Tự sự của người đu show Chông gai
Sáng mùa đông rét ngọt, nửa ngày nữa mới mở màn mà chúng tôi đã nai nịt, sắm sửa bộ hành để hòa vào dòng người đang hẹn nhau cùng gào 'gọi tôi là lửa' (call me by fire) cách trung tâm Hà Nội hai chục cây số. Tan cuộc, đêm hôm khuya khoắt mà cứ như thể chính ngọ, vô cùng náo nhiệt. Chuyện này ngoài Anh trai vượt ngàn chông gai thì làm gì có ai từng trải qua.
NGHỀ CHƠI CŨNG LẮM CÔNG PHU
Ban tổ chức concert Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) không thông báo chính thức số ghế tại Ocean Park 3, nhưng trên trang chủ, họ có lúc lỡ lời nói một nửa số vé, 2 vạn, thuộc về nhà đồng tổ chức Techcombank khiến các “Gai con” (fan của ATVNCG) hoang mang lo không đủ vé để tranh mua. Và hãy hình dung 2 vạn còn lại này cuối cùng bán hết veo trong 40 phút, thì việc có được một “slot” khó thế nào.
Thế là mặc dù đệ tử - nhà báo Nguyễn Mạnh Hà - đã nhận lời mua giúp đôi vé nhưng chưa yên tâm nên tôi bèn ra PVcombank rút phăng 500 triệu đồng chia 2 tài khoản gửi vào Techcombank để có thể săn được đôi vé 0 đồng ối người mơ ước.
Thực ra ban đầu không “máu” đến thế. Nhưng cô bạn còn già hơn tôi 1 tuổi, bảo: “Đu show nửa năm, giờ có concert phải đu nốt cho trọn”. Tôi nói đường xa, đi đêm về hôm đã đành mà cuộc này lắm hoạt động quá, đã lò dò đến đó chả nhẽ không làm một tua để ghi nhận cho bằng hết, dễ mất nửa ngày là ít trong khi hôm trước đi đám tang, đứng có hơn tiếng mà rã chân. Bạn rắn đanh: “Sợ mỏi, mệt thì chống gậy mà đi”.
Đã cẩn thận kính đen, khẩu trang kín mít, mũ len, áo phao cổ lông che cả cằm, tôi vẫn bị con bé xếp hàng (qua cửa soát vé) ngay sau, hồ hởi: “Cô cũng đu show ạ, quí hóa quá”. Tôi: “Mày nhìn hàng bên kia có đứa còn già hơn tao”. Con tôi bảo mẹ không phải thẹn đâu, chill đê, lắm bà U70, có bà phải U80 lại còn ngồi xe lăn kia kìa.
Nghĩ cảnh 4 vạn người túa ra đường một lúc khi đêm diễn kết thúc, chắc chắn bất cập nên mẹ con tôi và ba mẹ con bạn thuê căn ở Ocean Park 2, cách sân khấu hơn cây số để nghỉ đêm, hôm sau thư thả về lúc nào thì về.
Cho nên đi xem ca nhạc mà chúng tôi sắm nắm lỉnh kỉnh đủ thứ bà rằn: mũ và khăn giữ ấm, đồ ngủ, khăn mặt, bàn chải và kem đánh răng, mỹ phẩm, bánh ngọt, giày sơ cua ngộ nhỡ gặp sự cố... Rồi dây đeo điện thoại quàng cổ để tiện quay phim chụp ảnh. Dây vải xanh in biểu tượng bài hát Đường xa ướt mưa của nhà Cá Lớn còn dây cam in Trống cơm của nhà Sao Sáng. Chị con cho biết hai dây giá 92.000 đồng, khuyến mại ảnh anh tài Jun Phạm và Thanh Duy! Chiếc quạt lụa màu xanh lá chủ đề Trống cơm để phe phẩy cho ra vẻ fan của anh tài Soobin chị con cũng cày cục đặt trên mạng.
Bạn tôi còn thủ cả kẹo ho, mì ăn liền và thanh dinh dưỡng, sợ xem đêm về lạnh, đói. Hạng vé Bay phấp phới của mẹ con tôi được quà là túi và mũ, bị mẹ con bạn lột luôn. Họ mới là Gai con chính hiệu chứ bọn tôi vẫn nửa mùa lắm.
