Từ thực tiễn để tổ chức công đoàn tiếp tục đổi mới, phát triển
Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7 (1929 - 2024) là sự kiện chính trị quan trọng, là dịp để cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) cùng Nhân dân cả nước ôn lại và phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử và những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Với tôi, cuộc đời gắn bó với tổ chức Công đoàn Việt Nam gần 35 năm và được kinh qua các giai đoạn lịch sử trọng yếu của tổ chức công đoàn. Vào làm cán bộ chuyên trách công đoàn từ năm 1989, đây là giai đoạn mà tổ chức công đoàn giữ vị thế “đỉnh cao” trong 95 năm lịch sử; giữ “chức năng phân phối”; “cơm, áo, gạo, tiền” đối với đời sống CNVCLĐ.
Công đoàn trực tiếp quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và hệ thống nhà nghỉ dưỡng công đoàn để chăm lo và phân phối, chi trả trực tiếp chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tổ chức nghỉ dưỡng cho người lao động (NLĐ). Về công tác cán bộ thì thư ký (chủ tịch) công đoàn từ cấp cơ sở trở lên đều tham gia thường vụ cấp ủy, là tiếng nói đại diện của tổ chức công đoàn rất thực chất và trọng lượng trong cơ quan, doanh nghiệp.
Vì vậy, được làm cán bộ công đoàn rất tự hào, công nhân, lao động (CNLĐ) được gia nhập tổ chức công đoàn rất vinh dự và hãnh diện; công tác phát triển đoàn viên hầu như không cần phải thực hiện, NLĐ phải phấn đấu mới được kết nạp trở thành đoàn viên công đoàn.
35 năm tham gia làm cán bộ chuyên trách công đoàn, được chứng kiến 7 kỳ đại hội Công đoàn Việt Nam từ Đại hội VI đến Đại hôi XIII, là giai đoạn được ghi nhận và đánh giá cao về sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của công đoàn, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị-xã hội; tập hợp ngày càng đông đảo CNVCLĐ trong các thành phần kinh tế gia nhập hoạt động, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Đây là giai đoạn tổ chức Công đoàn Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng, với sự năng động, sáng tạo của các thế hệ cán bộ công đoàn từng bước thích nghi với tình hình mới, bỏ dần tư duy tổ chức công đoàn là “cờ, đèn, kèn, trống”, chuyển hẳn sang nhận thức: Lấy CNLĐ làm đối tượng vận động, lấy công đoàn cơ sở (CĐCS) làm địa bàn hoạt động; công tác phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn vững mạnh được xác định là “sự sống còn” của tổ chức công đoàn; chức năng đại diện trong quan hệ lao động được đặt lên hàng đầu; khẩu hiệu hành động “đổi mới”, “tiếp tục đổi mới” qua các kỳ đại hội được cán bộ công đoàn các cấp làm cẩm nang tư duy trong hoạt động và thực hiện chức năng đại diện của mình.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chức năng trọng tâm của tổ chức công đoàn có thay đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn gắn với tiến trình cách mạng của Đảng, thời kỳ kháng chiến kiến quốc thì động viên tinh thần, ý chí cách mạng cho CNLĐ; thời kỳ bao cấp thì công đoàn giữ chức năng phân phối lại, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội; thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế lấy chức năng đại diện trong quan hệ lao động đặt lên hàng đầu.
Trong giai đoạn hiện nay, quá trình phát triển nền kinh tế thị trường và những cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc luật pháp cho phép thành lập tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến giai cấp công nhân và hoạt động của tổ chức công đoàn.
Việc đổi mới hoạt động của tổ chức công đoàn trong toàn hệ thống đòi hỏi đáp ứng được tình hình thực tiễn, vai trò đại diện của các CĐCS, nhất là CĐCS khu vực ngoài nhà nước trở nên quan trọng hơn. Tuy vẫn còn một số hạn chế về công tác phát triển đoàn viên chạy theo số lượng; công tác cán bộ công đoàn nhiều bất cập, cán bộ công đoàn ít trưởng thành từ phong trào công nhân. Hệ thống tổ chức công đoàn được bố trí theo hệ thống hành chính nhà nước, biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách không theo số lượng đoàn viên; tuyển dụng cán bộ công đoàn không do tổ chức công đoàn quyết định...
Từ những kinh nghiệm làm công tác công đoàn và nghiên cứu tình hình thực tiễn hiện nay, tôi có mấy vấn đề mong muốn chia sẻ như sau:
Cần tích cực nghiên cứu và nhìn nhận đúng thực tiễn để đề xuất và tham mưu Đảng, Nhà nước, nhất là vấn đề Quốc hội đang lấy ý kiến để sửa Luật Công đoàn 2012 nhằm tương thích với Bộ Luật Lao động 2019 và các công ước quốc tế về lao động và công đoàn mà Việt Nam đã tham gia.
Trong đó, có các vấn đề cần quan tâm, đó là: biên chế và tuyển dụng cán bộ công đoàn theo hướng gắn với số lượng đoàn viên, CNVCLĐ; hệ thống công đoàn sắp xếp theo ngành nghề, không theo cấp hành chính nhà nước để phù hợp xu thế hội nhập; tiền lương và thu nhập của cán bộ công đoàn chuyên trách theo quy mô, số lượng đoàn viên và kết quả của việc thực hiện chức năng đại diện và tín nhiệm của đoàn viên, NLĐ.
Kinh phí công đoàn 2% cho tổ chức công đoàn hoạt động vẫn duy trì theo định hướng của Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị, có tính đến tổ chức đại diện NLĐ được thành lập theo quy định của pháp luật ngoài tổ chức công đoàn Việt Nam.
Nghiên cứu lý luận sát với tình hình thực tiễn, đổi mới tích cực phương pháp đào tạo huấn luyện cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ CĐCS, cán bộ lĩnh vực quan hệ lao động; có chính sách để thu hút cán bộ có năng lực, có bản lĩnh, trình độ các lĩnh vực làm cán bộ công đoàn chuyên trách.
Tăng cường công tác truyền thông để các chủ trương, chính sách của công đoàn đến với người lao động; chú ý làm tốt công tác thông tin định kỳ cho cán bộ công đoàn chủ chốt các cấp về tình hình và các chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến lao động và công đoàn trong tình hình mới để định hướng dư luận, khắc phục một số hiện tượng trong thời gian qua.