Từ những cán bộ cấp cao 'vào lò', nghĩ về rèn luyện 4 chữ đức
Tại cuộc họp thông báo kết quả phiên họp 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng đã cho biết, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.
Việc 6 cán bộ cao cấp bị kỷ luật vì vi phạm trong kê khai là một nét mới rất đặc biệt trong công tác phòng chống tham nhũng và tiêu cực hiện nay. Điều này thể hiện việc Đảng ta, trong quá trình thực hiện công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, đã đồng thời tiến hành các biện pháp kỷ luật nghiêm minh đối với suy thoái đạo đức cá nhân trong một bộ phận không nhỏ các cán bộ, đảng viên hiện nay. Tại sao có thể nói, vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập là một biểu hiện của suy thoái đạo đức? Xin thưa, trước hết, đó là căn cứ theo ý trong một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được đăng trong Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011.
Nguyên văn lời của Bác như sau: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”.
Việc cán bộ cao cấp mà lại giàu có bất chính, có những khối tài sản bất minh, có những nguồn thu nhập mờ ám, để rồi phải che giấu, không kê khai, báo cáo với tổ chức, chính là phạm vào 2 trong 4 đức trong lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là họ đã không còn là một cán bộ “liêm chính”, và theo như lời dạy của Bác, họ đã “không thành người”, không xứng đáng là cán bộ lãnh đạo và công bộc của nhân dân.
Trên thực tế, cần, kiệm, liêm, chính đã và đang thực sự là những phẩm chất đạo đức đặc biệt quan trọng đối với các cán bộ cao cấp nói riêng và toàn thể cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và mở rộng giao lưu quốc tế trên mọi lĩnh vực. Cuộc sống vật chất càng sung túc thì việc giữ gìn đạo đức cá nhân dường như ngày một khó hơn trong nhiều cán bộ, đảng viên hiện nay. Chỉ xét một khía cạnh nhỏ thôi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhiều cán bộ hôm nay cũng có thể thấy điều “khó hơn” vừa nói ở trên. Đó là việc tổ chức ăn uống, tiệc tùng, giao lưu với anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác.
Mặc dù đó là một nét văn hóa của người Việt, góp phần củng cố, tăng cường gắn kết các mối quan hệ, làm cho tình cảm con người thêm sâu sắc hơn. Tuy vậy, nếu sa đà vào ăn nhậu, người ta tự làm tổn hại sức khỏe, tư cách của chính mình. Đáng nói hơn, không ít cán bộ từng có những năm tháng rèn luyện chỉn chu, có nếp sống giản dị, đạm bạc, nhưng sau khi được thăng quan tiến chức hay được cấp dưới, doanh nghiệp, đối tác mời mọc ra các nhà hàng sang chảnh ăn uống, giao lưu. Ngày này qua ngày khác, nếu cán bộ cứ tự mình dễ dãi tham dự những buổi tiệc tùng như vậy vừa dễ bị người khác lợi dụng, mua chuộc, vừa dễ sa ngã vào lối sống buông thả. Không có hoặc thiếu cần, kiệm, liêm chính, lối sống “trên dân, xa dân” cũng từ đó dần lớn lên trong con người cán bộ, và đây chính là mầm mống của căn bệnh quan liêu với dân, vô cảm trước dân.
Đúng như một ý kiến từng nhận định chí lý rằng, khi cán bộ chỉ còn biết có cá nhân mình, chỉ ngày đêm chăm lo cho sự giàu có của bản thân và gia đình, tìm mọi cách để ăn ngon, mặc đẹp, thỏa mãn những thú vui vật chất thì làm sao còn rung động được trước những cảnh nghèo đói, đau khổ của người dân? Phải nói thẳng rằng, mấy năm gần đây, “nạn” tiếp khách, ăn uống tràn lan có xu hướng gia tăng ở nhiều cơ sở, cơ quan, ban, ngành dẫn đến dính líu cảnh nợ nần tràn lan. Cũng chỉ vì ăn uống, tiếp khách quá nhiều, không ít cán bộ, đảng viên tự biến mình vừa là “khổ chủ”, vừa là “con nợ”. Có những địa phương thuộc diện nghèo, hằng năm phải xin Trung ương cứu đói cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vào những tháng giáp hạt, nhưng nhiều cơ quan, ban, ngành ở tỉnh, huyện, xã vẫn chưa biết “liệu cơm gắp mắm”, chi tiêu đón tiếp khách, ăn uống vượt mức tiêu chuẩn, gây lãng phí, xa hoa.
