Từ roi vọt đến đồng hành Hành trình của một người cha có con mắc ADHD

Tại Việt Nam, nhiều trẻ em mắc ADHD nhưng không được phát hiện sớm. Các em thường bị hiểu lầm, bị đánh mắng, bị bỏ lơ. Nhiều người nghĩ rằng ADHD chỉ là cái cớ để biện minh cho sự lười biếng, nghịch ngợm của trẻ. Nhưng nếu ta nhìn sâu hơn, lắng nghe kỹ hơn, ta sẽ thấy chúng đã cố gắng biết bao nhiêu.

Từ roi vọt đến đồng hành Hành trình của một người cha có con mắc ADHD. Ảnh: TL

Từ roi vọt đến đồng hành Hành trình của một người cha có con mắc ADHD. Ảnh: TL

Sau khi nghe tôi nói về vấn đề của con anh đang có, người đàn ông với dáng người rắn rỏi, nước da sạm nắng, đôi tay chai sạn vì lao động nặng nhọc ngồi bệt xuống sàn phòng khám, mắt nhìn lên trần, thẫn thờ. Tôi chợt thèm ngồi xuống cạnh anh như hai người bạn. Vài phút sau, anh đưa tay quệt giọt nước nơi khóe mắt, ngượng nghịu ngồi lên ghế, lẩm bẩm lời xin lỗi rồi tiếp tục buổi khám.

Lời người cha

Tôi làm nghề bốc vác ở chợ đầu mối, vợ tôi buôn gánh bán bưng. Không giàu có, nhưng vợ chồng tôi luôn tâm niệm: “Dù nghèo cũng phải cho con học, để đời nó đỡ khổ hơn đời mình”.

Hồi nhỏ, thằng Tí học giỏi lắm. Lớp một, lớp hai lúc nào cũng nằm trong tốp đầu của lớp. Tôi tự hào lắm, cứ nghĩ con mình thông minh, sau này chắc sẽ khá hơn cha nó. Nhưng rồi lên lớp ba, thằng nhỏ thay đổi. Nó không chịu ngồi vào bàn học, bài tập thì để đó, tôi la mắng, vợ tôi năn nỉ, thằng nhỏ chỉ cúi đầu. Tôi tức lắm, đánh nó vài roi, nó khóc, hứa sẽ cố gắng. Nhưng lần nào cũng vậy, cứ cầm sách vở là nó lại như mất hồn.

Tôi nghe người ta nói có thuốc giúp thông minh hơn, hai vợ chồng dành dụm mua về cho nó uống. Nhưng nó vẫn lười, vẫn học dở. Cô giáo than phiền hoài, nói thằng nhỏ mất tập trung, lúc thì ngồi ngơ ngác, lúc thì nghịch ngợm. Tôi lại tức, lại đánh. Tôi nghĩ chắc nó ham chơi, không chịu học. Tôi nghĩ mình làm vậy là tốt cho nó, để nó vào khuôn khổ. Nhưng không…

Hôm nay, khi nghe bác sĩ nói con tôi có “bịnh”, đầu tôi như nổ tung. Tôi cứ ngồi đó, không thể tin nổi…

Hóa ra… tôi sai. Tôi sai thật rồi.

Trước giờ, tôi cứ tưởng nó lười biếng, hư hỏng. Nhưng nó bị “bịnh”. Nó không muốn như vậy, nó đã cố gắng. Tôi không biết, tôi chỉ biết la, biết đánh. Tôi thấy mình có lỗi quá…

Tôi nhớ lại hồi nhỏ, tôi cũng thích học lắm, nhưng không học được vì cứ ngồi xuống là đầu óc bay đi đâu mất. Lúc đó, tôi nghĩ mình lười học, không có chí, rồi đành bỏ ngang. Giờ mới biết có “bịnh” kiểu này…

Lời của con

Con tên là Mạnh (tên bệnh nhân đã được thay đổi), năm nay 9 tuổi. Con thích chơi lego, thích vẽ, thích coi phim hoạt hình. Con thích đi học nữa, mà chỉ thích giờ chơi thôi, giờ học con sợ lắm.

Lúc nhỏ con học giỏi, con còn nhớ ba hay khoe con với mấy cô chú hàng xóm. Nhưng lên lớp ba, con không còn giỏi nữa. Con cố gắng lắm, nhưng khi cô giảng bài, con nghe được một chút rồi đầu con như bị gió thổi bay đi đâu đó. Con nhìn vào sách, chữ cứ nhảy nhót, có khi con đọc xong mà không nhớ gì hết.

