Tư nhân tham gia lĩnh vực dịch vụ công là nhu cầu từ thực tiễn

Thời gian qua, trong một số lĩnh vực vốn được xem là 'sân chơi' riêng của các doanh nghiệp nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp như sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, hàng không, điện lực, y tế, giáo dục, thể thao, điện ảnh, công chứng, chứng nhận sự phù hợp… cũng đã có sự tham gia của tư nhân.

Đây là đánh giá của ông Vũ Tiến lộc, Chủ tich VCCI tại hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng 15/5.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc cho biết: 30 năm đổi mới đã cho thấy, việc mở cửa cho tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho xã hội mang lại rất nhiều các lợi ích thiết thực. Đây là xu hướng tự do dân chủ của nhiều nền kinh tế thế giới. Tại Việt Nam, Nhà nước và khối tư nhân đã có sự thu hẹp khoảng cách, nhiều lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế đã có sự tham gia của tư nhân. Điều này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ lợi ích nhân dân, phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công. Việc huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ công sẽ mang đến nhiều lợi ích. Đặc biệt, lợi ích quan trọng nhất là “thoái sức” Nhà nước ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công không cần thiết, thu gọn bộ máy quản lý nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi.

 Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Ông Lộc đưa ra nhiều ví dụ như: Trong ngành bán lẻ, những cửa hàng mậu dịch quốc doanh thời bao cấp đã được thay thế bởi các siêu thị, chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại khắp mọi miền đất nước. Còn đối với ngành vận tải ô tô thì các doanh nghiệp vận tải quốc doanh dần thu hẹp, nhường chỗ cho hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp taxi, xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch, xe container, xe tải phục vụ hầu hết mọi nhu cầu của xã hội.

Trong một khảo sát của VCCI, các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò chính trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy nhiều ý kiến lo ngại về những nguy cơ khi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công như có thể tăng giá dịch vụ, khó kiểm soát chất lượng, nguy cơ lừa đảo, gian dối trong kinh doanh, thậm chí cả tình trạng độc quyền, tham nhũng, doanh nghiệp sân sau… Do đó, ông Lộc nhìn nhận, việc minh bạch thông tin là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự chuyển giao. Nhà nước phải thay vai trò của mình từ người lái đò thành người chèo đò.

Tuy vậy, ông Lộc thẳng thắn thừa nhận, còn rất nhiều dịch vụ công đang do các cơ quan nhà nước thực hiện trong quy trình gần như khép kín, gắn với chức năng quản lý nhà nước; có nguy cơ gây ra tình trạng không minh bạch. Nhiều quy định của luật bị làm biến dạng khi thực hiện, nhiều dịch vụ có tính “đăng ký”, “thông báo” nhưng trên thực tế biến thành “xin - cho”.

Đánh giá vai trò của tư nhân trong lĩnh vực này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI dẫn ra nhiều ví dụ về việc tham gia của tư nhân trong các dịch vụ công mà trước đây hoàn toàn là câu chuyện của các đơn vị nhà nước. Đầu tiên là câu chuyện về bóng đá.

 Trung tâm hành chính dịch vụ công thành phố Đà Nẵng.

Trung tâm hành chính dịch vụ công thành phố Đà Nẵng.

Theo ông Tuấn, việc tư nhân tham gia vào bóng đá qua các hình thức tài trợ cho các CLB, mở trung tâm đào tạo hay tài trợ cho đội tuyển quốc gia đã thu được những thành công rất lớn. Hay trong câu chuyện hàng không, khi có sự tham gia của Vietjet Air và mới đây là Bamboo, thì Vietnam Airlines buộc phải “chuyển mình”, cung cấp các dịch vụ tốt hơn… Ngay cả câu chuyện hạ tầng đường bộ, trước đây Nhà nước đầu tư toàn bộ nhưng khi có tư nhân tham gia, thì các công trình BOT giao thông đã được triển khai, cải thiện được hạ tầng. Nhiều con đường cao tốc như Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn… là kết quả dễ nhìn thấy nhất.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Quang Hồng, Trưởng Ban Nghiên cứu Pháp luật dân sự - kinh tế (Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp), cũng nhấn mạnh dịch vụ công trong ngành tư pháp còn xã hội hóa được thì các ngành không có lý do gì để không thực hiện. Bởi trên thực tế, các hoạt động công chứng, thừa phát lại, giám định... của ngành tư pháp đã được xã hội hóa, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả cung ứng, mở rộng cơ hội tiếp cận của người dân.

Còn theo ông Micheal Greene, Giám đốc USAID: Tới năm 2022, Việt Nam cần 26 tỷ USD cho các dự án hạ tầng nên cần những cách thức đầu tư và triển khai hiệu quả. Do đó, để các dự án công tư được vận hành hữu hiệu, Việt Nam cần thúc đẩy môi trường cạnh tranh minh đẳng, thông qua quy trình mua sắm đấu thầu cởi mở. Nhà nước chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho đất nước.

Đồn thời, ông Micheal Greene cũng kỳ vọng vào Luật về hợp tác công tư (Luật PPP) đang được triển khai soạn thảo, tạo khuôn khổ pháp lý PPP hiệu quả để phát huy tính sáng tạo của khu vực tư nhân và thu hút nguồn lực vào phát triển đất nước với trọng tâm phục vụ người dân Việt Nam.

Hương Lan

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-quan-ly/tu-nhan-tham-gia-linh-vuc-dich-vu-cong-la-nhu-cau-tu-thuc-tien-5303.html