Từ tấm bằng tại chức, từ xa mà nhiều người học cao hơn để làm lãnh đạo

Nếu học tại chức, từ xa mà làm lính cũng là chuyện bình thường nhưng học hệ này mà đi làm lãnh đạo thì thật bất thường trong thời đại 4.0 này!

Kể từ ngày 1/7/ 2019, trên các văn bằng đại học sẽ không còn ghi loại hình đào tạo đã khiến cho dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Dù ai cũng biết, bằng chính quy và bằng không chính quy suy cho cùng không có lỗi bởi thực tế nó cũng chỉ là một tờ giấy thông hành mà thôi.

Mấu chốt của vấn đề là sau khi cầm tấm văn bằng đó thì kiến thức của người học có tương xứng với tấm bằng mà mình đã có hay không mà thôi.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế công việc trong các cơ quan nhà nước thì chúng ta vẫn cảm nhận rõ những bất cập khi bỏ ghi loại hình đào tạo trên các văn bằng.

Từ nay, bằng đại học chính quy và không chính quy sẽ có giá trị như nhau. (Ảnh minh họa: Công Tiến)

Từ nay, bằng đại học chính quy và không chính quy sẽ có giá trị như nhau. (Ảnh minh họa: Công Tiến)

Bằng không chính quy cũng có nhiều người giỏi nhưng những người đó phần nhiều là ở thời điểm vài chục năm trước. Bây giờ những người giỏi của hệ không chính quy thường là những người làm ở những lĩnh vực tư nhân, không liên quan đến các đơn vị, cơ quan nhà nước.

Họ là những người chủ động học tập để dấn thân và học để tiếp cận tri thức, học để dùng tri thức làm việc và vận dụng vào cuộc sống của mình.

Những năm đất nước chiến tranh hay sau chiến tranh, thậm chí là đến những năm đầu đất nước bước vào thời kỳ đổi mới thì hệ thống giáo dục của chúng ta lúc bấy giờ chưa thật giả lẫn lộn như bây giờ.

Dù nhiều loại hình đào tạo nhưng đa phần những người có trình độ cao là những người giỏi thực sự. Lúc đó, chuyện bằng chính quy và không chính quy không có khoảng cách quá lớn như hiện nay.

Bởi, nhiều người vì tham gia vào các cuộc chiến, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên việc học hành phải tạm gác lại…

Nhưng bây giờ thì khác, điều kiện về kinh tế của các gia đình cũng đã khá hơn trước, dân số thì thực hiện theo kế hoạch hóa gia đình nên mỗi nhà cũng chỉ có từ 1-2 đứa con và cha mẹ nào cũng cố gắng cho con học tập nếu con mình thực sự học giỏi và có chí tiến thủ.

Kinh tế không có thì có ngân hàng chính sách hỗ trợ, có rất nhiều quỹ học bổng hỗ trợ cho sinh viên nghèo. Vì vậy, học sinh nghèo mà học giỏi ít khi phải bỏ học giữa chừng.

Số lượng trường đại học bây giờ cũng nhiều, phần lớn các tỉnh đều có trường đại học, có những tỉnh có nhiều trường đại học đóng trên đại bàn.

Vì thế, học sinh muốn đi học đại học bây giờ không phải đi xa vất vả như trước nữa. Trong khi, số lượng tuyển sinh mỗi năm của các trường đều lớn.

Nhiều trường hệ chính quy còn tuyển không đủ chỉ tiêu thì chuyện học hệ không chính những năm gần đây thực sự không còn chất lượng như trước nữa.

Có một thời giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đổ xô đi học tại chức, từ xa, các giảng viên đại học vào dịp hè là miệt mài chạy xô đến các tỉnh để dạy.

Các trường đại học liên kết với các địa phương để đào tạo hệ không chính quy nhưng mấy năm nay thì đội ngũ giáo viên đã không còn đi học nữa bởi những giáo viên lớp trước đa phần họ đã hoàn thiện về văn bằng để đủ chuẩn.

Bây giờ, học sinh lớp 12 chủ yếu là học đại học luôn bởi mấy năm gần đây thì hệ chính quy đại học cũng chỉ tuyển được những học sinh trung bình vào học thì hệ cao đẳng hay trung cấp sư phạm có mấy khi được các thí sinh ngó ngàng đến.

Các trường đại học bây giờ hướng nhiều vào đối tượng công chức xã, phường và các ủy ban huyện, tỉnh. Nhiều người họ đổ xô đi học để đảm bảo vị trí việc làm của mình.

Nhiều cán bộ, nhân viên xã, phường, thậm chí là thôn, ấp cũng đi thi đại học. Tất nhiên, với khả năng và thực lực thì họ không thể nào đậu vào hệ chính quy nên phải thi và học hệ không chính quy.

Hình thức học mỗi năm vài đợt và đa phần là họ nộp tiền rồi chủ yếu đi ghi danh để…cuối khóa lấy bằng.

Có một thực tế mà chúng ta đang thấy là những ngành kinh tế, kỹ thuật, khoa học tự nhiên rất ít đào tạo hệ không chính quy, những người đi học hệ không chính quy hiện nay đa phần là các trường khoa học xã hội.

Họ đi học các ngành này dễ thi, dễ học, dễ lấy điểm và gần như ai đi học hệ này cũng đều ra trường đúng hạn và đương nhiên là đảm bảo vị trí việc làm của mình. Thậm chí học xong tại chức hay từ xa thì họ còn đi học cao hơn nữa.

Nhiều lãnh đạo ban ngành ở địa phương học hệ không chính quy và tiếp tục học cao hơn nữa

Nếu học xong tại chức, từ xa mà họ yên vị làm một công chức, viên chức bình thường có lẽ đó cũng là chuyện bình thường và không ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực họ công tác.

Nhưng, thực tế bây giờ có nhiều người sau khi học tại chức, từ xa xong thì họ tiếp tục học lên cao học và liên tục thăng tiến trong sự nghiệp của mình.

Nói về bằng cấp, khi có một văn bằng cao hơn thì văn bằng thấp hơn đã không còn giá trị nữa mà người ta sẽ chú trọng đến văn bằng chuyên môn cao nhất.

Vì thế, nhiều lãnh đạo địa phương bây giờ dù điểm xuất phát ban đầu rất thấp nhưng rồi thời gian, rồi họ là con ông nọ, cháu ông kia nên dần dần được bổ nhiệm, cất nhắc lên cao.

Những tấm bằng tại chức, từ xa phần nhiều là những người thi không đậu chính quy mới học hệ này nhưng vì họ có những tấm bằng thạc sỹ thì đương nhiên những tấm bằng đại học không chính quy sẽ không ai còn nhắc lại làm gì.

Bây giờ, nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu sẽ thấy một thực tế là không chỉ cán bộ xã, phường học hệ không chính quy mà cán bộ huyện và thậm chí có những người đứng đầu Sở cũng học hệ không chính quy nhưng đa phần những người này đều đã học cao học.

Điều nguy hiểm nhất là những ngành như giáo dục, khoa học công nghệ mà người đứng đầu Phòng, Sở cũng đi lên từ những tấm bằng tại chức, từ xa…Trong khi, ở lĩnh vực này phần lớn người đang công tác ở đây được đào tạo chính quy và họ có học vị cao.

Vì thế, nếu học tại chức, từ xa mà làm lính cũng là chuyện bình thường nhưng học hệ này mà đi làm lãnh đạo thì thật bất thường trong thời đại 4.0 này!

THANH AN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tu-tam-bang-tai-chuc-tu-xa-ma-nhieu-nguoi-hoc-cao-hon-de-lam-lanh-dao-post200279.gd