ vượt ngục ở Sudan, bao gồm các vụ việc xảy ra ở những nhà tù có mức độ an ninh cao chuyên giam giữ những kẻ bị tình nghi hoặc bị kết án phạm tội ác chiến tranh.
Đại diện OHCHR cũng bày tỏ lo ngại tình trạng người dân ở Sudan bị "buộc rời khỏi nhà của họ và bị cướp bóc, tống tiền, thiếu lương thực, nước, điện, nhiên liệu, hạn chế tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hạn chế liên lạc và hạn chế tiền mặt do các ngân hàng đóng cửa".
Xung đột bùng nổ ở Sudan từ hôm 15/4 giữa lực lượng quân sự chính quy và nhóm bán quân sự mang tên Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) do bất đồng trong kế hoạch hợp nhất RSF vào quân đội.
Quân đội Sudan những ngày qua khẳng định RSF khơi mào giao tranh bằng việc phát động tấn công trước vào các trụ sở của quân đội, còn RSF cáo buộc lực lượng vũ trang chính quy gây hấn khi cố gắng bao vây bất ngờ một căn cứ của lực lượng này ở phía Nam Khartoum.
Cộng đồng quốc tế đã cố gắng dàn xếp ngừng bắn ở Sudan nhưng chưa thành công. Số liệu chính thức tính đến ngày 28/4 cho thấy, ít nhất 512 người đã thiệt mạng và gần 4.200 người bị thương do đụng độ.
Chương trình Lương thực Thế giới cho biết bạo lực có thể đẩy thêm hàng triệu người Sudan vào cảnh đói kém. Abdou Dieng, giám đốc viện trợ của LHQ tại Sudan, cho biết ông "cực kỳ lo lắng về tình hình" và vấn đề cung cấp lương thực là mối lo ngại lớn.
Theo số liệu của LHQ, trước khi xung đột nổ ra, gần 16 triệu người, tương đương 1/3 dân số của quốc gia châu Phi nghèo khó này cần viện trợ nhân đạo, trong đó khoảng 11,7 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.
Những ngày qua, các quốc gia trên thế giới đã rất khẩn trương sơ tán công dân khỏi Sudan. Mỹ ngày 28/4 bố trí một nhóm xe bus đưa 300 công dân từ Khartoum đi gần 800km để đến khu vực biển Đỏ, nơi họ được bố trí phương tiện rời Sudan.
Anh trước đó xác nhận đã sơ tán 1.573 người từ một sân bay ở phía Bắc Khartoum, hầu hết là công dân Anh. Đức và Pháp đã sơ tán thêm 1.700 người bằng đường hàng không. Ít nhất 3.000 người khác mang nhiều quốc tịch được sơ tán từ Port Sudan đến Jeddah ở Arab Saudi.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/tu-nhan-nguy-hiem-tron-trai-o-at-o-sudan-i691865/