Tiết mục nạp năng lượng hóa ra nan giải. Phố ẩm thực The Venice, hàng có vẻ ổn thì hết chỗ, còn lại là hàng mà đồ ăn không hợp hoặc quá vắng sợ không ngon. Đi nhừ chân vẫn không có lựa chọn như ý nên đành ăn quấy quá. Trong khi định coi đây như chuyến picnic, vừa xem văn nghệ vừa phải được ăn ngon và ăn trong bầu không khí đặc biệt.
Hàng người rồng rắn chờ soát vé này có lúc tưởng dài bất tận, xác định rồi nên không sốt ruột gì cả. Nhưng các nam thanh nữ tú bắt đầu nhốn nháo nhộn nhạo khi từ con đường trước mặt vang lên tiếng hò reo và tiếng fan hô tên các anh tài đang giao lưu tại các booth (gian hàng), gần nhất là Đỗ Hoàng Hiệp tức Hiệp Lết trong bộ đôi Hà Lê Hiệp Lết (fan meeting của cặp này còn ghi trên băng rôn là Hà cờ Lê - Hiệp mỏ Lết). Ầm ào huyên náo, cười cười nói nói, vui như trẩy hội.
Và thế là cuộc đu show bước vào cao trào.
“SỤP HỐ CHÔNG GAI”
Một người trẻ làm công nghệ có tiếng ở Sài Gòn, Duy Luân kể anh ta bị sụp hầm, lọt hố ATVNCG kể từ tiết mục Trống cơm. Thế rồi đu mãi đu mãi, đi Day 1 concert trong Sài Gòn xong bay ra xem Day 2, vẫn những con người đó hát bài đó phông nền đó.
Duy Luân giải thích: “Vì sao mình máu concert Hà Nội? Vì không chắc mùa sau còn thích như mùa này? Khả năng truyền cảm hứng còn được như năm nay? Cảm xúc năm nay thực sự đặc biệt, từ chính cách mấy anh trai chơi show. Nó giống cách mình muốn khi đi làm: được làm thứ mình thích với người mình thích. Ai biết có lần hai không”.
Trước ATVNCG, game show hiếm hoi tôi theo là Ca sĩ mặt nạ nhưng chỉ mùa 1. Tôi với cô bạn đùa: "ATVNCG đã làm thay đổi quan điểm về đàn ông, nhất là nam nghệ sĩ".
Cách họ làm việc nhóm, tương tác trên sân khấu và ngoài đời cho thấy sự chân thành và phóng khoáng, kể cả “nấu xói” nhau đi nữa, “diễn” đi nữa cũng không phản cảm như nữ nghệ sĩ. Đương nhiên vẫn có gợn, một số anh đùa hơi quá, như Neko Lê cứ trêu chọc không biết chán chiều cao của Bùi Công Nam, hay Tự Long cứ như thể phát ngôn viên của chương trình, nói đạo lý và nhân danh văn hóa hơi nhiều…
Mẹ con tôi cũng vậy, chỉ lọt hố từ Trống cơm, mà bỏ qua vài chục tiết mục đầu. Thiếu nữ con tôi mới đầu còn chê cái tên chương trình nghe sến súa đúng kiểu Cbiz.
Nghe Trống cơm chúng tôi nhận ngay ra đoạn Tự Long hát hụt hơi nhưng bị choáng bởi sự làm mới ca khúc kinh điển, nhất là khi tiếng đàn bầu quyến rũ của Soobin rung lên với phong cách trình diễn đam mê khoáng hoạt, thì đã cam tâm tình nguyện đu show suốt 6 tháng trời.
Xem không sót tập nào mà phải trên YouTube mới đầy đủ, cả tập chính lẫn hậu trường, rồi Focuscam (tức là các bản cận cảnh màn trình diễn của từng anh tài - do ê-kíp hoặc fan tung lên). Sáng ra xem lại tiết mục yêu thích để ngày hoàn hảo bắt đầu.
