Từ thiện, thương thì thương cho trót

Mới đây, tại địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) xuất hiện một nhóm từ thiện chở vật tư, nhân công đến xây dựng nhà ở cho một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đến nay, nhóm thiện nguyện này đã hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn xây dựng 6 căn nhà “từ thiện”. Mỗi căn nhà được xây dựng với diện tích ngang 4 mét, dài 7 mét; kết cấu khá đơn giản, chỉ có cột xi măng, một số cây gỗ tạp, tường và mái nhà đều bằng tôn, ước tính trị giá mỗi căn nhà khoảng 20 triệu đồng. Điều đáng nói là trị giá chưa tương xứng với các căn nhà tình thương hay nhà đại đoàn kết thông thường nhưng chủ nhà phải đóng lại 4,5 triệu đồng với lý do mà nhóm từ thiện đưa ra là để "trả chi phí vận chuyển vật tư và tiền công đến xây nhà".

 Trao quà cho bà con vùng lũ miền Trung. Ảnh minh họa: TTXVN

Trao quà cho bà con vùng lũ miền Trung. Ảnh minh họa: TTXVN

Chúng ta không vội bàn luận về diện tích hay giá trị căn nhà, nhưng còn có ý kiến băn khoăn gọi đây là “từ thiện nửa mùa”. Sự việc cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi, số tiền 4,5 triệu đồng mà nhóm thiện nguyện thu lại đã có sự đồng ý từ phía mạnh thường quân? Có thật sự để trả công thợ, công vận chuyển... hay về túi những người mang mác "từ thiện"?

Câu chuyện lợi dụng từ thiện để trục lợi hay chạy theo thành tích không phải mới. Trước đó, báo chí cũng phản ánh vấn đề mượn Chương trình xây nhà “Mái ấm nông dân” để chạy theo thành tích; nhiều đối tượng xấu dùng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh, bịa ra những câu chuyện, hoàn cảnh hết sức đáng thương hoặc sử dụng thông tin có thật để đăng tải trên các trang mạng xã hội rồi kêu gọi từ thiện (chuyển tiền vào tài khoản cá nhân với tên giả) nhằm trục lợi hay liên tiếp xảy ra những vụ việc “lùm xùm” về kêu gọi tiền từ thiện của giới nghệ sĩ khiến dư luận đặt ra các vấn đề công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện.

Từ thiện là một hành động đẹp nhằm giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Ở nước ta, việc từ thiện được diễn ra hằng ngày, hằng giờ, trở thành nét đẹp truyền thống và thể hiện đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam. Thế nhưng cũng không thể loại trừ một số người muốn lợi dụng hoạt động này để trục lợi. Ngày 27-10-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo Nghị định, cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp. Nghị định cũng quy định về việc phối hợp với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện; quy định về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện. Cụ thể, chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.

Để từ thiện không trở nên méo mó thì trước hết phải xuất phát từ cái tâm, đồng thời phải có sự phối hợp quản lý giữa tổ chức từ thiện hay cá nhân với chính quyền địa phương. Việc quản lý hoạt động từ thiện giúp nghĩa cử này trở nên tốt đẹp, chính xác vào những đối tượng cần, đúng mục đích và tránh rủi ro không đáng có. Để tránh bị lừa đảo, các khoản ủng hộ, giúp đỡ đến đúng địa chỉ, mỗi người cần nêu cao cảnh giác, thận trọng tìm hiểu, xác minh, kiểm chứng kỹ thông tin, nhất là cần liên hệ với chính quyền địa phương.

THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tu-thien-thuong-thi-thuong-cho-trot-719004