'Tự soi, tự sửa' để tháo gỡ vướng mắc
Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo của Chính phủ cho biết, 22 lĩnh vực trọng tâm được nêu tại nghị quyết, có 16 văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo...
Ngày 1-11, thảo luận ở hội trường tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV về nội dung rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 về kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu nhận định, kết quả rà soát đã góp phần làm sáng rõ bức tranh tổng thể về chất lượng của hệ thống pháp luật; nhất là đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế hiện nay nằm ở đâu: quy định pháp luật hay tổ chức thực hiện.
Chưa bàn đến việc tổ chức thực hiện, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo của Chính phủ cho biết, 22 lĩnh vực trọng tâm được nêu tại nghị quyết, có 16 văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo; 104 văn bản có quy định bất cập hoặc vướng mắc. Với các văn bản không thuộc 22 lĩnh vực trọng tâm, có 99 nội dung có bất cập, vướng mắc…
Đối chiếu với chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, một số văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo cơ bản sẽ được giải quyết trong các dự luật sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản) và kỳ họp thứ 7 (Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược)… Một số vấn đề khác đã có trong chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 và theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15.
Tuy nhiên, số lượng văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo lại chiếm tỷ lệ không lớn, khoảng 6,5% số đã rà soát. Việc khó hơn nhiều là tháo gỡ những vướng mắc, bất cập nằm ở một số lượng rất lớn các văn bản hướng dẫn thi hành (nghị định, thông tư). Đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến ách tắc, chậm trễ trong hành chính công do cán bộ công chức sợ sai, e dè không dám quyết.
Để kịp thời tháo gỡ, việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật không thể chỉ làm theo đợt mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Và tốt nhất là “tự soi, tự sửa”, tuân thủ nghiêm túc quy định về trách nhiệm, cách thức tổ chức rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát.
Như thế, tất cả các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều phải vào cuộc chứ không chỉ là các cơ quan giám sát.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tu-soi-tu-sua-de-thao-go-vuong-mac-post712376.html