Từ những lá đơn xin được... thoát nghèo

Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nhiều người nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Chuyện chưa có... tiền lệ

Bản Suối Tút là xã biên giới của huyện Mường Lát. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, đời sống của nhiều hộ gia đình vẫn còn khó khăn nhưng đây lại là địa phương có số hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo nhiều nhất của huyện.

 Nhiều người nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo

Nhiều người nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo

Là những người tiên phong cho phong trào viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, ông Tặng Văn Lai, Trưởng bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát lại có nhiều cách làm hay, sáng tạo để từ thoát nghèo thành... có của ăn của để.

Hơn chục năm trước, ông Lai sang tận Lào học cách trồng cam, sau đó ông mang giống cam lào về và là một trong những hộ đầu tiên trồng cam trên mảnh đất Suối Tút. Từ việc trồng cam và chăn nuôi đã giúp gia đình ông có kinh tế khá giả. Mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng.

 Ông Tặng Văn Lai, Trưởng bản Suối Tút bên giống cam lào

Ông Tặng Văn Lai, Trưởng bản Suối Tút bên giống cam lào

“Mình làm trưởng bản mà không làm gương thì thẹn lắm. Nên phải cố gắng học hỏi kinh nghiệm để làm kinh tế, sau thì viết đơn ra khỏi hộ nghèo. Thời điểm làm đơn cũng chưa hẳn đã hết nghèo nhưng vẫn viết đơn để có động lực thoát nghèo và cho các hộ khác trong bản noi theo”, ông Lai bộc bạch.

Còn với hộ gia đình ông Phan Văn Liều (bản Suối Tút, xã Quang Chiểu) lại khiến phóng viên bất ngờ hơn khi ở nơi biên viễn, xa trung tâm lại có ngôi nhà với thiết kế hiện đại. Gia đình ông là một trong 26 hộ dân xin thoát nghèo ở bản Suối Tút có kinh tế ổn định.

Ông Liều cho biết, con trai đi xuất khẩu lao động mỗi tháng gửi về nhờ bố mẹ giữ 40 triệu đồng; còn vợ chồng ông hiện có 2 ha cam với khoảng hơn 2.000 gốc; 20 con bò, 10 con dê và 5 con lợn. Trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình cũng thu về khoảng gần 200 triệu đồng.

Lý giải cho lá đơn của mình, ông Liều nói rằng, trước kia mình nghèo nhưng giờ thấy nhiều nhà nghèo hơn thì mình xin thoát nghèo thôi. Bản thân ông cũng như gia đình muốn làm tấm gương để thoát nghèo bởi có thoát nghèo thì mới có động lực để mình phấn đấu hơn.

 Ông Phan Văn Liều (bản Suối Tút, xã Quang Chiểu) viết đơn xin thoát nghèo

Ông Phan Văn Liều (bản Suối Tút, xã Quang Chiểu) viết đơn xin thoát nghèo

Theo ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu cho biết: "Thời gian qua, một số hộ dân của xã đã có đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Là những người đứng đầu địa phương chúng tôi cũng rất cảm động, sự thay đổi lớn từ tư duy đến nhận thức một cách đúng đắn, toàn diện, sẽ giúp lan tỏa mạnh những năng lượng tích cực ra cộng đồng".

Nhiều năm trở lại đây, Quang Chiểu đã “thay da đổi thịt”, bà con đã dần dần thoát khỏi tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”. Họ biết thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ cây có hiệu quả kinh tế thấp, sang cây trồng mang lại kinh tế cao như: trồng lúa nếp cay nọi, trồng cam, chăn nuôi trang trại; đặc biệt là cho con cái đi xuất khẩu lao động.

 Trồng lúa nếp cay nọi giúp người dân vùng biên thoát nghèo

Trồng lúa nếp cay nọi giúp người dân vùng biên thoát nghèo

Cũng theo ông Thứ, những việc làm trên không chỉ góp phần tích cực giúp chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là minh chứng cho những thay đổi trong nhận thức, tư duy của người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cùng những cách làm sáng tạo trong công tác điều hành, chỉ đạo, sâu sát, quan tâm đến mọi mặt đời sống nhân dân của các cấp chính quyền cơ sở.

