Tủ sách tiếng Việt: Nhịp cầu kết nối văn hóa cho người Việt ở ngước ngoài
Tủ sách tiếng Việt không chỉ là nguồn tài liệu quý báu mà còn là nhịp cầu kết nối văn hóa giúp thế hệ người Việt ở xa quê duy trì ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.
Từ năm 2022 đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài triển khai sáng kiến tủ sách tiếng Việt nhằm mang đến nguồn tài liệu tiếng Việt phong phú và đa dạng cho cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.
Dự án này đã nhanh chóng lan tỏa và trở thành một phần không thể thiếu trong việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt, văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Việt xa quê.
Hiện nay, các tủ sách này đã có mặt ở nhiều nơi có đông đảo người Việt sinh sống như Pháp, Hungary, Cộng hòa Séc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).
Tủ sách tiếng Việt gồm nhiều thể loại: tài liệu dạy và học tiếng Việt; truyện tranh cho trẻ em; tài liệu tham khảo, bổ trợ nâng cao (gồm các sách tham khảo giúp nâng cao khả năng đọc hiểu tiếng Việt, đưa người đọc đến với kho tàng văn học dân gian, văn học đương đại của Việt Nam); sổ tay, từ điển tra cứu, tài liệu chuyên khảo về tiếng Việt dành cho những người dạy và nghiên cứu tiếng Việt;….Mục tiêu của dự án là mang đến một môi trường học tập, trau dồi tiếng Việt đa dạng và đầy đủ cho những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, từ trẻ em đến người lớn.
Tủ sách tiếng Việt - hành trình mang ngôn ngữ mẹ đẻ đến với kiều bào
Người Việt tại châu Âu gặp khá nhiều khó khăn, thách thức khi muốn tìm mua sách tiếng Việt. Chị Nguyễn Ngọc Ánh, sinh sống tại Paris (Pháp) được 10 năm, chia sẻ: “Tại Paris, không dễ gì tìm được sách tiếng Việt ở các thư viện hoặc hiệu sách. Chúng tôi thường phải tìm đến các thư viện của các trường đại học có giảng dạy văn hóa châu Á, may mắn mới có thể tìm thấy một vài cuốn sách cơ bản, đôi khi nửa tiếng Việt, nửa tiếng nước ngoài".
Chị Hương Trà, hiện đang sinh sống và làm việc tại Budapest (Hungary), chia sẻ rằng để có được một quyển sách tiếng Việt, chị thường phải nhờ bạn bè hoặc gia đình gửi từ Việt Nam sang, hoặc tranh thủ những lần về thăm quê để mang sách theo.
Chị Ánh bày tỏ sự cảm kích đối với sáng kiến của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sự xuất hiện của tủ sách tiếng Việt tại Trung tâm văn hóa Việt Nam ở Paris thực sự là một món quà quý giá. Tủ sách không chỉ giúp người lớn mà còn hỗ trợ các em nhỏ sinh ra và lớn lên tại nước ngoài trong việc học tiếng mẹ đẻ.
“Tủ sách tiếng Việt không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài mà còn có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, đối với trẻ em và thanh niên sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, tủ sách này là cầu nối giúp các em tiếp cận với ngôn ngữ mẹ đẻ, từ đó trau dồi tiếng Việt và hiểu biết về quê hương. Nhiều bậc phụ huynh, dù đã xa quê nhiều năm, vẫn mong muốn con em mình không quên đi ngôn ngữ của dân tộc và giữ được mối liên kết với cội nguồn.
Ngoài ra, Tủ sách tiếng Việt còn là nguồn tài liệu hữu ích cho những người đang học tiếng Việt, đặc biệt là sinh viên theo học ngành ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại các trường đại học nước ngoài. Những cuốn sách không chỉ giúp họ nắm vững kiến thức ngôn ngữ mà còn cung cấp những góc nhìn sâu sắc về văn hóa, lịch sử và phong tục tập quán của người Việt”, chị Ánh chia sẻ thêm.
Chị Ngọc Anh, người đã sinh sống ở Pháp được 4 năm chia sẻ, tại các quốc gia như Pháp hay Cộng hòa Séc, nơi có cộng đồng người Việt đông đảo, tủ sách tiếng Việt đã tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với nhiều loại sách khác nhau, từ sách giáo khoa, tài liệu dạy và học tiếng Việt, đến các tác phẩm văn học, truyện tranh và sách tham khảo nâng cao. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập mà còn là cầu nối giúp người Việt kiều kết nối với quê hương qua những trang sách.
Theo chị Ngọc Anh, giá trị của Tủ sách tiếng Việt không thể đo lường được hết. Để phát triển hơn, chị Ngọc Anh hy vọng có thể tăng thêm các đầu sách, phân loại sách theo độ tuổi. Việc phân loại sách theo độ tuổi và nhu cầu người đọc. Điều này sẽ giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm tài liệu phù hợp với mình, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng tủ sách.
Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ 4.0, việc tăng cường sách điện tử và phát triển nền tảng sách trực tuyến cũng là một hướng đi quan trọng trong thời đại công nghệ số. Việc truy cập sách điện tử hiện nay rất phổ biến, đặc biệt là với thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong môi trường số hóa. Do đó, việc cung cấp các đầu sách tiếng Việt ở cả hình thức truyền thống và điện tử sẽ giúp cộng đồng người Việt kiều tiếp cận dễ dàng hơn với văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam.
Trong tương lai, dự án có thể mở rộng phạm vi sang nhiều quốc gia khác, đặc biệt là những nơi có đông người Việt sinh sống nhưng chưa có điều kiện tiếp cận sách tiếng Việt. Đồng thời, việc tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi về văn hóa và ngôn ngữ giữa người Việt trong nước và kiều bào cũng sẽ góp phần củng cố mối quan hệ bền chặt hơn giữa cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.
Tủ sách tiếng Việt không chỉ đơn thuần là những cuốn sách, mà còn là biểu tượng của sự kết nối văn hóa, ngôn ngữ giữa người Việt trong và ngoài nước. Với những nỗ lực không ngừng từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, dự án này đã và đang mang lại những giá trị thiết thực, giúp cộng đồng người Việt trên khắp thế giới không chỉ duy trì mà còn phát triển tiếng Việt và văn hóa quê hương.
Được biết, trong thời gian tới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ liên tục cập nhật và bổ sung các ấn phẩm, tài liệu mới nhất cho tủ sách Tiếng Việt, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và tìm hiểu về Việt Nam ngày càng đa dạng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.