Từ thách thức đến cơ hội
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đang diễn ra mạnh mẽ, kéo theo hệ quả là một lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ việc, trong đó không ít người vẫn mang khát vọng tìm kiếm cơ hội mới. Song song với đó, chỉ tiêu tuyển dụng biên chế Nhà nước trong những năm tới sẽ giảm đáng kể do quá trình tinh gọn đã đi vào ổn định.

Ảnh minh họa: Internet
Điều này không chỉ tạo áp lực tức thời lên thị trường lao động mà còn đặt ra thách thức lâu dài trong việc bảo đảm an sinh xã hội và duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Giải quyết bài toán việc làm sau sáp nhập không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn đòi hỏi tầm nhìn chiến lược, sự phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách vĩ mô và giải pháp thực tiễn.
Trước hết, cần nhận diện rõ sự chuyển dịch tất yếu của thị trường lao động. Khi khu vực công thu hẹp quy mô tuyển dụng, dòng chảy lao động sẽ đổ dồn sang khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là cơ hội để tái cấu trúc lực lượng lao động, nhưng cũng là thách thức lớn khi không phải mọi lao động đều sẵn sàng thích nghi với môi trường mới. Để khu vực tư nhân trở thành “bến đỗ” vững chắc, cần thúc đẩy sự ra đời của các doanh nghiệp mới và nâng cao sức khỏe của những doanh nghiệp hiện có. Một doanh nghiệp khỏe mạnh không chỉ dừng ở việc tồn tại mà còn phải đủ sức mở rộng sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo ra nhiều việc làm hơn. Thực tế cho thấy, chỉ khi doanh nghiệp phát triển bền vững, thị trường lao động mới có thể hấp thụ được lượng lớn người lao động bị ảnh hưởng từ quá trình tinh gọn.
Vậy làm thế nào để đạt được mục tiêu này? Giải pháp cốt lõi nằm ở việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế và cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tục hành chính rườm rà, cơ chế chính sách thiếu linh hoạt từ lâu đã là rào cản khiến doanh nghiệp ngần ngại mở rộng quy mô. Cải cách không chỉ dừng ở khẩu hiệu mà cần đi vào thực chất: giảm bớt giấy phép con, đơn giản hóa quy trình, minh bạch hóa thông tin. Hơn nữa, cần có các chính sách khuyến khích khởi nghiệp, hỗ trợ người dân biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực. Khi người lao động không còn cơ hội trong khu vực công, việc tự tạo việc làm hoặc tham gia vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ là lối đi khả thi. Một môi trường kinh doanh thuận lợi không chỉ giúp doanh nghiệp đứng vững mà còn là bệ phóng để người lao động tìm thấy cơ hội mới.
Bên cạnh đó, việc tinh gọn bộ máy không chỉ là cắt giảm con người mà còn phải đi đôi với nâng cao chất lượng đội ngũ còn lại. Một bộ máy khoa học, gọn nhẹ nhưng hoạt động kém hiệu quả thì mọi nỗ lực cải cách sẽ không còn ý nghĩa. Đội ngũ cán bộ, công chức cần được kiện toàn cả về tâm lẫn tài, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới. Đây chính là nền tảng để các chính sách hỗ trợ việc làm được triển khai hiệu quả, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động phát triển.
Giải quyết việc làm sau sáp nhập không chỉ là câu chuyện của riêng khu vực công hay tư, mà là bài toán tổng hợp đòi hỏi sự đồng lòng từ chính sách đến hành động. Khi bộ máy được tinh gọn khoa học, môi trường kinh doanh được cải thiện và người lao động được hỗ trợ kịp thời, đất nước sẽ không chỉ vượt qua thách thức mà còn tạo đà cho sự phát triển bền vững. Đây là thời điểm để biến khó khăn thành cơ hội, để mỗi cá nhân và doanh nghiệp cùng chung tay kiến tạo tương lai.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tu-thach-thuc-den-co-hoi-post488473.html