Từ Stonehenge nghĩ về việc bãi san hô Hòn Yến bị giẫm đạp
Việc một nhóm nghệ sĩ nhiếp ảnh từ địa phương khác đến chụp ảnh, giẫm đạp lên rạn san hô ở Hòn Yến – một danh thắng du lịch ở Phú Yên – khiến dư luận vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng này, phải nói thẳng là do cách quản lý và quy hoạch du lịch các danh thắng của ngành du lịch tỉnh này.
Rạn san hô Hòn Yến – Phú Yên. Ảnh: Hồ Văn Trung
Từ cách làm ở Stonehenge
Stonehenge là một công trình tượng đài cự thạch thời kỳ đồ đá mới và thời kỳ đồ đồng gần Amesbury, hạt Wiltshire (Anh), thu hút rất nhiều du khách vì sự độc đáo và huyền bí của nó. Các nhà khảo cổ cho rằng những cột đá này có từ 2.500-2.000 năm trước Công nguyên. Quần thể này và vùng phụ cận đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1986.
Cách người Anh tổ chức cho du khách tham quan Stonehenge rất đáng học hỏi. Tất cả xe cộ đều dừng ở điểm tập kết cách Stonehenge 1 ki lô mét và du khách sẽ đi bộ đến đó. Không một phương tiện gây tiếng ồn xuất hiện, chỉ thỉnh thoảng có vài chiếc xe điện đưa người già, người khuyết tật đi xem di sản.
Khu vực hiện diện quần thể đá có đường kính chừng 500 mét, nhưng tất cả đều có hàng rào mềm cách di sản chừng 5 mét. Du khách chỉ đi vòng tròn ngắm nhìn di sản, chụp hình từ xa, không được tiếp cận, sờ vào hiện vật, dù chỉ là những phiến đá.
Điều đáng nói nữa là toàn bộ vùng bình nguyên có sự hiện diện của di sản rộng hàng chục héc ta, chính quyền hạt Wiltshire không cho người dân trồng loại cây gì quá cao, nhằm giúp du khách nhìn thấy di sản từ trên cao, từ xa. Và từ nguồn thu khổng lồ từ tiền vé tham quan, tiền dịch vụ, chính quyền địa phương dành cho các hoạt động phúc lợi của cộng đồng.
Đến cách bảo vệ Gành Đá Dĩa, Hòn Yến, Bãi Xép
Quy hoạch ở Gành Đá Dĩa có nhiều điểm bất hợp lý. Việc toàn bộ khu hậu cần từ dịch vụ đến nhà vệ sinh bố trí ngay bên trên thắng cảnh vừa phá vỡ cảnh quan, vừa gây ô nhiễm mạch nước ngầm về lâu dài.
Một nhóm nhiếp ảnh gia trong lúc tác nghiệp ở Hòn Yến đã giẫm lên cả rạn san hô.Ảnh: Phong Điền
Việc dùng bê tông khi xây dựng cơ sở dịch vụ gần di tích gần như phá hỏng toàn bộ cảnh quan di tích bằng đá tự nhiên do núi lửa phun trào.
Nên quy hoạch toàn bộ khối dịch vụ phục vụ cho du khách càng xa di tích càng tốt, ít nhất cũng nằm hết về phía trái con đường từ An Ninh Đông dẫn xuống di tích, trước khi rẽ vào Gành Đá Dĩa. Nên trồng thêm nhiều cây xanh và dành toàn bộ tuyến đường đó cho khách đi bộ, tạo cho họ cảm giác háo hức để đến và nhìn thấy di tích.
Cũng nên tạo một không gian dừng chân cho du khách check-in ngay tại vị trí cao nhất ngắm nhìn toàn cảnh Gành Đá Dĩa từ trên cao. Khi đó, gành Đá Dĩa như một phần thưởng xứng đáng, cảm xúc đầu tiên tinh khôi dành cho du khách sau chặng đường dài đến Phú Yên và nhất là sau chặng đường đi bộ đầy háo hức.
Điều đáng nói nhất là giải pháp để du khách không giẫm lên di tích khi bắt đầu bước xuống và đi vào lòng di tích. Điều này càng quan trọng đối với Hòn Yến, nơi có rạn san hô được hình thành từ hàng triệu năm trước.
Không ít du khách phàn nàn, đến Gành Đá Dĩa, Hòn Yến chỉ nhìn thấy biển người, chen chân lên xuống, xả rác, có chụp được tấm hình nào để thấy hết vẻ đẹp của danh thắng đâu. Ai có chút kinh nghiệm thì đi thật sớm để đón ánh bình minh hoặc lúc chiều tà để tránh biển người.
Nhiều du khách thất vọng khi đến Bãi Xép, địa điểm gắn với hình tượng “hoa vàng trên cỏ xanh” trong tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh được đạo diễn Victor Vũ đưa lên bộ phim có cùng tên. Du khách mang cảm hứng từ truyện, từ phim đến Bãi Xép háo hức đi tìm hoa vàng thì chỉ thấy lác đác cỏ xanh, cây bàn chải, thậm chí là rác. Lẽ ra phải thiết kế một khu vực với những luống hoa vàng, vài điểm check-in trên mỏm đá để du khách có những tấm hình kỷ niệm, việc này hoàn toàn trong tầm tay đơn vị khai thác du lịch.
Còn việc bảo tồn các danh thắng này bằng cách nào? Việc cần làm khẩn trương là thiết kế, xây dựng những lối đi giúp du khách ngắm nhìn được hết các góc độ của gành Đá Dĩa, Hòn Yến mà không giẫm lên mặt đá, rạn san hô.
Cách mà nhiều nước khác đã làm đối với những di tích kiểu như gành Đá Dĩa, Hòn Yến là xây dựng những lối đi cách mặt đất chừng 20-30 cen ti mét, mỗi lối đi chỉ vừa cho một người, vừa không chiếm không gian của danh thắng, vừa giúp người đi lối này có thể chụp ảnh giúp người đi lối kia và ngược lại.
Hai lối đi thường thiết kế không quá xa, băng qua những góc đẹp nhất để du khách có được những bức ảnh ưng ý nhất. Và thường là chỉ có một chiều vào rồi ra, không quay trở lại. Điều này giúp bảo vệ được danh thắng, hạn chế tình trạng mất trật tự mà vẫn giúp du khách ghi lại trọn vẹn khoảnh khắc khi đến với danh thắng.
Phong Điền