Thay đổi tư duy "trông chờ, ỷ lại"

Khởi đầu bằng những lá đơn xin thoát nghèo của người dân ở xã Quang Chiểu, Mường Chanh, đến nay, phong trào này lan tỏa tới nhiều xã trên địa bàn huyện, qua đây đã thể hiện tâm tư, nguyện vọng, khẳng định ý chí thoát nghèo của một bộ phận nhân dân.

 Phong trào này lan tỏa tới nhiều xã trên địa bàn huyện Mường Lát

Phong trào này lan tỏa tới nhiều xã trên địa bàn huyện Mường Lát

Những lá đơn xin thoát nghèo thể hiện trong nhận thức của người dân đã có sự thay đổi. Thay vì tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, nhiều hộ dân khi thấy điều kiện kinh tế khá hơn đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Từ cuối năm 2023 đến nay huyện Mường Lát đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo. Từ số hộ nghèo, cận nghèo chiếm chủ yếu trên địa bàn, đến nay xã Mường Chanh chỉ còn 18,05% số hộ nghèo đa chiều; xã Quang Chiểu còn 28,49%...

 Dù không thông thạo chữ nhưng người dân vẫn tự mình làm đơn thể hiện ý chí, nguyện vọng thoát nghèo rất lớn

Dù không thông thạo chữ nhưng người dân vẫn tự mình làm đơn thể hiện ý chí, nguyện vọng thoát nghèo rất lớn

Những lá đơn xin thoát nghèo của những hộ gia đình đồng bào dân tộc ở huyện nghèo vùng cao biên giới không hẳn vì họ đã khá giả mà chứng tỏ người dân đã bắt đầu có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

Đồng thời, còn là minh chứng những cách làm sáng tạo trong công tác điều hành, chỉ đạo, sâu sát, quan tâm đến mọi mặt đời sống nhân dân của các cấp chính quyền cơ sở.

 Nhiều hộ dân xây được nhà, có của ăn của để nhờ thay đổi tư duy trông chờ, ỷ lại

Nhiều hộ dân xây được nhà, có của ăn của để nhờ thay đổi tư duy trông chờ, ỷ lại

Trao đổi với phóng viên, ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát cho biết, toàn huyện có gần 100 hộ dân viết đơn xin thoát nghèo tập trung ở xã Mường Chanh và Quang Chiểu. Đặc biệt, có hộ đi hàng chục km ra xã chỉ để nộp bằng được lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Việc tự nguyện xin thoát nghèo cho thấy người dân có ý thức vươn lên, tích cực lao động sản xuất, không trông chờ, ỷ lại. Sự thay đổi suy nghĩ và hành động của các hộ đó thật đáng trân trọng.

 Nhiều năm trở lại đây, Mường Lát đã “thay da đổi thịt”, bà con đã dần dần thoát khỏi tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”

Nhiều năm trở lại đây, Mường Lát đã “thay da đổi thịt”, bà con đã dần dần thoát khỏi tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”

Ông Xiết thông tin thêm, năm 2024 là năm đầu tiên huyện Mường Lát không xin tỉnh cấp gạo cứu đói mùa giáp hạt để phát cho nhân dân trên địa bàn. Để làm được điều này, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Lát đã nỗ lực rất lớn, người dân ở nơi đây cũng đã cho thấy tự trọng vươn lên rất đáng ghi nhận.

Những hộ viết đơn xin thoát nghèo ở huyện nghèo Mường Lát chưa hẳn đã có cuộc sống sung túc. Nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ của họ đó là lòng tự trọng, là mong muốn tự lực vươn lên, nhường lại những khoản hỗ trợ của Nhà nước cho những gia đình thật sự khó khăn hơn.

Viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo cũng đồng nghĩa họ sẽ không còn những hỗ trợ bấy lâu nay, không được thụ hưởng các chính sách ưu đãi nhưng họ lại thấy vui, xem đó là động lực để nỗ lực phấn đấu, tự mình vươn lên, từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tu-nhung-la-don-xin-duoc-thoat-ngheo-post306887.html