Tự tẩy nốt ruồi bằng hóa chất có nguy hiểm không?
Không phải nốt ruồi nào cũng tự tẩy được, muốn tẩy nốt ruồi phải được bác sĩ chuyên khoa da liễu thăm khám...
Hỏi:
Tôi có nốt ruồi khá lớn ở trên gần lông mày, khiến tôi mất tự tin. Tôi dự định chấm hóa chất tự tẩy nốt ruồi tại nhà, liệu có nguy hiểm gì hay không, mong bác sĩ tư vấn?
Nguyễn Hoa Mai (Hà Nội)
Ths.BS, Nguyễn Đình Quân, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, BV Da liễu trả lời:
Không phải nốt ruồi nào cũng tự tẩy được, muốn tẩy nốt ruồi phải được bác sĩ chuyên khoa da liễu thăm khám, giúp phân biệt tổn thương trên da có nguy cơ ung thư hay là tổn thương ác tính hay không.
Nhiều bệnh nhân ung thư tế bào đáy (chiếm 95% tổng số ca ung thư da) ban đầu là nốt sần tưởng nốt ruồi, đi tẩy bằng các phương pháp khác nhau như chấm hóa chất, đốt điện, laser, nhưng không hết.
Khi đến viện, tổn thương đã xâm lấn sâu, lan rộng, bệnh nhân mất cơ hội điều trị sớm. Đây là hậu quả của việc chẩn đoán không đúng tổn thương. Những trường hợp này thường gặp ở người trên 50 tuổi.
Laser CO2, đốt điện, chấm hóa chất có ưu điểm nhanh gọn, rẻ, nhưng chỉ phù hợp với nốt ruồi nông, nhỏ, ở thượng bì. Nếu điều trị những nốt sâu không đúng chỉ định sẽ để lại sẹo, mất sắc tố, thậm chí nhiễm trùng.
Phương pháp chấm hóa chất còn có thể gây bỏng da, để lại sẹo xấu không có khả năng hồi phục. Nốt ruồi mọc ở những vị trí nguy hiểm (như bờ mi, viền môi, mũi...) khi tẩy bằng laser, đốt điện dễ để lại sẹo, vì thế bệnh nhân nên được thăm khám bởi bác sĩ da liễu, điều trị bằng phương pháp phù hợp, tránh tái phát.
Thông thường, ở các vị trí nguy hiểm, nốt ruồi sâu trung bì, kích thước lớn, không có đặc điểm như nốt ruồi bình thường, sẽ được bác sĩ khuyến nghị phẫu thuật. Trường hợp cần thiết sẽ đem mẫu bệnh phẩm làm sinh thiết đánh giá.
Các biện pháp tẩy nốt ruồi đều có thể để lại sẹo, trừ trường hợp nốt ruồi ảnh hưởng thẩm mỹ, giao tiếp, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, còn lại, tốt nhất nên tẩy sau 18 tuổi.