Từ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương suy nghĩ đến cội nguồn sức mạnh dân tộc
Ngày 6/12/2012, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sự công nhận của UNESCO một lần nữa nhắc nhở chúng ta ý thức về cội nguồn văn hóa của dân tộc. Từ việc thờ cúng Vua Hùng, chúng ta có được nghĩa “đồng bào”, đó là hình tượng cô đọng và tiêu biểu nhất cho một hình ảnh cùng gốc gác, tổ tông. Hình tượng văn hóa ấy luôn nhận được sự đồng cảm của mọi người dân đất Việt. Trong những lúc khó khăn, cần sự đoàn kết, mỗi khi từ “đồng bào” được vang lên là một lần nhắc nhở cho tất cả nhân dân Việt Nam cố gắng, nỗ lực vì một niềm tin thiêng liêng vào sự độc lập và thống nhất của dân tộc. Bắt nguồn từ tính chất thiêng liêng ấy, trong Tuyên ngôn độc lập, từ “đồng bào” được Bác Hồ nhắc lại đến bốn lần, và ngay cả khi Bác nói: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, là lúc cả triệu con tim Việt Nam đều cảm thấy dòng máu Lạc Hồng chảy trong mình, thôi thúc mọi người đứng lên chiến đấu, bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.
Một đặc điểm có giá trị nữa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là đã tạo ra sự đồng lòng của mọi người Việt Nam, vượt qua mọi ranh giới không gian và thời gian. Chúng ta biết rằng, bất kỳ một hiện tượng văn hóa nào cũng nhận được sự đánh giá khác nhau ở những người khác nhau và ở các thời điểm khác nhau. Hiếm có một hiện tượng văn hóa nào nhận được sự đánh giá đồng tình, tích cực xuyên thời gian và không gian. Tuy nhiên, điều ấy không đúng với trường hợp tín ngưỡng, thờ cúng Hùng Vương. Khi nói về công ơn của các Vua Hùng, mọi người dân đất Việt đều thể hiện lòng tôn trọng. Hằng năm, có hàng triệu người hành hương về Đất Tổ. Những người không có cơ hội hành hương về Đất Tổ cũng luôn mong ngóng có ngày được trở về mảnh đất thiêng của dân tộc. Đền thờ Vua Hùng được nhân dân lập ở nhiều nơi như một nơi thờ vọng để những người chưa có cơ hội đến Đền Hùng có thể thực hành nghi lễ và bày tỏ lòng biết ơn của mình. Chính vì vậy mới có câu ca rằng:
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba.
Khắp miền truyền mãi câu ca,
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành biểu tượng của lòng yêu nước
Đối với một tín ngưỡng, thông thường luôn có những sự nhìn nhận khác nhau bởi các chế độ chính trị, triều đại khác nhau. Tuy nhiên, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao của mọi triều đại, chế độ chính trị. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rằng, tục thờ cúng Hùng Vương đã có từ rất lâu trong lịch sử của dân tộc. Trước khi được Nhà nước công nhận như một nghi lễ cấp Quốc gia, việc thờ cúng Hùng Vương được người dân địa phương tiến hành hằng năm thông qua các lễ cầu tại các đình, đền, miếu trong các làng đó. Từ khi Hùng Vương được triều đình nhà Lê chính thức xác nhận trong “sự nghiệp phục hưng văn hóa dân tộc lần thứ hai, diễn ra vào hồi thế kỷ mười lăm”, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành một nghi lễ địa phương được quốc gia hóa, đáp ứng nhu cầu khẳng định quyền độc lập, tự chủ của quốc gia, dân tộc trong tư thế đối trọng với một quốc gia lớn hơn mà nó vừa thoát khỏi ách chiếm đóng.
Như vậy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là kết quả của quá trình phát triển lịch sử, kết tinh văn hóa dân gian, văn hóa bác học, vừa từ dưới lên, vừa từ trên xuống, trong ra, ngoài vào. Nó là nhu cầu của một quốc gia và quan trọng, nó tạo ra sự đồng thuận của toàn dân tộc. Nhờ vậy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành biểu tượng của lòng yêu nước. Chính nhờ biểu tượng về lòng yêu nước ấy, tín ngưỡng này đã vượt qua mọi sự khác biệt để trường tồn cùng dân tộc.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy nhu cầu xây dựng biểu tượng quốc gia của Nhà nước quân chủ. Xây dựng biểu tượng Hùng Vương là một trong những việc làm quan trọng (cùng Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, …) tạo nên hệ ý thức Việt Nam trong buổi đầu dựng nước. Nghĩa đồng bào, lập quốc bằng hợp nhất; vì nước quên mình; trừ bạo an dân; đạo thờ tổ tiên và thờ anh hùng. Đó là những vũ khí tinh thần, vũ khí văn hóa cơ bản nhất của người Văn Lang đã sáng tạo, những vũ khí đã góp phần cứu Văn Lang sau hơn nghìn năm Bắc thuộc không bị đồng hóa, lại được hồi sinh với bản sắc dân tộc đậm đà hơn, với sinh lực dân tộc mãnh liệt hơn.
Như vậy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là niềm tự hào của người dân Việt Nam không chỉ vì đây là một di sản được Thế giới công nhận và tôn vinh mà còn là biểu tượng của cội nguồn, sức mạnh tiềm tàng của dân tộc. Từ triết lý “con người có tổ, có tông”, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một bản sắc văn hóa trong cuộc sống tinh thần của cộng đồng người Việt từ hàng nghìn năm nay. Việc thờ cúng Hùng Vương đóng vai trò quan trọng trong tâm thức của người Việt, tạo nên đạo lý đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, cùng tồn tại và phát triển. Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm giáo dục đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, là điểm tựa tinh thần đưa các thế hệ con cháu cùng về một cội nguồn, sống hòa hợp.
Thờ cúng Hùng Vương như tổ tiên chung của dân tộc Việt, trở thành một biểu tượng kết nối giữa quá khứ với hiện tại. Việc UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một sự thừa nhận giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng này đối với người dân Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung và càng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc củng cố niềm tin của người dân Việt Nam vào sức mạnh dân tộc trong tương lai.