TƯ sẽ ban hành các nghị quyết đặc biệt về giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Chủ tịch Quốc hội cho biết, sắp tới, Trung ương sẽ ban hành các nghị quyết đặc biệt liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Cho ý kiến tại tổ trong sáng nay (23/5), thảo luận về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội đồng hành với Chính phủ tiếp tục cải cách thể chế pháp luật mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Toàn cảnh cuộc thảo luận tại tổ

Toàn cảnh cuộc thảo luận tại tổ

Trung ương sẽ ban hành các nghị quyết đặc biệt về giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, các nghị quyết của Đảng đã nhận diện, điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế, tiếp theo là chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư kết cấu hạ tầng. Chính vì vậy, nhiệm kỳ này, đặc biệt là các Kỳ họp thứ 7,8 và hiện nay, cùng với kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội, Chính phủ đã và đang nỗ lực tập trung tháo gỡ thể chế để tạo điều kiện cho đất nước phát triển, tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, sắp tới, Trung ương sẽ ban hành các nghị quyết đặc biệt liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, kinh tế thế giới sụt giảm cả về sức mua và bán. Trong nước tiến hành sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp chính quyền 2 cấp. Giữa tháng 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua đơn vị cấp xã.

Nếu Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ 1/7... Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến chỉ đạo, điều hành kinh tế- xã hội; an ninh quốc phòng của các địa phương. Trong khi mục tiêu đề ra phải đạt tăng trưởng năm 2025 là 8% và đến 2030 là 2 con số.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát tốt, lãi suất cho vay giảm, người dân tiếp cận dư nợ tín dụng tích cực, đặc biệt là lĩnh vực lâm, thủy sản. Điều này cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế mũi nhọn. Xuất khẩu tăng với các mặt hàng là hồ tiêu, nông, lâm thủy sản, sản lượng lúa tăng nhờ diện tích gieo cấy mở rộng, du lịch bứt phá; an sinh xã hội đời sống nhân dân được cải thiện; xây dựng nhà ở cho người dân được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, 6 tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn như nền kinh tế của nước ta sẽ bị ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới, căng thẳng thương mại gia tăng, các chính sách bảo hộ từ các nền kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; đồng thời chỉ ra những hạn chế chủ quan trong nước, đó là tiến độ giải ngân đầu tư công giảm, tiến độ chậm, sức mua chậm, cầu tiêu dùng trong nước chưa mạnh mẽ. Cho dù có nhiều cuộc phát động mạnh mẽ của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng muốn người tiêu dùng mua thì hàng phải chất lượng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong mấy tuần qua, vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng với nhiều tấn hàng khủng được phanh phui. Từ đó đặt ra câu hỏi: Luật đã có, Ban Chỉ đạo đã có từ Trung ương đến địa phương nhưng tại sao để hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra với một số lượng lớn? Do đó, vấn đề này phải kiểm điểm, cái chính là địa phương phải tăng cường quản lý thị trường, các cơ quan chức năng phải vào cuộc để người tiêu dùng tin tưởng. "Bây giờ báo đài, phương tiện đưa tin người dân cũng rất hoang mang, lo sợ ăn gì, uống gì", Chủ tịch Quốc hội nói.

Triển khai thực hiện tốt các nghị quyết đã ban hành

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Chính phủ cần tăng cường đầu tư công; thúc đẩy khoa học, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là trong bối cảnh hiện nay; tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường ra nhiều nước; tiếp tục cải thiện an sinh xã hội. Nhất là vấn đề sắp xếp bộ máy, khi cán bộ, công chức nghỉ việc sau sắp xếp sẽ làm gì.

"Quốc hội đồng hành cùng với Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục cải cách thể chế pháp luật mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu thật sự tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Quốc hội làm việc hết sức tích cực, khẩn trương. 2 nghị quyết vừa qua được Quốc hội ủng hộ rất cao. Đó là Nghị quyết 66, Nghị quyết 68 của Đảng bằng Nghị quyết Quốc hội 197 và 198. Việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội không đầy 2 tuần mà chúng ta thông qua được hai nghị quyết này phải nói là lịch sử", Chủ tịch Quốc hội đồng thời cho biết, về kinh tế tư nhân, Đảng đã có Nghị quyết 68, Quốc hội thông qua Nghị quyết 198, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 193. Bây giờ khâu tổ chức triển khai thực hiện làm sao cho tốt, để 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng được 8%.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của ĐQBH tham gia thảo luận ở tổ, hội trường và bấm nút thông qua nghị quyết trong hai tuần làm việc vừa qua với sự đồng thuận cao, điều này đã thể hiện nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm cao của các ĐBQH; đồng thời cũng đề nghị ngoài phát biểu ở tổ, hội trường, các ĐBQH có thể hiến kế, đóng góp bằng văn bản đến các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý.

Lê Tuyết/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tu-se-ban-hanh-cac-nghi-quyet-dac-biet-ve-giao-duc-va-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-post1201616.vov