Từ sự xuất sắc đa phương thức đến AI có đạo đức: Tầm nhìn của Jeff Dean
GenAI Summit 24 về trí tuệ nhân tạo với chủ đề 'Chân trời mới' đã mang đến góc nhìn đa chiều về sự phát triển, tầm ảnh hưởng của AI như động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển công nghệ, kinh tế toàn cầu.
Sự kiện còn cho thấy tiềm năng lẫn thách thức của Việt Nam trong kỷ nguyên AI đầy sôi động này. Hội nghị được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, đồng tổ chức bởi New Turing Institute (NTI) Rethink Healthcare Foundation (RHF), phối hợp tổ chức cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Đại học Fulbright.
GenAI Summit 2024 tập trung vào ba chủ đề chính, gồm: "Mô hình nền tảng của GenAI", "Ứng dụng thực tiễn của GenAI", và "Cơ hội cho Việt Nam". Theo đó, hơn 1.000 khách tham dự đã được lắng nghe về hàng loạt mô hình AI và các ứng dụng thực tiễn của những mô hình này vào đời sống. Cuối cùng, từ bức tranh toàn cảnh đó, Việt Nam đã hiện diện với một vị thế đặc biệt, sẵn sàng vươn lên để nắm bắt làn sóng AI.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tận dụng sức mạnh của AI nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, thì GenAI Summit 2024, hội nghị đầu tiên về Trí Tuệ Nhân Tạo Tạo Sinh (GenAI) tại Việt Nam sẽ giúp quốc gia tiến sâu hơn vào kỷ nguyên mới của AI.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ: “Theo nghiên cứu của Thundermark Capital, Việt Nam và Singapore là 2 đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong Top 30 thế giới về nghiên cứu AI. Chính vì vậy, Hội nghị GenAI Summit 2024 là một sự kiện lớn, rất có ý nghĩa để các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các bên liên quan cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và tìm kiếm cơ hội hợp tác để tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ AI thế giới.”
Lần đầu tiên Việt Nam quy tụ được những nhân tài hàng đầu thế giới trong mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs). Mở đầu keynote đầu tiên của Hội nghị trong phần “Mô hình nền tảng của GenAI”, Tiến sĩ Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google, đã tiết lộ những đột phá trong trí tuệ nhân tạo tạo sinh thông qua các mô hình Gemini tiên tiến của Google. Ông nhấn mạnh cách mà Gemini 1.5 Pro, hạ tầng AI cách mạng của Google, xuất sắc trong việc xử lý các ngữ cảnh dữ liệu rộng lớn bao gồm văn bản, âm thanh, hình ảnh và video. "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một mô hình tất cả trong một, giải quyết các thử thách về văn bản, hình ảnh, âm thanh và video dưới một mái nhà," Tiến sĩ Jeff Dean chia sẻ. Khả năng đột phá này cho phép Gemini đối đầu với những tương tác phức tạp trong AI, vượt trội so với các công nghệ trước đây như GPT-4 của OpenAI.
Tiến sĩ Jeff Dean cũng nhấn mạnh các khía cạnh đạo đức của phát triển AI, ủng hộ bảy nguyên tắc hướng dẫn của Google để đảm bảo AI phục vụ lợi ích xã hội và tính bảo mật được tích hợp trong thiết kế. Đặc biệt tập trung vào các ứng dụng thực tiễn, những tiến bộ của Gemini đang chứng tỏ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nâng cao khả năng chẩn đoán và giám sát môi trường.
Đối với Tiến sĩ Jeff Dean, AI không chỉ là một công nghệ tiên tiến, thay đổi cách con người xử lý dữ liệu và ra quyết định. Đây sẽ là công cụ mang lại lợi ích to lớn, tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn khi được phát triển đúng cách, đòi hỏi những nhà phát triển phải luôn duy trì tiêu chuẩn cao về đạo đức và trách nhiệm xã hội. AI mang đến những cơ hội lớn chưa từng có cho thế giới loài người.
Đối với những người làm AI, thách thức không chỉ ở việc xây dựng công cụ mạnh mẽ đến đâu mà còn là xây dựng dựa trên đạo đức, các nguyên tắc. Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giữa AI và trí tuệ con người. “Những lợi ích rõ ràng này là lý do tại sao Google đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển AI, đồng thời làm cho công nghệ AI trở nên phổ biến rộng rãi cho những người khác thông qua các công cụ và mã nguồn mở của chúng tôi”, Dean chia sẻ.
