Từ phát ngôn phim 'Người phán xử' làm tăng ổ nhóm xã hội đen: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến băng nhóm tội phạm ra đời

Phát ngôn liên quan đến bộ phim 'Người phán xử' làm băng nhóm tội phạm gia tăng của vị tướng công an đã gây nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Hôm 14/9, tại cuộc họp góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), phát ngôn của Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, về phim Người phán xử gây chú ý trên mạng xã hội.

Ông Tới phát biểu: "Điều 11, về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Hiện một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình trung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.

Điển hình, mới đây, VTV1 chiếu Người phán xử, sau khi chiếu bộ phim đó thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều... Đất nước chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử cả lực lượng công an. Phán xử tất cả mà đưa vào đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này".

Phát biểu có thể là quan điểm cá nhân

Nêu quan điểm về phát biểu của Thiếu tướng công an, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết, để đánh giá những tác động tiêu cực từ một bộ phim đến xã hội một cách khoa học thì phải điều tra, đánh giá từng đối tượng, từng lứa tuổi, phải có thống kê bằng các số liệu cụ thể.

"Có thể phát ngôn của vị Thiếu tướng chỉ là quan điểm cá nhân hoặc là thông qua một vài vụ việc vi phạm pháp luật. Để nhìn nhận rõ vấn đề này cần phải có những luận cứ khoa học", luật sư Cường nói.

Ông cho rằng, ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và điện ảnh đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, việc sửa đổi Luật Điện ảnh là cần thiết. Để có thể sửa đổi bổ sung kịp thời, ban hành ra văn bản luật hoàn chỉnh, có tính khả thi và khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội hợp lý, cần phải có tổng kết thực tiễn, trên cơ sở chính sách pháp luật và nghiên cứu tham khảo luật pháp quốc tế.

Luật Điện ảnh phải là hành lang pháp lý quan trọng, tạo ra luật chơi, sân chơi trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, phải khơi gợi được sáng tạo và phát triển của điện ảnh nước nhà.

Bên cạnh đó, cũng cần chỉ ra những vấn đề tồn tại, những biến tướng, mặt trái của nó để có can thiệp, định hướng phát triển văn hóa, xã hội.

Theo luật sư, trong phim ảnh và đời thực có thể khác nhau, nhưng giá trị nghệ thuật phải thể hiện ở nội dung của tác phẩm, phải thể hiện cho người xem thấy được cái hay, cái tinh túy và định hướng về văn hóa, đạo đức con người. Nếu bộ phim bạo lực hoặc nhiều cảnh "nóng", đồi trụy được truyền bá rộng rãi thì có thể tác động tiêu cực đến nhận thức, nhân cách và đạo đức. Luật Điện ảnh cần đưa ra những quy định kiểm soát nội dung nhạy cảm, độc hại này.

Dàn diễn viên trong phim Người phán xử. Ảnh: TV.

Dàn diễn viên trong phim Người phán xử. Ảnh: TV.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến băng nhóm tội phạm ra đời

Trước câu hỏi "các băng nhóm xã hội đen ngày càng xuất hiện nhiều, liệu có nguyên nhân bị nhiễm từ phim ảnh?", luật sư Cường cho rằng 'không hẳn là vậy'. Theo ông Cường, xã hội càng phát triển thì sự liên kết của những con người trong xã hội càng lòng lẻo, xuất hiện nhiều mối quan hệ phức tạp. Tình hình tội phạm sẽ diễn biến phụ thuộc vào sự phức tạp trong xã hội.

Không chỉ Việt Nam có tình trạng băng nhóm tội phạm, mà tất cả các quốc gia khác đều có những hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi. Đấu tranh phòng, chống lại nó là trách nhiệm của bất cứ quốc gia nào.

Với nhân vật trong tác phẩm điện ảnh thường được hư cấu, phóng đại hoặc thể hiện đặc trưng của một nhóm người trong xã hội. Những đoạn phim có tính chất cổ vũ, ca ngợi đối tượng giang hồ mà được giới trẻ, người nhận thức kém tiếp cận có thể ảnh hưởng đến văn hóa và nhân cách.

"Nhưng việc định hướng, phát triển văn hóa, kiểm soát các văn hóa độc hại chỉ là một trong những biện pháp trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm", luật sư đánh giá.

Nhận xét về vai trò của lực lượng quản lý an ninh trật tự, luật sư Cường nhận thấy, những năm gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện, triệt phá các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen như ở TP HCM, Thái Bình, Nam Định.... được nhân dân khen ngợi.

Tuy nhiên, theo luật sư Cường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến băng nhóm tội phạm ra đời, trong đó có thể kể đến như: hoạt động kinh doanh xuất hiện đối tượng bảo kê chợ, bến bãi; quản lý địa bàn ở một số nơi yếu kém để nhóm người xấu tụ tập, hoành hành; đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên còn lệch lạc do môi trường giáo dục từ gia đình, nhà trường và tiếp cận bạo lực trên không gian mạng; việc phát hiện, xử lý các băng nhóm tội phạm chưa quyết liệt, có cán bộ dung túng, tiếp tay.

Để đấu tranh với ổ nhóm tội phạm, luật sư Cường cho rằng, chỉ cần lực lượng bảo vệ pháp luật mạnh mẽ, cứng rắn, có những lãnh đạo trình độ, có bản lĩnh, vì nhân dân thì mọi vấn đề đều được kiểm soát, an ninh trật tự được giữ vững.

Trước đó, trao đổi với báo chí, nhà văn Đào Trung Hiếu (Hội viên Hội nhà văn Việt Nam) nhìn nhận, tác động từ phim ảnh bạo lực, đồi trụy đến quá trình hình thành các đặc điểm tâm lý tiêu cực của con người đã được chứng minh là có thật, nhất là với người trẻ đang trong quá trình định hình nhân cách.

Ông cho rằng, việc đề xuất cơ chế tiền kiểm, hậu kiểm đối với các ấn phẩm điện ảnh, nhất là phim truyền hình chiếu rộng rãi cho quảng đại quần chúng xem là có căn cứ. Các bộ phim có nhiều cảnh bạo lực hoặc nhạy cảm… cần yêu cầu tiết chế, điều chỉnh, cắt bỏ.

Hoàng An

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tu-phat-ngon-phim-nguoi-phan-xu-lam-tang-o-nhom-xa-hoi-den-co-nhieu-nguyen-nhan-dan-den-bang-nhom-toi-pham-ra-doi-8202116919555292.htm