Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

Sau nhiều nỗ lực, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm cà phê và hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).

Chất lượng vượt trội

Theo ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang: Hợp tác xã được thành lập năm 2017 với 100 thành viên. Với khát vọng nâng tầm giá trị nông sản đặc trưng của địa phương, HTX đã tập trung sản xuất cà phê và hồ tiêu theo hướng hữu cơ và đầu tư dây chuyền máy móc chế biến sản phẩm. Cuối năm 2024, HTX có 5 sản phẩm gồm: cà phê Đak Yang, cà phê Fine Robusta, tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí, tiêu sọ hữu cơ Lệ Chí tham gia đánh giá OCOP cấp tỉnh và đều đạt trên 90 điểm, đủ tiêu chuẩn đề xuất công nhận OCOP cấp quốc gia. Hiện HTX đang phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

 Bà Nguyễn Thị Nga-Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang giới thiệu các sản phẩm OCOP của đơn vị (ảnh đơn vị cung cấp).

Bà Nguyễn Thị Nga-Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang giới thiệu các sản phẩm OCOP của đơn vị (ảnh đơn vị cung cấp).

Nói về các sản phẩm của HTX, ông Công cho hay: Cà phê Đak Yang là dòng Robusta đặc sản, được chế biến theo phương pháp honey để giữ lớp đường tự nhiên trên hạt. Sau quá trình sơ chế, lên men tự nhiên và phơi trên sàng 10-15 ngày, cà phê có hương vị đặc trưng với hậu ngọt thanh, đắng vừa và mùi trái cây chín. Sản phẩm đã đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ (USDA) và châu Âu (EU), được cấp chỉ dẫn địa lý, hiện diện tại nhiều hội chợ quốc tế. Cà phê Đak Yang đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Còn cà phê Fine Robusta là sản phẩm đặc biệt chú trọng cảm quan, quy trình sản xuất, chế biến tuân thủ nghiêm ngặt theo chuẩn của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) về chất lượng trong từng công đoạn. Vườn cây được chăm sóc theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Quá trình thu hái lựa kỹ hoàn toàn những quả chín rồi làm sạch bằng nước để loại bỏ tạp chất và những quả kém chất lượng; quá trình làm khô được kiểm soát nghiêm ngặt, áp dụng quy trình lên men với nguồn vi sinh bản địa (sự đặc trưng tuyệt đối về hương vị); quá trình rang xay càng được kiểm soát chặt chẽ nhằm khai thác tối ưu hương vị. Cà phê được rang mộc bằng công nghệ hot air (công nghệ rang bằng khí nóng) để giữ nguyên cấu trúc hương vị, hướng đến nhóm khách hàng cao cấp trong và ngoài nước.

“Để sản xuất cà phê đặc sản đạt chuẩn quốc tế, toàn bộ quy trình từ chăm sóc cây cà phê đến thu hoạch, sơ chế, rang xay, bảo quản đều phải đạt tiêu chuẩn của SCA. Nhiều đối tác quốc tế đã đến tham quan trực tiếp quy trình chế biến của HTX. Đây là cơ hội tốt để sản phẩm của Gia Lai vươn xa hơn”-ông Công chia sẻ.

 Vườn cà phê hữu cơ của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang luôn sinh trưởng và phát triển tốt (ảnh đơn vị cung cấp).

Vườn cà phê hữu cơ của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang luôn sinh trưởng và phát triển tốt (ảnh đơn vị cung cấp).

Cùng với cà phê, nhóm sản phẩm tiêu hữu cơ mang thương hiệu Lệ Chí cũng có chất lượng vượt trội. Theo đại diện HTX, đây là thương hiệu hồ tiêu từng nổi tiếng từ năm 1960 tại xã Nam Yang, nay được phục dựng và phát triển theo hướng hữu cơ. Tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí được chế biến từ những quả chín đỏ, có mùi thơm mạnh và vị cay nồng. Tiêu đen hữu cơ được phơi tự nhiên, giữ lại toàn bộ tinh dầu, trong khi tiêu sọ hữu cơ là sản phẩm cao cấp được bóc vỏ ngoài, phù hợp với những món ăn cần vị cay nhẹ. Cả 3 sản phẩm đều đạt chứng nhận USDA và EU. “Chúng tôi không chỉ làm sản phẩm để bán mà mong muốn khôi phục thương hiệu hồ tiêu truyền thống của địa phương, gắn với câu chuyện vùng miền và văn hóa bản địa. Phương châm của HTX là cùng nhau phát triển bền vững để tạo ra giá trị hạnh phúc cho người nông dân, cho cây trồng và cho khách hàng”-ông Công thông tin.

Đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Đến nay, toàn tỉnh có 454 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao (mật ong Phương Di), 67 sản phẩm 4 sao và 386 sản phẩm 3 sao. Hiện tỉnh có 5 sản phẩm (tất cả đều thuộc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang) đang được đề xuất công nhận OCOP cấp quốc gia. Những sản phẩm này được đầu tư bài bản từ sản xuất đến chế biến, đóng bao bì, truy xuất nguồn gốc điện tử. Việc áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế đã giúp các sản phẩm tạo được niềm tin với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đây không chỉ là kết quả của quá trình sản xuất nghiêm túc, chất lượng mà còn là minh chứng cho hiệu quả của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Nga-Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang-cho biết: “Chúng tôi luôn xác định chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu. Việc đầu tư vùng nguyên liệu, nâng cấp quy trình sản xuất hữu cơ khép kín, đào tạo nông dân và kiểm soát nguyên liệu đầu vào là những yếu tố quyết định. Mỗi sản phẩm OCOP mà HTX xây dựng không chỉ hướng đến chứng nhận 5 sao mà còn góp phần tạo chuỗi giá trị bền vững cho người nông dân. Chúng tôi tin rằng các sản phẩm của HTX mang đậm dấu ấn Gia Lai và đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

 Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (ảnh đơn vị cung cấp).

Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (ảnh đơn vị cung cấp).

Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Văn-Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh-thông tin: “Để được công nhận OCOP cấp quốc gia, sản phẩm phải có yếu tố đặc trưng địa phương, đạt chứng nhận quản lý chất lượng quốc tế, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ pháp lý đầy đủ và quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chí môi trường. Các sản phẩm của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang hiện đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này”.

Theo ông Văn, lợi thế của các sản phẩm nói trên là được sản xuất tại HTX (một mô hình được ưu tiên hỗ trợ phát triển) với nguyên liệu và nhân công tại chỗ, sản phẩm có kiểm định chất lượng, bao bì đẹp, từng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Chương trình OCOP có nhiều chính sách hỗ trợ như xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, thiết kế bao bì, kiểm nghiệm chất lượng, xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm OCOP theo hướng xuất khẩu cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ về hạ tầng vùng nguyên liệu như đường giao thông, điện sản xuất, kho bảo quản, logistics… phù hợp với đặc thù doanh nghiệp nhỏ, HTX. Gia Lai đang tiếp tục hoàn thiện chính sách này để giúp sản phẩm OCOP phát triển bền vững. Đồng thời, hỗ trợ đưa các sản phẩm đi xúc tiến thương mại tại nước ngoài để mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP hoàn thiện tiêu chuẩn, nâng cao năng lực sản xuất và xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm OCOP của Gia Lai vươn xa hơn, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và gia tăng giá trị”-ông Văn thông tin thêm.

LÊ NAM

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tu-tin-tham-gia-danh-gia-san-pham-ocop-cap-quoc-gia-post321140.html