Ông nhấn mạnh: “AI có tiềm năng chuyển đổi các ngành và cải thiện cuộc sống, nhưng điều thiết yếu là chúng ta phát triển nó một cách có trách nhiệm và đạo đức. Để AI thực sự phát huy tiềm năng, chúng ta cần đầu tư vào giáo dục và tạo điều kiện cho những tài năng trẻ tiếp cận với công nghệ này. Đây không chỉ là trách nhiệm của các công ty công nghệ mà còn của toàn xã hội", ông cho biết.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tích hợp AI vô cùng quan trọng, và những sự kiện như Hội nghị trí tuệ nhân tạo tạo sinh 2024 đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy đối thoại giữa các nhà tiên phong AI toàn cầu và các nhà đổi mới, chuyên gia quốc gia. Khi Việt Nam hướng tới khai thác AI để phát triển kinh tế và cải thiện xã hội, những cầu nối đó hứa hẹn sẽ xúc tác sáng tạo, nhận ra tiềm năng chiến lược của AI trong hệ sinh thái công nghệ năng động của Việt Nam.
Vị thế đặc biệt của Việt Nam trong kỷ nguyên AI
Tiến sĩ Vũ Duy Thức cùng với Thạc sĩ Wendy Uyên Nguyễn đại diện ban tổ chức đã gửi thông điệp “Điều khác biệt của sự kiện là không chỉ chuyên về kỹ thuật, công nghệ từ những nhà khoa học nổi tiếng thế giới mà chúng tôi mời đến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp về AI đã thành công. Mang đến bức tranh tổng quan và sâu sắc cho nội dung "cơ hội cho Việt Nam" về tính ứng dụng thực tế trong nhiều ngành của hệ sinh thái. Đây là một giao điểm kết nối quan trọng để tạo ra những cơ hội lớn, viết tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ AI toàn cầu.
Các diễn giả cũng đồng tình rằng Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển AI, nhờ vào thị trường, nguồn nhân lực và hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó vẫn tồn tại các thách thức như chi phí lao động thấp và sự cần thiết phải đầu tư vào giáo dục và đào tạo AI để tăng năng lực cạnh tranh. Trong phần thảo luận, các diễn giả đều đồng ý rằng Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế nhưng vẫn còn thách thức để đón làn sóng AI.
Về chính sách hỗ trợ, thị trường Việt Nam đang đón nhận sự trợ lực rất lớn từ Chính phủ, các tập đoàn trong nước như Viettel, Vingroup để có thể đón sóng AI đang “nóng". Tiến sĩ Lê Viết Quốc, chuyên gia cấp cao từ Google cho biết: "Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư vào công nghệ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp AI phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế".
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam có sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Google cam kết dành 40.000 học bổng Google Career Certificates hay đào tạo 200 công ty khởi nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến AI thông qua chương trình Google AI Startups Masterclass, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp AI. Việc này không chỉ giúp xây dựng một lực lượng lao động chất lượng cao mà còn tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI.
Về hệ sinh thái, theo thống kê, Việt Nam đã thu hút được hơn 1 tỷ USD đầu tư vào các startup công nghệ trong năm 2023. Sự tăng trưởng nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp đã ở mức trưởng thành tương đương Singapore và Malaysia, cho thấy tiềm năng đổi mới và khả năng tạo ra các giải pháp AI đột phá. Về nguồn nhân lực tài năng, các diễn giả tin rằng Việt Nam có truyền thống giáo dục tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học và khoa học, tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI. Sinh viên Việt Nam thường xuyên đạt thành tích cao trong các kỳ thi toán học quốc tế, chứng tỏ khả năng tư duy logic và giải quyết vấn đề - những kỹ năng cần thiết cho việc phát triển AI. "Sinh viên Việt Nam có niềm đam mê mạnh mẽ với toán học, điều này giúp họ có vị thế tốt để vượt trội trong kỷ nguyên mới của lý luận do AI thúc đẩy”, Tiến sĩ Lương Minh Thắng chia sẻ.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong xây dựng cơ sở hạ tầng AI, thu hút nhân tài đặc biệt trong lĩnh vực toán học và khoa học. Trong khi đó, bà Wendy Uyên Nguyễn nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo và giáo dục về AI một cách nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nơi AI có thể tạo ra tác động đáng kể.
