Từ phong trào thi đua đến những 'quả ngọt' của ngành Công thương Hà Tĩnh
Giai đoạn 2015 - 2020, các phong trào thi đua yêu nước đã tạo động lực cho Sở Công thương Hà Tĩnh hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, đáp ứng ngày càng cao sự nghiệp CNH - HĐH của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng (nay là Bí thư Thành ủy TP Hà Tĩnh) và Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng trao chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2019 vào tháng 12/2019.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng cho hay: Phong trào thi đua yêu nước của đơn vị luôn bám sát với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Ngay từ đầu mỗi năm, sở đã kịp thời phát động các phong trào thi đua yêu nước với các chủ đề, nội dung, phương pháp phù hợp yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng nghiệp vụ.
Nội dung và phương thức tổ chức ngày càng được quan tâm, đổi mới, bảo đảm tính phù hợp và khả thi. Các phong trào thi đua trong ngành luôn có chủ đề, mục tiêu, nội dung và tiêu chí rõ ràng. Nhờ đó, ngành đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Lĩnh vực công nghiệp trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh (Trong ảnh: Hoạt động xuất khẩu thép tại Formosa Hà Tĩnh).
Trong 5 năm qua, công nghiệp tăng đột biến về cả quy mô và năng lực sản xuất, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh. Tốc độ tăng trưởng sản xuất bình quân đạt 46,67%/năm, cao nhất từ trước tới nay.
Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tăng từ 12,42% (năm 2015) lên 38,9% (năm 2020). Cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất phân phối điện.
Sở Công thương kiểm tra hàng hóa tại chợ Giang Đình (Nghi Xuân) trong đợt cao điểm dịch Covid-19.
“Thời gian qua, đã có nhiều dự án công nghiệp trọng điểm hoàn thiện và đi vào hoạt động hiệu quả như các nhà máy: Formosa Hà Tĩnh, Nhiệt điện Vũng Áng 1, Chế biến gỗ MDF Vũ Quang. Sản lượng sản phẩm chủ lực tăng cao; thu hút nhiều dự án mới vào các khu, cụm công nghiệp”, ông Nguyễn Khánh Hùng - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết.
Ngành công thương đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. (Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và Giám đốc Sở công thương trao giải cho các đơn vị có gian hàng đẹp tại Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh năm 2019).
Cùng với đó, lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TM-DV) trên địa bàn cũng đã có những bước phát triển tích cực, xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Năm 2016, lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng trưởng âm 6,1%.
Từ năm 2017 đến nay, lĩnh vực này từng bước phục hồi với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 5,5%. Đặc biệt, xuất khẩu tăng mạnh với tốc độ tăng bình quân hằng năm 56,42%. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng gấp 9,7 lần so với năm 2015.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi động với nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Nguyễn Thị Cẩm Thạch chia sẻ: “Trong 5 năm qua, hạ tầng TM-DV được đầu tư nâng cấp theo hướng văn minh, hiện đại; thu hút xã hội hóa đầu tư đạt kết quả tích cực. Một số công trình TM-DV quy mô lớn đi vào hoạt động. Thị trường hàng hóa ổn định, cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được tăng cường và đi vào chiều sâu.
Sở đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các hội chợ để quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh như: tổ chức Lễ hội Cam và Sản phẩm nông nghiệp năm 2017, 2018 và 2019; xây dựng các mô hình điểm bán hàng Việt…”.
Sở Công thương Hà Tĩnh tổ chức điểm bán khẩu trang bình ổn giá trong đợt dịch Covid-19.
Trong những tháng đầu năm 2020, đơn vị đã nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, các vướng mắc, khó khăn liên quan đến dịch Covid-19. Từ đó, hỗ trợ người dân, cơ sở sản xuất thụ hưởng các gói ưu đãi của Chính phủ và rà soát, tổng hợp những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Sở Công thương kiểm tra tiến độ xây dựng chợ Sơn ở xã Thạch Đỉnh (nay là Đỉnh Bàn). Ảnh tư liệu.
Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, giai đoạn 2016 - 2020, Sở Công thương đã đỡ đầu 4 xã: Đức Thịnh (nay là Thanh Bình Thịnh), Đức Nhân (Bùi La Nhân), Thạch Lưu (Lưu Vĩnh Sơn), Thạch Đỉnh (Đỉnh Bàn) xây dựng nông thôn mới. Nhiều nội dung đỡ đầu được lồng ghép sáng tạo, từ việc huy động nguồn lực vật chất đến hướng dẫn, phát động phong trào. Cùng với đó, đơn vị cũng đã đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng văn hóa công sở, đạo đức công vụ.
“Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện tốt các phong trào thi đua, nhiều tập thể đã xây dựng đơn vị vững mạnh, thực hiện nhiệm vụ của đơn vị một cách linh hoạt, sáng tạo, mang lại hiệu quả ngày càng cao. Nhiều cá nhân đạt được nhiều thành tích trong các mặt công tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự vươn lên phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” - Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng chia sẻ.