Từ những điều nhỏ bé
Ba em là người Triều Châu, mẹ là người Quảng Đông. Lâu lắm rồi ba mẹ không còn nhìn thấy những chiếc túi thơm truyền thống này nữa nên khi thấy con gái mang nguyên liệu về nhà làm, cả hai đều cảm thấy có gì đó rất hoài niệm.
“Một hành động nhỏ nhưng mang nặng tấm chân tình của người trẻ. Ở đó, có tâm huyết giữ gìn bảo tồn văn hóa truyền thống gắn bó cộng đồng; ở đó có những nghĩ suy san sẻ với người khó khăn bằng chính các hoạt động liên quan đến truyền thống văn hóa để điều này thực sự mang ý nghĩa tích cực nhất…”. Chúng tôi xúc động nghĩ như thế khi đứng trước các bạn trẻ Lớp Tiếng Quảng Đông Chợ Lớn cùng dự án “Túi thơm” truyền thống người Hoa.
Tấm lòng người trẻ
“Con tự may túi thơm này luôn đó hen? Mà, cái đầu tiên nhìn hơi… xấu đó!”, cô Thi Phụng Ái (hơn 50 tuổi, ngụ phường 10, quận 8, TPHCM) nhìn và trêu cô con gái Quách Huệ Hiền đang ngồi tỉ mỉ làm từng túi thơm thủ công truyền thống. Quay qua mẹ, Huệ Hiền thủ thỉ: “Vậy mẹ làm chung thử với con mấy cái túi thơm này nhé!”. Cùng con làm chiếc túi thơm, cô Phụng Ái như được nhìn lại một vật phẩm văn hóa mà lâu lắm rồi. “Trời ơi, mẹ thấy chưa, cái túi thơm đầu tiên mẹ làm cũng đâu có đẹp hơn con đâu. Tưởng dễ mà khó đúng không mẹ? Phải làm vài lần mới từ từ đẹp được”, Huệ Hiền quay sang mẹ, cười xòa khi nhìn thấy chiếc túi thơm bà làm.
“Ba em là người Triều Châu, mẹ là người Quảng Đông. Lâu lắm rồi ba mẹ không còn nhìn thấy những chiếc túi thơm truyền thống này nữa nên khi thấy con gái mang nguyên liệu về nhà làm, cả hai đều cảm thấy có gì đó rất hoài niệm. Làm túi thơm thủ công truyền thống rất cần sự kiên nhẫn, khéo léo, tâm huyết. Ngoài mẹ, em còn rủ thêm má hai (chị gái của mẹ) cùng làm phụ cho kịp số lượng, kịp thời gian tham gia Tuần lễ văn hóa Quận 5 vừa rồi. Khi bắt đầu làm em hỏi ý kiến ba mẹ, và rất được ủng hộ”, Huệ Hiền chia sẻ.
Quách Huệ Hiền (sinh năm 2004, sinh viên năm nhất Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Văn Lang) là 1 trong 15 bạn trẻ học viên Lớp Tiếng Quảng Đông Chợ Lớn vừa qua đã tham gia tổ chức gian hàng giới thiệu “túi thơm” truyền thống Tết Đoan Ngọ tại Tuần lễ văn hóa Quận 5 ở Công viên Văn Lang từ ngày 28-6 đến 1-7. Chỉ trong vài ngày ít ỏi, nhóm bạn trẻ đã “sản xuất” và “tiêu thụ” hơn 300 chiếc túi thơm truyền thống các loại. Với tổng doanh thu khoảng 8,5 triệu đồng, các bạn trẻ rủ nhau gửi đến Quỹ từ thiện Báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa Văn, hỗ trợ những người khó khăn hơn mình.
