Từ suất ăn bảo đảm đến sự yên tâm lâu dài
Chủ trương thí điểm tổ chức tập trung suất ăn sẵn cho trường học, bệnh viện tại Hà Nội đang nhận được sự quan tâm lớn và đồng thuận cao từ dư luận. Thay vì tự tổ chức, các nhà trường, bệnh viện sẽ được cung cấp suất ăn từ các đơn vị chuyên nghiệp, giúp nâng cao chất lượng bữa ăn và giảm gánh nặng cho các cơ sở giáo dục, y tế.
Giảm áp lực, chi phí trung gian
Chất lượng bữa ăn trưa ở trường học hay bệnh viện từ lâu là mối quan tâm thường trực của nhiều gia đình tại Hà Nội. Do đó, Hà Nội chủ trương thí điểm tổ chức suất ăn sẵn cho trường học và bệnh viện - một chính sách có thể tạo ra thay đổi thực chất trong cách chính quyền đô thị đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của người dân, từ một bữa ăn bảo đảm đến sự yên tâm lâu dài.

Nhân viên bếp ăn tập thể Trường Tiểu học Nghĩa Tân chuẩn bị suất ăn bán trú cho học sinh. Ảnh: Trần Thảo
Thay vì yêu cầu mỗi trường học, bệnh viện tự xây dựng bếp ăn riêng, Hà Nội đang lựa chọn mô hình tổ chức suất ăn sẵn, do các đơn vị chuyên nghiệp đảm nhận toàn bộ quy trình nấu nướng, vận chuyển và cung ứng. Nếu được triển khai nghiêm túc, mô hình này có thể mang lại 3 lợi ích rõ rệt. Đó là chuẩn hóa chất lượng, tất cả suất ăn đều tuân thủ tiêu chí thống nhất, tránh tình trạng nơi đủ, nơi thiếu; tăng hiệu quả giám sát, thay vì kiểm tra hàng nghìn bếp ăn nhỏ, chính quyền chỉ cần tập trung vào một số ít đơn vị cung ứng lớn; tối ưu hóa đầu tư công, ngân sách không bị dàn trải cho việc xây dựng bếp nấu mà được sử dụng để giám sát, kiểm nghiệm và cải thiện dịch vụ. Việc triển khai thành công mô hình này sẽ góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn, sức khỏe của học sinh, bệnh nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho các gia đình.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, TP đang khẩn trương triển khai thí điểm tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh theo hướng tập trung. Mô hình này sẽ thay thế hình thức nấu ăn tại từng trường học bằng việc chế biến tại một trung tâm, kiểm soát toàn bộ nguyên liệu đầu vào, quá trình sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản và tổ chức ăn uống. Điều này không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), mà còn giúp giảm chi phí trung gian, tăng tính đồng bộ và dinh dưỡng.
Tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học, bắt đầu triển khai từ năm học 2025 - 2026. Như vậy, sẽ có khoảng 768.000 học sinh tiểu học ở Hà Nội, gồm cả công lập và tư thục được hỗ trợ 20.000 - 30.000 đồng bữa ăn trưa mỗi ngày từ năm học 2025 - 2026.
TP sẽ xây dựng thực đơn phù hợp với thể trạng, độ tuổi học sinh từng khu vực; kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm từ khâu nuôi trồng, giết mổ, chế biến đến vận chuyển. UBND TP đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết và sẽ triển khai thí điểm ngay trong năm học 2025 - 2026.
Hà Nội hiện có gần 4.400 bếp ăn tập thể trường học. Việc thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP tại các trường học sẽ mang lại những bữa ăn bán trú chất lượng, vừa cung cấp đầy đủ năng lượng cho học sinh, vừa bảo đảm sức khỏe lâu dài cho các em.