Một khán giả phát biểu như nói hộ nhiều người: “Từ chỗ không biết mặt biết tên cả đống anh, thì bây giờ tôi thuộc từng cái lưng của 33 người họ”.
Khán giả ATVNCG, nhiều người thú vị đến nỗi phải lẩn mẩn lội vào đọc bình luận trên các trang cá nhân và nhóm, kể cả trang của các anh tài, để còn cười. Nói chung mất thời gian, mất công mất việc ra trò.
Thì bởi làm gì có chương trình nào, game show nào mà chỉ cần một pha luộc trứng lóng ngóng hoặc pha rớt đế giày của một anh tài cũng thành hot trend, được bình bàn thâu đêm suốt sáng. Anh luộc trứng thì toàn năng, mỗi tội vẽ xấu “vãi nồi” như anh tự nhận. Cho nên khi nhà Tinh Hoa của anh thi vẽ, anh trổ tài vẽ mặt trời trông không khác miếng dưa hấu, bị khán giả bàn quá trời bàn, đầy chọc ghẹo yêu quí: “Những đứa vẽ xấu lúc nào cũng chỉ chọn vẽ mặt trời”; “Xấu vãi nồi, mặt trời của Soobin y chang của cháu tôi lớp 2”; “Tôi cần người dùng Sơn Hoàng Nguyễn (tức Soobin) giải thích vì sao mặt trời lại phóng ra mấy tia màu xanh”. Vân vân.
Làm gì có chương trình nào mà hàng vạn khán giả đồng thanh hát “bằng cả tính mạng” từ cải lương, hò Huế, chèo, quan họ…Hát như chưa bao giờ được hát.
Nhiều khán giả mô tả kẻ ngồi cạnh họ hóa thú cả rồi khi những giọng ca dát vàng lỗ tai, phong cách ma mị và visual cực phẩm cháy trên sân khấu. “Xem Jun Phạm hát Rơi mà tôi rơi hết liêm sỉ”, “Trọng Hiếu sao nhảy như bay rồi rớt xuống như lông chim vậy trời” (bài Rơi). “Ai rồi cũng mê Soobin (Jun Phạm, Trọng Hiếu, Binz, BB Trần, Thanh Duy…) thôi”, “Họ ôm nhau nhưng người hạnh phúc là tôi”…
Một trong những mẹo mực của ê-kíp là đặt tên các hạng vé lấy tên các nhà lớn nhà nhỏ trong chương trình, khiến càng đóng đinh vào khán giả: Thiếu Nhi, Xương Rồng, Chín Muồi…Fan meeting của một số anh tài cũng học theo, đặt tên các hạng vé rất thú vị, như “hoàng tử băng đăng” ST Sơn Thạch hay “quăng miếng lạnh” nên fan meeting của anh tên “Đại hội miếng lạnh” bán ba hạng vé: Miếng lạnh tê, Miếng lạnh ngắt, Miếng lành lạnh.
Một fan của Trọng Hiếu phàn nàn bị trùng vé họp fan, chị tỏ ra bức xúc nhưng nghe lại buồn cười: “Tôi mua vé hạng cao Hội Nướng, thế rồi…”. Chẳng là hai hạng vé cuộc này tên Hội Nướng và Dị Kiều, do FC nhại kiểu nói nhịu của Việt kiều Hiếu: hướng nội thì nói hội nướng, diệu kì nói dị kiều… khiến khán giả bao phen cười ngất.
Làm gì có chương trình nào mà các nhân vật chính đi đến đâu, khán giả không chỉ hô tên mà còn hô “nhà” của anh trong game show, vé fan meeting thì cháy trong nháy mắt. Nhà Cá Lớn họp fan ở Hà Nội, do gấp gáp chỉ tìm được địa điểm nhỏ đủ gặp 500 fan, miễn phí chứ không bán vé như nhà khác.
Bị fan la lối: “Các anh có nhầm không, chúng tôi cần góp mặt chứ không phải miễn phí”. Người hâm mộ chỉ mong được bào tiền cho dự án lớn nhỏ về các anh. Chuyện này không hiểu sẽ kéo dài bao lâu? Fan Hà Linh Phùng phát biểu: “Mỗi lần thấy các phú bà nhà Soobin đập tiền, chỉ có thể cảm thán: cái nghèo đã hạn chế trí tưởng tượng của tôi!”.