Các diễn giả đề xuất việc hợp tác giữa các trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ để xây dựng một hệ sinh thái AI mạnh mẽ. Một con số đáng chú ý là Việt Nam dự kiến sẽ cần thêm 100.000 chuyên gia AI trong vòng 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc phân tích các cơ hội và thách thức từ những diễn đàn như GenAI Summit 2024 giúp Việt Nam nắm bắt và thúc đẩy các lợi thế của mình, hiện thực hóa các tiềm năng, gắn kết giữa Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp công nghệ. Đây là những điều kiện then chốt để Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ AI toàn cầu.
Tiến sĩ Vũ Duy Thức người lấy bằng tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford (Mỹ), Founder OhmniLabs đánh giá Việt Nam có lợi thế lớn về con người, nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI. Bởi theo ông, ở các tập đoàn lớn trên thế giới đều đang có người Việt nắm giữ các vị trí quan trọng. GenAI Summit 2024 không chỉ mang đến bức tranh toàn cảnh về AI tạo sinh trên thế giới, đồng thời, đặt ra câu hỏi cụ thể rằng những ứng dụng này mang đến điều gì cho Việt Nam. Sự kiện mang đến cơ hội hợp tác quý giá, để cộng đồng AI trong nước có thể làm việc với cộng đồng AI hàng đầu trên toàn cầu.
Những nhà toán học - công nghệ - startup đặt niềm tin vào AI
Bên cạnh ông Tiến sĩ Jeff Dean, sự kiện đã có sự góp mặt của chuyên gia hàng đầu đang định hình tương lai của AI, các "ông trùm" doanh nghiệp, các nhà trí thức tiên phong trong nghiên cứu AI.
Các diễn giả đã giới thiệu và phân tích các mô hình nền tảng của GenAI trình bày về các thuật toán tiên tiến, cấu trúc mạng neuron sâu và cách mà những mô hình này đang được cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các ứng dụng thực tế. Tiến sĩ Lương Minh Thắng, Nhà nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind, chia sẻ: "Việc hiểu rõ và tối ưu hóa các mô hình nền tảng là chìa khóa để khai thác to lớn.
Tiếp theo đó, từ lý thuyết sang thực tiễn, các diễn giả giới thiệu những ứng dụng cụ thể của GenAI trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, và kinh doanh. Bà Wendy Uyên Nguyễn, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế, đã trình bày về cách AI được sử dụng để cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe: “GenAI có thể giúp cải thiện lĩnh vực y tế, và các bác sĩ về cơ bản chỉ cần tập trung vào chuyên môn của họ”. Bà Nguyễn Uyên Wendy cũng là nhà đồng tổ chức sự kiện, đồng sáng lập và Chủ tịch của Rethink Healthcare Foundation.
Bà Wendy Uyên Nguyễn nhấn mạnh tiềm năng to lớn của AI trong việc cách mạng hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong việc phát triển thuốc mới và dịch thuật y khoa. AI có thể giúp giảm chi phí, tăng tốc độ nghiên cứu và cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân, mang đến nhiều cơ hội chữa trị hơn cho người dân ở nông thôn.
Cũng trong lĩnh vực y tế Steven Truong - VinBrain trình bày về ứng dụng của AI trong y học cá nhân hóa và quản lý dữ liệu y tế. Ông nhấn mạnh vai trò của AI trong việc phân tích dữ liệu lớn để xác định các nhóm bệnh nhân phù hợp với các phương pháp điều trị cụ thể, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu rủi ro.
Trong khi đó, ở lĩnh vực toán học, ông Thắng Lương - Google DeepMind nhấn mạnh sự chuyển dịch từ kỷ nguyên "Mô phỏng" sang kỷ nguyên "Khám phá" trong AI, trong đó lý luận toán học đóng vai trò then chốt. AI đã giải quyết được các vấn đề “siêu phàm”, với ví dụ về AlphaGeometry 2 đã giải quyết thành công một bài toán hình học đầy thách thức trong Olympic Toán học Quốc tế (IMO) chỉ trong 19 giây.