Từ góc độ quản lý, Hiệu trưởng Trường THCS Thượng Cát (phường Thượng Cát) Lâm Hương Giang cho hay, mô hình suất ăn sẵn mang lại những lợi ích nhất định. Việc không phải quản lý bếp ăn riêng sẽ giúp nhà trường tập trung hơn vào công tác chuyên môn, giảng dạy. Điều này cũng giảm bớt áp lực về nhân sự và cơ sở vật chất cho bếp ăn. Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Nhuế 2 (phường Đông Ngạc) Phùng Thị Thu Huyền cho rằng, thực tế hiện nay, các trường rất vất vả trong việc lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn do phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí khác nhau. Chủ trương này rất đúng đắn và nhân văn khi quan tâm trực tiếp đến học sinh.
Thực hiện triệt để nguyên tắc “ba công khai”
Để mô hình cung cấp suất ăn sẵn được triển khai hiệu quả, Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Nhuế 2 Phùng Thị Thu Huyền cho rằng, cần có sự chỉ đạo xuyên suốt từ cấp TP đến cấp phường với các văn bản hướng dẫn cụ thể. Cùng đó, TP sẽ lựa chọn, xác nhận các đơn vị đủ điều kiện về pháp lý, ATTP. Cấp phường sẽ hỗ trợ các trường lựa chọn các đơn vị phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần tuyên truyền rộng rãi đến phụ huynh, học sinh và Nhân dân để lan tỏa và nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Tuy nhiên, theo một số giáo viên, dù là đơn vị chuyên nghiệp, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm từ khâu nguyên liệu đầu vào đến chế biến, vận chuyển vẫn là một thách thức lớn, cần cơ chế giám sát chặt chẽ, thường xuyên từ phía nhà trường và các cơ quan chức năng. Bày tỏ sự ủng hộ nếu mô hình này thực sự mang lại bữa ăn an toàn và đủ dinh dưỡng, chị Nguyễn Thanh Nhung (phường Tây Tựu) mong muốn có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm rõ ràng. Sự minh bạch trong toàn bộ quá trình từ khâu lựa chọn nhà cung cấp, kiểm tra nguyên liệu, đến chế biến và phân phối là yếu tố then chốt để phụ huynh yên tâm.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho rằng, đầu tiên là tiêu chuẩn bữa ăn phải bảo đảm chất lượng để chính con em chúng ta được hưởng lợi. Chăm sóc dinh dưỡng tốt mới tăng được tầm vóc, chiều cao, trí não của trẻ. Vì vậy, việc cung ứng cho bữa ăn phải là đơn vị rất chuyên nghiệp, phải bảo đảm logistics tốt. Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường truyền thông, tập huấn cho nhân viên tham gia cung ứng dịch vụ ăn uống, hiểu kiến thức về ATTP.
“Công tác ATTP trong trường học là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cần hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động cung ứng suất ăn học đường, bảo đảm các điều kiện ATTP, truy xuất nguồn gốc và chất lượng thực phẩm” – Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đề xuất áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và giám sát suất ăn sẵn, các chuyên gia y tế cũng cho rằng, đối với suất ăn sẵn cần thực hiện triệt để nguyên tắc "ba công khai". Đó là công khai thông tin về nhà cung cấp; công khai nguồn gốc nguyên liệu và công khai quy trình giám sát, kênh tiếp nhận phản hồi. Sự “yên tâm lâu dài” chỉ có thể đến từ sự tin tưởng vào chất lượng và minh bạch của chính sách.
Với hàng loạt giải pháp quyết liệt, sáng tạo, đồng bộ từ chỉ đạo đến tổ chức thực hiện, Hà Nội đang thể hiện rõ quyết tâm xây dựng môi trường thực phẩm an toàn, vì sức khỏe của hơn 8 triệu người dân Thủ đô và hàng triệu du khách mỗi năm.
Việc kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung ứng và chế biến thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, đặc biệt là suất ăn sẵn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cần phải kiểm soát chất lượng từ gốc, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến, bảo quản và vận chuyển, cũng như tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan chức năng và cộng đồng. Thực tế, các văn bản quy định đã có đủ, vấn đề mấu chốt là làm thế nào để thực hiện một cách chặt chẽ, hiệu quả trên thực tế, đặc biệt với mô hình suất ăn sẵn tập trung để bảo đảm sức khỏe và sự yên tâm lâu dài cho người sử dụng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tu-suat-an-bao-dam-den-su-yen-tam-lau-dai.778356.html