Từ thắng lợi vĩ đại đến kỷ nguyên tươi sáng
Trong lịch sử oanh liệt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta, diễn tiến cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với 55 ngày đêm dẫn tới toàn thắng vào ngày 30/4/1975 là những trang hào hùng thể hiện rực rỡ hào khí Việt Nam, sức mạnh Việt Nam. Đó là 55 ngày đêm khép lại cuộc hành trình cách mạng giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Cùng với cả nước, quân và dân tỉnh Quảng Trị đứng chân ở một địa bàn chiến lược quan trọng của chiến trường miền Nam đã có những đóng góp xứng đáng, cùng cả dân tộc đi đến ngày toàn thắng.

Du khách quốc tế tham quan Di tích Sân bay Tà Cơn, huyện Hướng Hóa - Ảnh: Đ.T
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Trị là địa đầu giới tuyến hai miền, điểm xuất phát của con đường chi viện Bắc - Nam, có Đường 9 đi qua và vùng rừng núi Trường Sơn nối liền Vĩnh Linh - hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam với Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa qua nước bạn Lào đã trở thành vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng.
Đối với Mỹ - ngụy, mất Quảng Trị thì Thừa Thiên - thủ phủ của miền Trung sẽ bị uy hiếp, ảnh hưởng nặng nề đến cục diện chiến trường miền Trung Trung Bộ cũng như trên toàn miền Nam. Vì vậy, chúng ra sức chốt giữ vùng đất này và quyết tâm biến Quảng Trị thành tuyến phòng thủ vững chắc nhất.
Với những kết quả đã đạt được trong xuân - hè 1971, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, nhằm tạo một bước chuyển biến cơ bản, tiến lên làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải rút hết quân về nước. Sau khi phân tích tình hình chiến trường, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện vật chất cho chiến dịch, đồng thời tạo thế bất ngờ với địch, Quân ủy Trung ương quyết định chọn Trị - Thiên làm hướng chủ yếu với nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch, hỗ trợ quần chúng trên cả ba vùng nổi dậy, giải phóng phần lớn địa bàn Trị - Thiên, có điều kiện thì quyết tâm giải phóng toàn bộ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên.
Chủ trương của Trung ương và quyết tâm giải phóng Quảng Trị là niềm mong đợi bấy lâu của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và Nhân dân tỉnh nhà. Vì vậy, các lực lượng vũ trang, chính trị từ tỉnh đến cơ sở luôn trào dâng niềm tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, phát huy sức mạnh từ sự nổi dậy của quần chúng, tiêu diệt và làm tan rã hệ thống kìm kẹp và sinh lực của địch, hình thành mặt trận tiến công rộng khắp, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
Sau đợt hoạt động tạo thế, ngày 27/4/1972, quân ta mở đợt tấn công thứ hai vào cụm Đông Hà - Ái Tử - La Vang. Đến 15 giờ 30 phút ngày 28/4, toàn bộ Đông Hà - Lai Phước được giải phóng. 14 giờ ngày 30/4, ta làm chủ căn cứ Ái Tử. Ngày 28/4, đồng bào các xã Gio Linh và các xã Bắc Triệu Phong hăng hái dùng thuyền đưa bộ đội sang sông. Bộ đội chủ lực nhanh chóng đánh chiếm Long Quang, Thạnh Hội, Vĩnh Hòa.
Thừa thắng, quân ta phát triển đánh chiếm các mục tiêu nằm rải rác dọc đồng bằng ven biển hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Bộ đội Cụ Hồ đi đến đâu, Nhân dân phấn khởi chào đón và phối hợp đấu tranh chính trị, binh vận tới đó. Chiều ngày 28/4, khu tập trung Gia Đẳng được giải phóng, tiếp đó ngày 29/4, địch ở chi khu quân sự Triệu Phong đầu hàng.
Ngày 30/4, địch ở Linh Chiểu, Phương Lang bỏ chạy. Đông Hà, Ái Tử thất thủ đã làm cho địch ở thị xã Quảng Trị hoang mang cực độ, ngày 1/5, chúng bắt đầu “rút chạy có kế hoạch”. Nhưng địch đi đến đâu cũng bị đánh, chạy hướng nào cũng bị chặn. Ngày 1/5/1972, tỉnh Quảng Trị đã được giải phóng.
Cũng trong năm 1972, cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, đặc biệt là 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ đã trở thành bản anh hùng ca bất tử mà nhân loại ghi nhận là một trong những sự kiện điển hình của thế kỷ XX. Tinh thần chiến đấu quên mình của bộ đội, du kích địa phương và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân kết hợp với những đòn tấn công mạnh mẽ của bộ đội chủ lực đã làm nên chiến công oanh liệt, vẻ vang trong năm 1972 trên chiến trường Quảng Trị, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Trong quá trình đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã hoàn thành trọng trách to lớn: bảo vệ Vĩnh Linh - tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm thất bại mọi chiến lược chiến tranh và sự thử nghiệm những vũ khí hiện đại của Mỹ trên đất Quảng Trị, giữ vững hành lang tiếp viện Bắc - Nam, tiếp sức cho cuộc kháng chiến của quân và dân miền Nam đi đến thắng lợi.
Suốt cuộc kháng chiến, Đảng bộ tỉnh thấm nhuần sâu sắc đường lối chiến tranh, phương pháp đấu tranh cách mạng do Đảng vạch ra, nắm bắt thời cơ, tấn công địch liên tục, giành những thắng lợi lớn, tác động trực tiếp đến cục diện chiến trường miền Nam và đó chính là đóng góp quan trọng của tỉnh Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đại tướng Văn Tiến Dũng trong cuốn: “Về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia năm 1996) đã đánh giá: “Ngày nay, hồi tưởng lại chặng đường chiến đấu đã qua, điều lắng đọng sâu xa nhất trong tâm tưởng chúng ta là bức tranh đại đoàn kết dân tộc. Dân tộc ta đã kết thành một khối vững chắc không gì phá vỡ nổi, trong đó Đảng, Nhân dân, lực lượng vũ trang gắn bó với nhau bằng quan hệ máu thịt.
Đảng tin ở dân, dân tin ở Đảng, quân với dân một ý chí, cả nước đồng lòng, toàn dân ra trận, Nam- Bắc một nhà, trên dưới nhất trí, mọi người quên tình riêng vì nghĩa lớn...”. Có thể khẳng định, đoàn kết thực sự là sức mạnh, là vũ khí bách chiến bách thắng không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn cho hiện tại và được phát huy mãi mãi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đất nước ta.
Trong lịch sử của dân tộc ta, sau mỗi lần chiến thắng ngoại xâm, lại mở ra một thời kỳ phát triển rực rỡ. 50 năm trước, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã tạo nên những điều kiện thuận lợi mới để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ý nguyện của Bác Hồ kính yêu. Giờ đây, quê hương, đất nước đang thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Trước vận hội mới đòi hỏi toàn quân, toàn dân ta tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp vốn có trước đây trong các cuộc trường chinh đánh giặc, giữ nước vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tầm cao mới, thắng lợi mới, đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình tới tương lai tươi sáng.