Từ sóc Bom Bo nghĩ về Sa Lôn!

Nếu bạn có dịp về với mảnh đất Bình Phước thì hãy một lần đến sóc Bom Bo, để được chiêm ngưỡng nền văn hóa đặc sắc của người S'tiêng qua các hiện vật và hòa mình vào tiếng nhạc cồng chiêng bên đốm lửa hồng. Đặc biệt sẽ nghe giới thiệu về phong trào giã gạo nuôi quân của đồng bào S'tiêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ấn tượng về lịch sử và văn hóa

Dù nghe danh sóc Bom Bo (thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đã lâu, nhưng mãi đến tháng 8 vừa qua, chúng tôi mới đặt chân đến, khi có dịp về Bình Phước tham gia hội thảo báo Đảng khu vực miền Đông Nam bộ và được các đồng nghiệp Báo Bình Phước đưa đến tham quan Trung tâm bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Có lẽ ấn tượng đầu tiên của mỗi du khách khi đặt chân đến nơi đây là được chiêm ngưỡng bộ đàn đá nặng 20 tấn, được nghe nghệ nhân đánh đàn với âm thanh phát ra từ đá hết sức lạ lẫm nhưng thánh thoát, trong trẻo; chiêm ngưỡng bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam với tổng khối lượng gần 3,5 tấn, cùng với những dụng cụ, nông cụ hết sức độc đáo dùng trong sinh hoạt và lễ hội của người S’tiêng. Ngoài những hiện vật trên, cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử khác, sóc Bom Bo trở đã thành điểm du lịch nổi tiếng, với nhiều trải nghiệm thú vị khi không chỉ tham quan hiện vật lịch sử, du khách còn thưởng thức ẩm thực truyền thống của đồng bào S’tiêng; hòa vào tiếng cồng chiêng, điệu múa, lời ca từ các chàng trai, cô gái S’tiêng. Đặc biệt hơn, du khách còn nghe các hướng dẫn viên thuyết minh về truyền thống giã gạo nuôi quân của người S’tiêng…

Khách tham quan thưởng thức đàn đá từ các nghệ nhân người S’tiêng.

Khách tham quan thưởng thức đàn đá từ các nghệ nhân người S’tiêng.

Chị Hoàng Thị Thu Hương, hướng dẫn viên giới thiệu với đoàn cho biết: Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, là nơi lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người S’tiêng. Đồng thời, sóc Bom Bo là địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử địa phương với phong trào giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng trong kháng chiến chống đế quốc xâm lược. Theo đó, với lòng yêu nước nồng nàn, một lòng, một dạ sắt son với Đảng, với cách mạng, chỉ trong ba ngày đêm, đồng bào S’tiêng đã giã được 5 tấn gạo để cung cấp lương thực cho chiến dịch Đồng Xoài – Phước Long năm 1965, đồng thời tiếp tế lương thực cho bộ đội tiêu diệt địch ở phía Bắc chiến khu Đ. “Lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần sáng tạo của đồng bào S’tiêng đã trở thành nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác nên bài hát nổi tiếng “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, được mọi người biết đến và sóc Bom Bo trở thành “địa chỉ đỏ” để du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử”, chị Hương nói thêm.

Đêm hội cồng chiêng tại sóc Bom Bo

Đêm hội cồng chiêng tại sóc Bom Bo

Nghĩ về Sa Lôn

Trong cảm giác men say hòa quyện với núi rừng, không ít thành viên trong đoàn Báo Bình Thuận nghĩ về Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống đế quốc tại rừng Sa Lôn, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, khi có những nét tương đồng mà chúng ta có thể hình thành thêm những sản phẩm, dịch vụ bên cạnh để phát triển du lịch gắn với giáo dục truyền thống cách mạng tại địa phương.

Du lịch gắn với thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa ngày càng được du khách quan tâm.

Du lịch gắn với thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa ngày càng được du khách quan tâm.

Căn cứ Sa Lôn được đưa vào hoạt động tháng 2/2023 với diện tích hơn 10 ha. Từ khi đưa vào hoạt động, nơi đây đã trở thành điểm hành trình về “địa chỉ đỏ” không chỉ với cán bộ, nhân dân và học sinh trong tỉnh, mà còn du khách ngoài tỉnh biết đến khi trên cung đường gắn liền với điểm du lịch Đa Mi và xa hơn là Bảo Lộc hay Đà Lạt. Tuy nhiên hiện nay du khách đến với Căn cứ Sa Lôn chỉ mới dừng lại ở việc tìm hiểu về lịch sử hình thành, quá trình sống và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ của Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến. Với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên xanh đẹp, hữu tình (hơn hẳn sóc Bom Bo), nhiều du khách đến đây đã tỏ ra tiếc nuối nếu như chúng ta triển khai, lồng ghép thêm các mô hình dịch vụ kèm theo bên cạnh, để điểm đến này ngoài mục đích giáo dục truyền thống cách mạng, thì du khách sẽ có thêm các dịch vụ để trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Bởi lẽ xét về truyền thống lịch sử, người dân tộc thiểu số ở địa phương Đông Giang, La Dạ, Đông Tiến cũng có những nét văn hóa và những sản phẩm đặc trưng như: rượu cần, lá bép, heo đen bản địa, cùng với những sản vật cá đặc trưng của sông hồ địa phương như cá tầm, cá lăng, cá bống, cá lìm kìm… Sản vật trái cây thì có sầu riêng, chôm chôm… có thể kết hợp phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử.

Để phát huy các giá trị của các khu di tích lịch sử, đặc biệt là các di tích có tính chất giáo dục truyền thống cách mạng, thì cũng cần đa dạng các sản phẩm để thu hút, đáp ứng thêm nhu cầu của du khách, như sóc Bom Bo hay Khu Di tích Xẻo Quít, Căn cứ Tỉnh ủy Đồng Tháp trong kháng chiến cứu nước chẳng hạn.

PHÚC SINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tu-soc-bom-bo-nghi-ve-sa-lon-123764.html