Cùng trong chủ đề toán học, Po-Shen Loh, Giáo sư Toán học tại Đại học Carnegie Mellon và Huấn luyện viên đội tuyển Olympic Toán quốc tế Hoa Kỳ từ năm 2014-2023, chia sẻ về các phương pháp sáng tạo để làm cho việc học toán trở nên hấp dẫn và hiệu quả hơn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa tư duy logic và sáng tạo.
ELSA Speak, ứng dụng học tiếng Anh dựa trên AI, mang đến sự kiện một ví dụ điển hình về cách GenAI có thể cá nhân hóa việc học. CEO Văn Đinh Hồng Vũ chia sẻ Elsa Speack sử dụng Gen AI và LLM để cá nhân hóa lộ trình, giáo trình, nội dung dành cho từng người học, mang đến kết quả học tập tiếng Anh tốt hơn. Nữ CEO tin rằng GenAI sẽ tiếp tục giúp 1,5 tỷ người học tiếng Anh trên toàn cầu tiếp cận và chuyển đổi phương pháp học truyền thống sang trải nghiệm học tập được cá nhân hóa cao, mang lại hiệu quả ấn tượng.
Ông Chris Malone (Đối tác của Dalberg Advisors) mang đến góc nhìn mới mẻ rằng AI có thể giúp thu hẹp khoảng cách năng suất, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Phó GS. Diyi Yang (Đại học Stanford, người nhận Học bổng nghiên cứu Sloan năm 2024) mang đến ý tưởng thú vị về việc dùng AI để đào tạo kỹ năng xã hội cho con người thông qua mô phỏng các tình huống giao tiếp thực tế, giúp người dùng luyện tập các kỹ năng xã hội hay cung cấp phản hồi chi tiết để người học cải thiện kỹ năng.
Dù đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, điểm chung của những diễn giả này là những người có nền tảng khoa học - toán học với chuyên môn về khoa học máy tính, công nghệ hoặc kinh doanh, kinh nghiệm thực tiễn trong các tập đoàn công nghệ hàng đầu hay đã thành lập và điều hành các công ty khởi nghiệp thành công. Họ tiên phong ứng dụng công nghệ và AI để giải quyết các vấn đề của cuộc sống, tạo ra tác động tích cực đến xã hội. Với tầm nhìn toàn cầu, những diễn giả đều có chung điểm chạm, đó là mong muốn sử dụng AI để không ngừng tìm kiếm ý tưởng và giải pháp mới, trong đó, con người vẫn là trung tâm và cốt lõi của nghiên cứu và ứng dụng.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NICcho hay: “Hội nghị này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của NIC trong việc thúc đẩy hệ sinh thái AI tại Việt Nam, hỗ trợ các startup nắm bắt cơ hội của kỷ nguyên AI. Hội nghị hứa hẹn là một sự kiện khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo đột phá, tập trung vào những tiến bộ vượt bậc của GenAI”.
AI Summit là sự kiện thường niên do New Turing Institute tổ chức bắt đầu từ năm 2018 nhằm tạo nền tảng kết nối cộng đồng trí tuệ nhân tạo trong nước với các chuyên gia trên toàn thế giới. Năm nay, sự kiện có đối tác hỗ trợ là New Now và đối tác truyền thông S-World. Đặc biệt có các đối tác tài trợ là Sovico Group (bao gồm HD Bank, Vikki Digital Bank và Vietjet Air), VinBrain, FPT, Google Cloud, Momo, Vietnam Airlines, Do Ventures, Elsa Speak, Vinama và Calif. GenAI Summit 2024 cũng nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác cộng đồng như Google, Cloud Ace, Gimasys và VinAI…
Sau nhiều năm tổ chức thành công, AI Summit đã trở thành một sự kiện khoa học công nghệ ý nghĩa, có vị thế nổi bật tại Đông Nam Á. AI Summit 2023 đã thu hút hơn 3.600 khách tham dự (trực tiếp và trực tuyến), hơn 100 doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, với các diễn giả hàng đầu là Ông Sam Altman (CEO của OpenAI), Giáo Sư Christopher Manning (Giám đốc Phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Stanford (SAIL).