Em Khang Tuấn Kiệt (sinh năm 1997, sinh viên năm ba Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Văn Lang), người đề xuất ý tưởng gian hàng “túi thơm”, cho biết ngoài việc bán túi gây quỹ làm từ thiện còn tích cực hướng dẫn khách hàng, người dân tự làm túi thơm, tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống này. Tuấn Kiệt kể, năm ngoái, khi thầy Nguyễn Chí Minh, giáo viên Lớp Tiếng Quảng Đông Chợ Lớn, chỉ cách làm túi thơm, em đã suy nghĩ về dự án và giữa năm nay nhóm đã làm được điều đó.
“Các cô chú ghé lại tham quan gian hàng rất hứng thú vì lâu lắm rồi túi thơm truyền thống mới xuất hiện. Trên thị trường, thi thoảng người ta cũng có làm và bán, nhưng nguyên liệu bên trong không phải truyền thống, chất lượng không cao. Tụi em làm không phải vì kinh doanh mà hướng đến mục đích thiện nguyện, lan tỏa giá trị văn hóa. Lợi nhuận có được, nhóm em tặng hết cho người khó khăn. Sức tụi em nhỏ thôi, góp được gì cho bà con sẽ nỗ lực”, Tuấn Kiệt bày tỏ.
Lan tỏa giá trị văn hóa
Thầy Nguyễn Chí Minh, giảng viên Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Văn Lang, giáo viên Lớp Tiếng Quảng Đông Chợ Lớn, cho biết các bạn trẻ tham gia dự án là sinh viên, người đã đi làm và có điểm chung rất muốn bảo tồn những nét văn hóa người Hoa. Trong quá trình dạy tiếng Quảng Đông, thầy Minh truyền đạt lại cho các bạn trẻ về văn hóa người Hoa, trong đó có kỹ thuật làm túi thơm thủ công truyền thống.
Theo thầy Minh, trong sách Lễ Ký có mô tả “túi thơm” thuở ban đầu được thêu bởi 5 loại chỉ có màu sắc: xanh, đỏ, vàng, trắng, đen. Lịch sử phát triển của “túi thơm” có từ hàng ngàn năm trước. “Túi thơm là vật phẩm không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ của người Hoa, có nguồn gốc từ lâu đời. Một chiếc túi nho nhỏ, bên trong đựng những vị thuốc thảo dược như quế chi, đại hồi, lá ngải, xương bồ… có công dụng sát khuẩn, bảo vệ sức khỏe, mang ý nghĩa may mắn, cát tường. Vậy mà, bẵng đi một thời gian rất lâu, chính tôi cũng mới được nhìn lại, làm lại những chiếc túi thơm của ký ức. Việc các bạn trẻ cùng nhau kế thừa kỹ thuật truyền thống, phục dựng, rất có ý nghĩa. Càng đặc biệt hơn, họ còn gắn liền điều này với việc hỗ trợ cộng đồng”, thầy Minh nói.
Bạn Lý Mãng Cơ (sinh năm 1997, Người Hoa gốc Quảng Đông, thành viên dự án) kể, ngày trước ở quận 5 có cụ Lý Liên làm túi thơm truyền thống; nhưng sau khi cụ mất, nhiều năm nay gần như không thấy túi thơm này nữa. Thành ra, với rất nhiều người khi vô tình gặp lại một vật phẩm truyền thống lâu đời do nhóm làm, họ rất xúc động.
Mãng Cơ chia sẻ về dự án: “Nhóm có 15 bạn, chia ra nhiều nhóm nhỏ để mua nguyên liệu, sản xuất và quảng cáo bán hàng… Mỗi người một tay, cùng đoàn kết, phục dựng lại vật phẩm văn hóa lâu đời của dân tộc mình. Khi thực hiện dự án này, tụi em vui vì được kế thừa, chung tay bảo tồn nét văn hóa lâu đời của người Hoa ở Chợ Lớn. Dự án này dự kiến sẽ còn tiếp tục, tùy vào các lễ hội, sự kiện sắp tới. Các bạn đều đi học, đi làm nhưng nếu có dịp sẽ cố gắng. Lợi nhuận thu được tuy còn ít ỏi nhưng được dùng đúng mục đích hỗ trợ bà con khó khăn”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tu-nhung-dieu-nho-be-post696764.html