Có mặt ở Hưng Yên cả ngày 14/12/2024, tôi hiểu thế nào là sức nóng kinh người của một cuộc đu show, đu idol quốc nội. Mỗi anh tài đi từ sân khấu ra booth giao lưu đều phải đính kèm dăm vệ sĩ hộ tống trong tiếng hò reo phấn khích.
Nhìn Duy Khánh, BB Trần, Bùi Công Nam, Kay Trần, Tăng Phúc… nét mặt rạng ngời bị vây vòng trong vòng ngoài và gọi tên âu yếm, thấy đời nghệ sĩ có lẽ cũng chỉ hạnh phúc đến thế là cùng. Mấy vạn người ai cũng mặc đẹp và mốt, cử chỉ văn minh lịch sự, mặt mũi hân hoan hớn hở, tất cả đều cùng nói về một chủ đề, cùng hát váng lên - đó là sự đặc biệt, hy hữu nào có thấy bao giờ.
GẦN HOÀN HẢO
Tôi đã có lúc thấy mình bị bỡn cợt ở công diễn 4, khi nhà Trẻ cử người chuyên môn mèng nhất ra hạ gục ba nhà còn lại với số điểm bất công. Thực sự là khó chịu vô cùng. ("Khó chịu vô cùng" là câu hot trend gần đây).
Tôi cũng hơi hẫng khi các màn phỏng vấn giao lưu ở Day 2 concert có phần qua loa dễ dãi; chất lượng biểu diễn thì bị ảnh hưởng do micro lúc to lúc nhỏ. Kịch bản chưa đầu tư lắm. Ca sĩ không phải ai cũng ổn định phong độ như Soobin, Trọng Hiếu, Jun Phạm, ST Sơn Thạch, Hà Lê, Phan Đinh Tùng… mà hát concert hóa ra kém so với trong game show nhiều, phải chăng khi thi được chỉnh giọng nên mượt thế.
Tôi đồng tình với các bạn trẻ phàn nàn: Booth chỉ nên một làn chứ hai làn khiến di chuyển khó khăn. Và quầy bán merchandise (vật phẩm liên quan các anh tài) lẽ ra để bên ngoài cho những bạn không có vé xem cũng có cơ hội mua, chứ để bên trong bị chật. Chen chúc chật chội làm nhiều bạn không thể giao lưu với các anh tài cũng không mua được merchandise, tiếc hùi hụi.
Vé hạng Bay phấp phới của tôi 5 triệu đồng/cặp nhìn lên sân khấu chỉ thấy ca sĩ và vũ công bé tí lờ mờ đi lại. Màn hình led không đủ lớn và chỉ cận cảnh được một vài anh…
Có lẽ tôi là người đu show “lý trí” chứ chưa phải fan cuồng của ATVNCG, khi mà một số người gọi MC Anh Tuấn là “anh tài thứ 34” thì tôi thấy anh đã già, cũ, đơn giản so với một chương trình truyền cảm hứng như vậy. Nhìn sang Anh trai say hi (ATSH), Trấn Thành tuy thỉnh thoảng vạ miệng nhưng dẫn tung tẩy, thông minh.
Tóm lại, tôi còn nhiều điều chưa thỏa mãn ở ATVNCG, kể cả đêm chung kết hồi tháng 10/2024, bị ỉu, ỉu từ màn công bố các giải thưởng trở đi. Ra khỏi chương trình, các anh tài đều nổi hơn trước song không phải ai cũng nâng tầm, kể cả “bias” (người mình thích hơn cả), đắt sô nhưng quanh đi quẩn lại chục, hai chục bài tủ. Ca sĩ nên chơi đủ loại, hát trăm bài mới phải.
Vân vân.
Nhưng rồi khi vô số Gai con tuyên bố họ có mùa hè rực rỡ nhất chỉ vì ATVNCG, tôi lại chẳng mảy may nghi ngờ, nhất là đêm đó 14/12/2024 khi cả chủ và khách cùng hô vang “cảm ơn vì đã đến” đầy biểu cảm. Lại một chuyện chưa từng có nữa.
