Tú Sương đầy uy quyền, Hoàng Hải đột phá trong Xuân về trên đất Thăng Long
Ngoài sự hỗ trợ cho đàn em của Tú Sương, Trinh Trinh thì vai diễn của Hoàng Hải là điểm nhấn trong Xuân về trên đất Thăng Long.
Đoàn cải lương đồng ấu Bạch Long tái ngộ khán giả trong tháng 11 này với vở Xuân về trên đất Thăng Long vào tối 18-11 tại Nhà hát Nụ cười (Cung văn hóa Lao động).
Tú Sương, Trinh Trinh dìu dắt đàn em
Xuân về trên đất Thăng Long là vở cải lương tuồng cổ mang tích sử Việt đầu tiên được đoàn cải lương đồng ấu Bạch Long thể hiện sau một năm trở lại với khán giả.
Trước đó, đoàn cải lương đồng ấu Bạch Long đã khiến giả nức lòng với vở Long Lân Quy Phụng, Mộc Quế Anh dâng cây và Ngọc sáng Lưu gia trang.
Nói với PLO, nghệ sĩ Bạch Long cho biết Xuân về trên đất Thăng Long được lấy ý tưởng từ vở Thanh gươm nữ tướng nói về nữ đô đốc Bùi Thị Xuân của đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ.
"Dựa trên vở cải lương đó, tôi đã viết lại để cho đoàn đồng ấu. Tuy nhiên, khi viết lại, tôi không nói riêng về nữ tướng Bùi Thị Xuân mà nói về tất cả những vị anh hùng thời Tây Sơn cùng đứng lên chống giặc trong đó có Nguyễn Huệ, Ngọc Hân, Trần Quang Diệu…"- nghệ sĩ Bạch Long chia sẻ.
Vở có sự tham gia NSƯT Trinh Trinh, Tú Sương, Bạch Long, Kim Nhuận Phát, Hoàng Hải, Bạch Luân, Trần Quân, Thúy My, Bạch Tú My…
Ngoài ra, hình ảnh công chúa Ngọc Hân của NSƯT Trinh Trinh dù chỉ xuất hiện ở vài phân cảnh nhưng cũng nhận được những tràn vỗ tay của khán giả.
Theo dõi vở, bên cạnh thể hiện xuất sắc vai diễn, Trinh Trinh và Tú Sương cũng là đàn chị nâng đỡ hỗ trợ hết mình cho đàn em.
Cụ thể, Tú Sương nhắc nhở Kim Nhuận Phát lúc quên tuồng hay cách nữ nghệ sĩ nhắc nhở Bạch Tú My trong lúc trình diễn kỹ thuật hay Trinh Trinh xuất hiện tạo điểm nhấn cho vai Nguyễn Huệ. Qua đó, có thể nói rằng, cả hai đã trở thành điểm tựa vững chắc cho thế hệ kế thừa của đoàn cải lương đồng ấu Bạch Long.
Xuân về trên đất Thăng Long gồm 9 cảnh, trải dài từ lúc nữ tướng Bùi Thị Xuân gặp Trần Quang Diệu, Nguyễn Huệ.
Cả ba cùng nhau chống quân Thanh và quân Lê Chiêu Thống. Mối tình đẹp của Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu, hai vị tướng tài thời Tây Sơn cũng được tái hiện.
Hoàng Hải gây bất ngờ
Bên cạnh NSƯT Trinh Trinh hay Tú Sương thì Hoàng Hải cũng là gương mặt gây bất ngờ với khán giả.
Chia sẻ với PLO, Hoàng Hải cho biết ban đầu mình được mời vào vai Trần Quang Diệu, nhưng khi đến thử vai thì được cho thử luôn vai Phạm Khanh.
"Thế nhưng, sau đó, tôi được báo vào vai Phạm Khanh. Khi đó tôi bất ngờ lẫn ngơ ngác, cảm xúc tụt hẳn. Tôi hỏi thầy Bạch Long là mọi người có ý kiến gì hay sao mà tôi bị đổi vai thì thầy nói rằng : ‘Không! Tại vì thầy thấy con có khả năng có thể đi được đường dài có được năng lượng…’.
Vì vậy, tôi cố gắng thực hiện tốt vai này và có thể nói đây là vai diễn mà tôi rất tâm đắc" - Hoàng Hải tâm sự.
Vào vai Phạm Khanh, Hoàng Hải đã cho thấy hình ảnh của một vị tướng “Ngu trung” và đau đớn khi bị chính người mình phục tùng từ bỏ.
Dù chỉ là một vai phản diện, thế nhưng nghệ sĩ Bạch Long đã cho Hoàng Hải đất diễn đầy tinh tế.
"Thầy Bạch Long cũng rất cực khổ để tập cho tôi từng điểm nhấn cho vai. Dù vai vẫn còn nhiều sơ suất nhưng hi vọng những lần sau nữa khán giả đến sẽ thấy một Hoàng Hải diễn trọn vẹn, chỉn chu hơn" – Hoàng Hải bày tỏ.
Giữa những ngày cải lương tuồng cổ "khô hạn" đề tài Sử Việt thì Xuân về trên đất Thăng Long giống như “cơn mưa rào tưới mát”.
Ở đó, gần 200 khán giả được nhìn thấy những lát cắt lịch sử đầy hào hùng của dân tộc. Không chỉ vậy, khán giả còn thấy được sự nỗ lực của Bạch Long và học trò đối với bộ môn cải lương.
Có thể đôi chút không trọn vẹn vì sự non trẻ hay Bạch Long tuổi đã cao nên "hụt hơi"… nhưng dù vậy khán giả đã vỗ tay, dành những lời khen tặng và chỉ những điều đơn giản đó với người nghệ sĩ đã là hạnh phúc.
“Em đến xem vở sau khi được thầy giới thiệu và một phần em cũng muốn tìm xem về văn hóa của nước mình như thế nào. Và sau khi xem vở em cảm thấy rất hay, độc đáo.Có thể nói là một sự thiệt thòi đối với em khi em không biết đến bộ môn nghệ thuật này sớm hơn"- Phúc Nguyên, học sinh lớp 10 chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) chia sẻ.