Và mới đây nhất, chiều 8/3/2024, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Vĩnh Phúc bị bắt vì tội nhận hối lộ. Như vậy, bà Lan là bí thư tỉnh ủy thứ năm bị bắt trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Trước đó, tháng 7/2021, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bị cách tất cả chức vụ trong Đảng. Một năm sau đó, ông Nam bị phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Tháng 9/2022, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị bắt với cáo buộc chỉ đạo làm trái quy định đấu thầu trong vụ án liên quan Công ty Việt Á. Đầu tháng 10/2023, ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bị cách tất cả chức vụ trong Đảng do giải trình nguồn gốc tài sản không trung thực. Sau đó, ông Thọ bị bắt để điều tra tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Tháng 1/2024, Bí thư Lâm Đồng Trần Đức Quận bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ”. Những quan chức trên, dù bị bắt khác nhau thời điểm và vụ việc, nhưng đều có chung một tội: tội tham nhũng. Và vì thế cũng có thể khẳng định rằng, họ đều đã đánh mất phẩm chất liêm, chính của người cán bộ cao cấp. Một điều nguy hại nữa là, nếu không ngăn chặn được tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”, tình trạng mức sống và thu nhập quá chênh lệch giữa quan chức và dân chúng, sẽ vô hình trung tạo thêm hố sâu ngăn cách của sự bất công xã hội - một điều hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu xây dựng xã hội công bằng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang phấn đấu và nỗ lực thực hiện.
Tấm gương cần, kiệm, liêm, chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng những lời Người cảnh báo, đến nay vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi. Các cán bộ cao cấp, các cán bộ, đảng viên nào không thấm thía những lời dạy của Bác về 4 đức “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” thì tự mình sẽ đánh mất bản chất thiện lương của người cộng sản, thậm chí tự biến mình trở thành những kẻ “phàm phu tục tử” trong con mắt người dân, tự mình biến mình “không thành người”. Cần, Kiệm, Liêm, Chính tốt sẽ dẫn đến chí công vô tư. Chí công vô tư, một lòng vì dân vì nước nhất định sẽ thực hiện được Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Vì thế, là một cán bộ cao cấp, một công chức, một cán bộ, một đảng viên, trước hết bản thân phải rèn luyện cho mình đạo đức cách mạng Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công vô tư, để thật sự là công bộc của nhân dân. Đặc biệt, để giữ gìn đức Chính, thì mọi cán bộ, đảng viên cần có ý thức giữ gìn tư cách, đạo đức, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Luôn thẳng thắn, công tâm, khách quan, nghiêm túc thực hiện công tác tự phê bình và phê bình, tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng với tinh thần cầu thị, trung thực, chân thành với chính mình và với người khác.
Bác Hồ cũng từng nói, những người trong công sở, ít nhiều đều có quyền hành, nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì rất dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Chính vì thế đảng viên, công chức chúng ta phải rèn luyện cho mình đạo đức cách mạng, bởi vì Cần, Kiệm, Liêm, Chính là thước đo bản chất đạo đức của con người. Mỗi chúng ta phải học tập tấm gương của Người trên tinh thần tự nguyện tự giác, phải coi đó là việc làm thường xuyên, suốt đời, trong công tác cũng như trong cuộc sống cá nhân. Mọi cán bộ cao cấp và cán bộ khác cần phải luôn luôn có ý thức giữ gìn tư cách, đạo đức, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Phải luôn thẳng thắn, công tâm, khách quan, nghiêm túc thực hiện công tác tự phê bình và phê bình, tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng với tinh thần cầu thị, phải luôn giữ gìn sự trong sáng, trung thực, chân thành với chính mình và với người khác, trong công tác, trong cuộc sống đời thường, và cả trong mỗi dịp cần kê khai tài sản, thu nhập.