Từ quý II/2025, nhiều đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ sẽ giảm
Dệt may, thủy sản và đồ gỗ là mặt hàng trong rổ hàng hóa chịu tác động mạnh nhất khi Mỹ áp thuế đối ứng 46%. Dự kiến, các đơn hàng xuất khẩu sang nước này sẽ giảm từ quý II.
Đó là thông tin tại cuộc tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 8/4. Tại cuộc tọa đàm, ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, xuất sang Mỹ hơn 16 tỷ USD/năm 2024. Chính sách thuế đối ứng của ông Trump bất ngờ và vượt xa dự báo.
Trong ngắn hạn, xuất khẩu dệt may đi Mỹ sẽ giảm bởi giá cả đắt đỏ hơn, trong khi đó, kỳ vọng đàm phán của Chính phủ và những xoay chuyển của các doanh nghiệp trong ngành sẽ giảm thiểu rủi ro. Từ quý II/2025, dự báo đơn hàng đi Mỹ sẽ giảm.

Từ quý II/2025, dự báo đơn hàng dệt may đi Mỹ sẽ giảm. Ảnh: Minh họa
Cùng chung nhóm hàng thuộc rổ hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ chịu tác động mạnh bởi thuế quan, ngành thủy sản cũng đứng ngồi không yên. Bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết các doanh nghiệp trong ngành thủy sản như "ngồi trên đống lửa" với tâm trạng hoang mang và lo lắng.
Tại thời điểm ông Trump công bố áp thuế (2/4), nước ta đang có gần 40.000 tấn thủy hải sản đang trên đường đến Mỹ và các doanh nghiệp lo ngại rằng không biết số hàng hóa này có bị áp thuế 46% ngay hay không.
Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ chịu riêng mức thuế 46%, mà còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá..., nên tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%.
Mặt khác, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thường sử dụng phương thức giao hàng CIF - chịu toàn bộ chi phí vận tải, bảo hiểm và thuế trước khi giao hàng cho đối tác, do đó, mức thuế mới của Mỹ tác động trực tiếp lên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lo lắng không biết các hợp đồng đã ký kết sẽ phải tính toán lại như thế nào với mức thuế đối ứng mới. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã dừng ngay việc ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu, điều này dẫn đến việc họ phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024. Mỹ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 53,1%.
Doanh nghiệp thủy sản còn đang e ngại việc sẽ mất thị trường Mỹ trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng như tôm sú, cá tra..., vì thị trường này chiếm tới 1,8 - 2,1 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, tác động đến cuộc sống của hàng triệu nông - ngư dân và doanh nghiệp trong ngành.
Tương tự, thông tin từ Hiệp hội Gỗ, lâm sản Việt Nam (Viforest), 5 ngày qua, doanh nghiệp gỗ sống trong những thời điểm rất “sốc”. Việc Mỹ áp thuế 46% với mặt hàng nhập của Việt Nam là “đòn” đánh rất mạnh vào công nghiệp gỗ.
Việt Nam trong những năm gần đây là quốc gia hàng đầu chế biến, xuất khẩu gỗ chỉ sau trung Quốc. Tại Mỹ, xuất khẩu 38- 40% tổng kim ngạch gỗ lên tới 9,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao. Nếu như từ ngày 9/4, rất nhiều sản phẩm gỗ sang Mỹ chịu mức thuế 46%, doanh nghiệp không còn biên độ lợi nhuận.
"Sở dĩ chúng ta xuất vào Mỹ lớn vì cần nhau, chúng tôi tính khoảng 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ có chế biến sản phẩm xuất, 1 triệu hộ nông dân, toàn bộ chuỗi cung ứng này chắc chắn bị tác động bởi thuế quan này" - ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Viforest nói.