Tự quản trong bảo vệ môi trường ở thôn Thượng Đại
Mặc dù mới triển khai từ tháng 6-2020 nhưng đến nay, mô hình 'Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường' ở thôn Thượng Đại, xã Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa) đã phát huy hiệu quả, góp phần làm cho các tuyến đường trong thôn luôn xanh - sạch - đẹp, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên rõ rệt.
Một góc thôn Thượng Đại, xã Hoằng Xuyên.
Thôn Thượng Đại nằm tách biệt với khu trung tâm của xã. Để vào thôn phải đi qua con đường bê tông nội đồng, hai bên là cánh đồng lúa rộng thênh thang. Nơi đây, từ xa xưa đã có ngôi chùa Đậu linh thiêng. Trong vài năm trở lại đây, từ khuôn viên của ngôi chùa, Nhân dân trong làng đã hiến đất, góp tiền, góp sức để trùng tu, tôn tạo, mở rộng, xây dựng nên khu văn hóa - tâm linh của thôn Thượng Đại. Không chỉ vậy, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), làng quê nơi đây có nhiều khởi sắc. Người dân trong xã Hoằng Xuyên thường nói rằng, thôn Thượng Đại hiện giờ có cảnh quan, môi trường sạch, đẹp nhất xã.
Được biết, thôn Thượng Đại là một trong 4 khu dân cư trên địa bàn tỉnh được Ủy ban MTTQ tỉnh lựa chọn để xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Mô hình được thành lập với mục đích tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở khu dân cư phát triển bền vững.
Triển khai mô hình kết hợp với việc thực hiện Kế hoạch 99 của UBND huyện Hoằng Hóa về chỉnh trang cảnh quan, bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện, giai đoạn 2019-2025, thôn đã tổ chức cho hơn 140 hộ dân ký cam kết về bảo vệ môi trường, xây dựng quy chế hoạt động của ban điều hành và tổ chức hội nghị truyền thông thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường. Thôn còn thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường để phát động Nhân dân tham gia dọn dẹp vệ sinh chung, phát quang cỏ dại, quét dọn đường làng, thu gom rác thải, chăm sóc hoa, cây xanh vào những ngày cuối tuần. Cứ vào những ngày này, khi nghe tiếng loa thông báo của thôn là người dân lại sắp xếp công việc để “xắn tay áo” tham gia dọn dẹp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trò chuyện rôm rả. Nhân dân trong thôn thống nhất ban hành quy ước về việc cấm hộ gia đình thả chó rông, chăn dắt trâu, bò trên đường làng phải giữ vệ sinh chung. Để duy trì các kết quả mà mô hình mang lại, mỗi chi hội đoàn thể trong thôn đăng ký thực hiện 1 mô hình tự quản, tiêu biểu như: đoạn đường tự quản về trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội do chi hội cựu chiến binh đảm nhận, đoạn đường tự quản về vệ sinh môi trường do chi đoàn thanh niên thực hiện; chăm sóc đường hoa là do chi hội phụ nữ; cắt tỉa đường cây là nhiệm vụ của chi hội nông dân...
Để cải tạo cảnh quan trên trục đường chính của thôn, các hộ dân đã tự nguyện hiến 350m2 đất mở rộng đường làng, lát gạch, đổ thêm bê tông; phối hợp với ngành điện di chuyển 5 cột điện tạo hành lang thông thoáng trục đường làng; vận động và hỗ trợ Nhân dân xây dựng lại 450m2 tường rào; lắp bổ sung 15 bóng điện năng lượng mặt trời dọc tuyến đường, trang trí cổng chào, gắn camera, trồng bổ sung thêm cây xanh; mua sắm 15 bộ bàn ghế đá, một số thiết bị vui chơi cho trẻ em bố trí tại các điểm dọc đường làng, tạo cảnh quan, điểm vui chơi, giải trí cho Nhân dân. Cứ đến đây vào mỗi buổi chiều, dọc trục đường chính này, môi trường sạch sẽ, không khí trong lành, phụ nữ lớn tuổi ngồi thư giãn, trò chuyện, các ông ngồi ngắm cảnh, chơi cờ; những đứa trẻ nô đùa cùng nhau trên những chiếc bập bênh hình thú... Tất cả tạo nên một bức tranh thanh bình, êm ả nơi làng quê.
Ông Trịnh Văn Tuấn, trưởng ban công tác mặt trận thôn Thượng Đại, phấn khởi chia sẻ: Thông qua việc thực hiện mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” đã làm thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Mọi người đã có ý thức bảo đảm vệ sinh môi trường trong sinh hoạt hằng ngày. Đến nay, 100% số hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 100% hộ gia đình có công trình vệ sinh, 100% số hộ tham gia chăn nuôi đều có bể chứa an toàn đối với khu vực sinh hoạt của con người. Chất thải sinh hoạt trong mỗi gia đình đều được thu gom đến đúng nơi quy định, rác thải khô được gom vào hố để đốt. Đặc biệt, tình trạng chăn thả gia súc, gia cầm không còn, túi nilon, vỏ bao bì phân hóa học ở cống rãnh không bị vứt vương vãi trên cánh đồng mà được thu gom, xử lý đúng nơi quy định. Người dân tích cực tham gia trồng cây xanh, trồng đường hoa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Điển hình như chi hội người cao tuổi, chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, chi đoàn thanh niên, cụm dân cư số 1, số 3 hay gia đình ông Trịnh Văn Kết, Trịnh Xuân Đương, Trịnh Văn Khải, bà Trịnh Xuân Hương, Lê Thị Xuân... Với những kết quả tích cực, tinh thần đoàn kết đó, Nhân dân và cán bộ thôn Thượng Đại đang nỗ lực phấn đấu để có thể trở thành thôn kiểu mẫu vào năm 2022.
“Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” là mô hình có ý nghĩa thiết thực với địa bàn nông thôn. Mong rằng, mô hình này sẽ sớm được nhân rộng ở các địa phương, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ, giữ gìn cảnh quan vì một môi trường trong lành.