CÔNG NGHIỆP GIẢI TRÍ - CÁNH CỬA RỘNG MỞ?
Sân khấu và hậu trường đều mênh mông; âm thanh ánh sáng tối tân; khán giả khắp đất nước kể cả nước ngoài đổ về; đội ngũ phục vụ đông nghịt. Trông thế đủ biết hao người tốn của thế nào. Và bạn được trân trọng từ trước khi qua cửa soát vé cho đến thời khắc tạm biệt… Đó là văn minh đi show hoành tráng quốc nội, trang mới của nền công nghiệp văn hóa giải trí nước nhà mà bạn “phải” dần quen.
Rồi một khu đô thị mới nổi không phải ai cũng hứng thú vãng lai bỗng chốc thành điểm tham quan di trú và gặp gỡ đồng cảm của vạn người. Đó cũng là cơ hội không nên bỏ lỡ, nhất là với các thành phố lớn.
Trước ATVNCG và ATSH, thị trường âm nhạc cũng tương đối đa dạng nhưng chỉ khi hai concert với chất lượng mang tầm quốc tế gây chấn động, tất cả bỗng như dịch chuyển. Người ta nhận ra khán giả khao khát thế nào, một không gian nghe nhạc văn minh, với những trải nghiệm thực tế rộng lớn chứ không chỉ âm thầm trong nhà hoặc môi trường nhỏ, nhà hát bình thường.
Người ta tiên lượng cứ đà này, Việt Nam sẽ có nhiều concert như thế và hoàn hảo hơn nữa. Cộng đồng nghe nhạc được dịp xích lại gần nhau, cùng truyền cảm hứng. Công tác tổ chức đã chuyên nghiệp hơn nhiều từ cách truyền thông trở đi, lại được sự hưởng ứng của cả xã hội khiến khán giả, nghệ sĩ và bản thân âm nhạc đều hưởng lợi.
Khán giả chịu bỏ tiền đu concert và ủng hộ nghệ sĩ nước nhà, thúc đẩy công nghiệp âm nhạc phát triển, đồng nghĩa kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao. Rồi đây với kinh nghiệm tổ chức và chút thanh danh có được, chúng ta lại thu hút đông đảo nghệ sĩ quốc tế đổ bộ Việt Nam khiến càng tăng cơ hội về nhiều phương diện, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Tất cả đang là cánh cửa rộng mở hay chỉ là hiệu ứng nhất thời của một năm sôi động, chúng ta hãy chờ xem.
Một người dùng than thở trên Facebook về show ATVNCG đang nổi: “Giới trẻ giờ hoang phí quá, tiêu dăm bảy triệu đồng của bố mẹ cho mấy thứ vớ vẩn”. Lập tức bị phản bác: “Đừng nghĩ giới trẻ chỉ biết tiêu tiền bố mẹ, họ thừa sức tự kiếm” “Tiêu của bố mẹ người ta chứ bố mẹ ông à, và có tai không mà bảo vô bổ”, “Đừng dạy người giàu tiêu tiền”…
Một MC có tiếng chuyên dẫn chương trình ca nhạc các đài TH phía nam, khi tôi hỏi có xem ATVNCG và ATSH không, đáp rằng cậu vẫn giữ thói quen để dành tiền đi nước ngoài xem nhạc kịch. “Thế giới người ta đã tiến đến đâu mà ta lúc nào cũng mấy anh chị ra hát hát múa múa rồi giao lưu mấy câu chán lắm”…
Hiệu ứng của ATVNCG và ATSH, hy vọng sẽ mở toang cánh cửa cho các nghệ sĩ thực tài và nhà tổ chức có tâm có tầm, khiến thay đổi định kiến của nhiều người trong đó có tôi. Là dấu mốc đẹp để phát triển rực rỡ nền công nghiệp văn hóa giải trí, thúc đẩy kinh tế, du lịch - điều mà chúng ta lẽ ra phải xắn tay làm từ lâu.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-su-cua-nguoi-du-show-chong-gai-post1707158.tpo