Tu pháp gì để được an vui lâu dài
Chư thiên là những chúng sinh thuộc loài trời, có nhiều phước báo hơn người. Tuy vậy, nếu chư thiên không biết nương vào Chánh pháp để tu tập giải thoát thì vẫn chịu khổ đau sinh tử trong tam giới, thậm chí không duy trì được phước báo của cõi trời. Vì thế, các vị trời cũng thường học hỏi Phật pháp nơi Thế Tôn.
Hai vị thiên nữ trong pháp thoại dưới đây đã ngộ ra điều thiết yếu là cần nương tựa Chánh pháp để được an vui lâu dài. Cốt tủy của sự nương tựa Phật pháp là “chánh niệm” và “đủ luật nghi”. Nếu vì ác kiến hay vô minh không thấy được giá trị của Phật pháp để quay về nương tựa thì “ắt sẽ rơi đường ác”.
Nương tựa Tam bảo
“Một thời, Đức Phật ở bên ao Di-hầu, trong giảng đường Trùng Các, nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, có Thiên nữ Câu-ca-na-sa, Thiên nữ Châu-lô-đà dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ra ánh sáng chiếu khắp cạnh bờ ao Di-hầu. Lúc này, Thiên nữ Châu-lô-đà nói kệ bạch Phật:
- Đại sư Đẳng Chánh Giác
Ở nước Tỳ-xá-ly
Câu-ca-na, Châu-lô
Xin cung kính đảnh lễ.
Xưa con chưa từng nghe
Chánh pháp luật Mâu-ni
Nay đích thân được gặp
Hiện tiền nói Chánh pháp.
Nếu đối pháp luật Thánh
Ác tuệ sanh chán ghét
Ắt sẽ rơi đường ác
Chịu các khổ lâu dài.
Nếu đối pháp luật Thánh
Chánh niệm, đủ luật nghi
Người kia sanh lên Trời
Được an vui lâu dài.
Thiên nữ Câu-ca-na-sa lại nói kệ:
- Tâm kia không tạo ác
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng
Chánh trí, chánh buộc niệm
Không tập cận các khổ
Cùng hòa hợp phi nghĩa.
Thế Tôn bảo Thiên nữ:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Như những gì các ngươi đã nói:
Tâm kia không tạo ác
Và thân, miệng; trong đời
Năm dục đều hư vọng
Chánh trí, chánh buộc niệm
Không tập cận các khổ
Cùng hòa hợp phi nghĩa.
Các Thiên nữ kia nghe những gì Phật dạy hoan hỷ, tùy hỷ, rồi biến mất”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1274 [trích])
Hàng đệ tử Phật hàng ngày đều nguyện “Con về nương tựa Pháp”. Căn bản của nương tựa Pháp của Phật tử là chánh niệm và đủ luật nghi. Chánh niệm là nhớ nghĩ chơn chánh, là tập thấy rõ tâm niệm của mình để kiểm soát và chuyển hóa thân miệng ý của mình. Vì lâu nay chúng ta thường mất chánh niệm, đánh mất sự thường biết về tâm, nên mọi chuyện đều làm theo nghiệp vọng động, dấy khởi. Khi đã làm quen với tâm, nhận biết rõ tâm ý của mình - chúng sinh khởi thế nào, hình thành và đoạn diệt ra sao, niệm niệm tiếp nối không ngừng - thì chánh niệm ngày càng vững vàng, có thể tự chủ trong mọi tình huống. Phải thấy rõ tâm mới có thể chuyển hóa và làm chủ tâm.
Song hành với thực tập chánh niệm là cố gắng giữ giới, tức “đủ luật nghi”. Thánh giới quý báu mà Đức Phật trao cho chúng ta chỉ nhằm mục đích duy nhất là để “Không tập cận các khổ/ Được an vui lâu dài”. Tùy nhận thức và nỗ lực giữ giới của mỗi người để kiến tạo hạnh phúc và an vui cho mình. Nên cần phải nương tựa Pháp bằng sự thực tập chánh niệm và giữ giới để được an vui.
Phật pháp thì bao la nhưng cốt tủy vẫn là sự thực hành những điều thật dễ hiểu, gần gũi và đơn giản. Phát huy chánh niệm để biết rõ về tâm ý mà dừng lại và chuyển hóa những mầm mống bất thiện. Giữ vững giới pháp để luôn sống trong môi trường thiện lành. Làm được như vậy thì ngay trong hiện tại và cả tương lai đều được an vui.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//phathoc/2020/04/04/17d09a/