Ba mẹ nói con lười, nhưng con không muốn như vậy đâu. Con muốn tập trung lắm, nhưng không làm được. Có khi con thấy mình rất thông minh, trả lời câu hỏi của cô rất nhanh, nhưng cũng có khi con thấy mình ngu ngốc, không nhớ nổi một phép toán đơn giản. Ba giận con, đánh con, nói con là đứa vô dụng. Con buồn lắm…

Hôm nay, bác sĩ nói con bị bệnh. Bác sĩ ơi, có cách nào giúp con hết bệnh không? Con muốn giống như các bạn khác, con muốn được ba mẹ khen…

… Người cha lặng người sau khi nghe chẩn đoán. Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder - ADHD), hay còn gọi là rối loạn tăng động kém tập trung, là một trong những rối loạn phổ biến khiến trẻ gặp khó khăn khi học tập và hòa nhập xã hội. Khoảng 5-7% trẻ em trong độ tuổi đi học mắc rối loạn này. ADHD có ba dạng chính: (1). Dạng kém chú ý chiếm ưu thế, thường gặp ở nữ, trẻ khó tập trung, hay quên, dễ mất phương hướng; (2). Dạng tăng động chiếm ưu thế, thường gặp ở nam, trẻ hiếu động quá mức, nói nhiều, không thể ngồi yên, bốc đồng; (3). Dạng kết hợp, bao gồm cả hai triệu chứng trên.

ADHD là một rối loạn phát triển thần kinh có nguyên nhân phức tạp, liên quan đến sự kết hợp giữa yếu tố di truyền, bất thường trong hoạt động não bộ và ảnh hưởng từ môi trường. Nhiều nghiên cứu cho thấy ADHD có tính di truyền cao, khi cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc ADHD, trẻ có nguy cơ mắc cao hơn. Ngoài ra, sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và norepinephrine trong não, đặc biệt là ở các vùng liên quan đến kiểm soát chú ý và hành vi, cũng đóng vai trò quan trọng. Một số yếu tố khác như sinh non, nhẹ cân, phơi nhiễm chất độc trong thai kỳ (như rượu, thuốc lá, chì) cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ADHD. Tuy nhiên, ADHD không phải do cách nuôi dạy con hay do trẻ “lười biếng”, mà là một rối loạn thực sự cần được nhận diện và hỗ trợ đúng cách.

ADHD có thể được điều trị nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Điều trị chủ yếu gồm thuốc giúp cải thiện sự tập trung và các kỹ thuật điều chỉnh hành vi của trẻ, đặc biệt là huấn luyện kỹ năng cho cha mẹ và giáo viên.

… Người cha ngồi im vài phút, rồi bỗng cúi đầu, giọng run run: “Bác sĩ… giúp em với”. Tôi cũng lặng người đôi chút, cả hai đều biết, đó không chỉ là lời cầu xin giúp con, mà còn là sự ăn năn muộn màng của một người cha.

Những buổi tái khám sau, Mạnh tiến bộ dần. Dùng thuốc, kết hợp với những kỹ thuật hỗ trợ, thằng bé học tốt hơn, không còn sợ hãi khi đến trường. Người cha, người từng đánh con để ép con học, giờ lại là người kiên nhẫn cùng con làm bài tập.

Chúng ta có thể chưa thay đổi được tất cả, nhưng có lẽ, ta có thể thay đổi một điều nhỏ: Đừng vội trách mắng con khi con chưa làm được điều gì đó. Hãy dừng lại, nhìn con, lắng nghe con. Và có lẽ, cũng giống như người cha kia, ta sẽ hiểu con mình.

Rồi một ngày nọ, anh đến, đặt tay lên bàn tôi, cười mà nước mắt lưng tròng: “Bác sĩ ơi, lâu lắm rồi tôi mới được nghe cô giáo khen con mình học giỏi”.

Anh đặt lên bàn một chục cam vàng óng, nói rằng đó là những quả ngon nhất vợ anh bán ngoài chợ, đích thân anh lựa để tặng bác sĩ. Tôi mỉm cười, biết rằng anh đã thực sự hiểu con mình.

Tại Việt Nam, nhiều trẻ em mắc ADHD nhưng không được phát hiện sớm. Các em thường bị hiểu lầm, bị đánh mắng, bị bỏ lơ. Nhiều người nghĩ rằng ADHD chỉ là cái cớ để biện minh cho sự lười biếng, nghịch ngợm của trẻ. Nhưng nếu ta nhìn sâu hơn, lắng nghe kỹ hơn, ta sẽ thấy chúng đã cố gắng biết bao nhiêu.

Nếu một đứa trẻ sốt, ta sẽ đưa nó đi khám. Nhưng nếu một đứa trẻ gặp khó khăn trong học tập, hành vi, giao tiếp, liệu ta có đủ bao dung để hiểu rằng có thể nó đang cần giúp đỡ?

Chúng ta có thể chưa thay đổi được tất cả, nhưng có lẽ, ta có thể thay đổi một điều nhỏ: Đừng vội trách mắng con khi con chưa làm được điều gì đó. Hãy dừng lại, nhìn con, lắng nghe con. Và có lẽ, cũng giống như người cha kia, ta sẽ hiểu con mình.

Tài liệu tham khảo: https://www.cdc.gov/adhd/index.html

TS.BS. Phạm Minh Triết

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tu-roi-vot-den-dong-hanh-hanh-trinh-cua-mot-nguoi-cha-co-con-mac-adhd/