Từ trang sách: Người thầy thầm lặng
Mỗi con người có một tâm hồn riêng, một dòng chảy riêng để dẫn dắt mình đi trên con đường thiên lý.
Mỗi con người có một tâm hồn riêng, một dòng chảy riêng để dẫn dắt mình đi trên con đường thiên lý. Dòng chảy ấy không phải tự nhiên mà có, không phải mưa trời rơi xuống hay nước ngầm thấm lên mà thành, nó là kết quả của sự tích lũy và chọn lựa.
Trong tác phẩm “Thời thơ ấu” của mình, Maxim Gorky đã coi tuổi thơ như cái tổ ong đón nhận “mật kiến thức” của mọi người. Đó là sự tích lũy. Trong một tình huống khác Gorky nói: “Hãy sống lặng lẽ, bình thản, nhưng phải cứng cỏi! Ai nói gì cũng nghe, nhưng cứ việc làm theo cách có lợi cho mình”. Đó là sự chọn lựa.
Tuy nhiên, nếu lúc nào cũng tự mình tạo ra nhân sinh quan của mình, tự mình thể hiện, tự mình rút kinh nghiệm, và tự mình gánh chịu những thất bại do mình gây ra thì thật là gian nan và nguy hiểm. Tôi luôn luôn nghĩ rằng, ngoài người sinh thành ra ta, ta cần những người thày. Có hai người thày trực tiếp dạy dỗ và chỉ đường cho ta, đó là người thày trên lớp học và người thày thầm lặng: Sách.
Những ngày cắp sách đến trường không ai là không có người thày hàng ngày dạy cho ta chữ nghĩa từ khi tô chữ cho đến khi trưởng thành viết được một bài văn và tích lũy được vốn tri thức không thể thiếu ở đời. Người thày ấy cũng dạy ta lẽ sống trước hết là lòng biết ơn công cha, nghĩa mẹ, sau nữa là tấm lòng ân nghĩa với thày, không thày đố mày làm nên.
Còn một người thày nữa bên ta âm thầm mở rộng tâm hồn ta, khắc sâu thêm sự hiểu biết xã hội cho ta; giúp ta rút ra những bài học cần thiết cho công việc của mình, những bài học về triết lý nhân sinh, dạy ta cách thẩm thấu cái đẹp của các tác phẩm văn học, những quan niệm về cái đẹp thay đổi theo thời gian.
“Người thày đó làm cho chúng ta yêu sự học, cho ta sức mạnh, lau nước mắt cho ta, khống chế những điều tồi tệ đến với ta và dạy ta cách kiềm chế sự sợ hãi” (Trích: Quotes Unknown). Cả hai người thày cùng dạy chúng ta thành người tử tế với cuộc sống nhân hậu.
Chúng ta hãy cùng suy ngẫm câu nói của Ivan Aleksandrovich Goncharov, tiểu thuyết gia người Nga, nổi tiếng với tác phẩm “Cùng một câu chuyện cũ” 1847: “Các bài giảng của giáo sư, cho dù có đầy đủ, súc tích đến đâu, có chứa chan tình yêu tri thức của bản thân giáo viên đến đâu, thì về thực chất, mà nói, đó chẳng qua cũng vẫn chỉ là chương trình, là những lời chỉ dẫn tuần tự để điều chỉnh trật tự nhận thức của sinh viên.
Người nào chỉ biết ngồi nghe giáo sư giảng chứ bản thân mình trong lòng không cảm thấy khát khao đọc sách, thì có thể nói tất cả những điều người ấy nghe giảng ở trường đại học cũng sẽ chỉ như một tòa nhà xây trên cát mà thôi”.
Ngay từ thế kỷ 19, I.V Goncharov đã nhận dạng rõ ràng vai trò của người thày thầm lặng - sách trong cuộc đời một con người.
Soi vào thời cắp sách, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ ngây thơ, ngớ ngẩn, ít hiểu biết. Một mùa Thu qua đi rồi lại một mùa Thu mới, cứ mỗi hồi trống tựu trường các thày trên lớp lại đưa chúng tôi đi qua những bài học về đạo đức trong nhiều môn học, nhưng tác động mạnh nhất, thu hút nhất là môn Văn thông qua các tác phẩm văn học.
Người thày trên lớp chỉ có thể dẫn chúng ta đi vào tác phẩm qua bài phân tích và truyền cho chúng ta những tia lửa nhỏ, còn để hiểu tư tưởng, triết lý của tác giả chúng ta phải tìm đến sách. Bỏ qua người thày thầm lặng này, chúng ta đã chặn bước tiến của mình lại.
Bài học đạo đức trên lớp của thày chúng tôi phải ghi nhớ trong đầu, nhưng câu chuyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài (1941) đã đưa quan niệm đạo đức ấy vào trái tim bé bỏng của chúng tôi giúp chúng tôi hành xử như những đứa trẻ sống có chừng mực.
Trời mùa Đông giá lạnh, sương sa trên phố làm cho dãy đèn vàng vàng hơn, mang dáng dấp mờ mờ ảo ảo. Sau chén chè và một chiếc kẹo bạc hà kết thúc bữa ăn tối, tôi lên giường chui vào chăn đọc “Dế Mèn phiêu lưu ký”.
Cả cuốn truyện nói về cuộc phiêu lưu của Dế Mèn và Dế Trũi qua nhiều giang sơn khác nhau, tiếp cận với những cộng đồng khác nhau, gặp gỡ nhiều con người tính cách khác nhau. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng tác giả không chỉ cho bọn học sinh chúng tôi thưởng thức các chuyến du ngoạn, gian nan có, nguy hiểm có, thú vị có, mà còn giáo dục chúng tôi đạo lý nhân sinh.
Nghe tác giả miêu tả chú Dế Mèn: “Tôi đi đứng oai vệ. Mỗi bước đi, tôi làm điệu dún dẩy cá khoeo chân, rung lên rung xuống hai chiếc râu, cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm, Không ai đáp lại... vì quanh quẩn ai cũng quen mình cả. Nhưng tôi lại tưởng thế là không ai dám ho he. Ấy vậy, tôi cho tôi giỏi. Những gã xốc nổi thường làm cử chỉ ngông cuồng là tài cao”, tôi dừng đọc ngẩng lên nhớ đến những lời răn dạy của bố mẹ:
- Chúng ta không làm ra thần đồng được... “Hữu xạ tự nhiên hương” cho nên sự khoa trương bị chế nhạo và khinh thường... nếu có thần đồng thì đó là sự kỳ bí của Càn Khôn, nếu có nhân tài thì đó là tinh hoa thực sự.
Chúng tôi thấm lời bố mẹ dạy, thấu hiểu giá trị của tính khiêm nhường mà cuốn sách răn dạy. Điều này tránh cho chúng tôi thảm cảnh: “Hung hăng hống hách láo chỉ tổ đem thân mà trả nợ những cử chỉ ngu dại của mình thôi”.
Tô Hoài lại cho chúng tôi biết Dế Mèn phải trả cái nợ đời này như thế nào: Hối hận vì đùa cợt mà hại chết Dế Choắt, bị anh Xiến Tóc cho một bài học cắt trụi râu tóc, bị Chim Trà bắt làm tù binh, hành hạ.
Tô Hoài cũng cho chúng tôi hiểu rằng con người phải biết xấu hổ nhận ra cái đau của sự tự cao, sự khinh bỉ của người đời đối với “cái tính khoác lác dở hơi” của anh Ếch Cốm, nhờ thế Dế Mèn mới tỉnh ngộ để sống giao hòa. “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã làm bùng lên những ấn tượng tác động đến tư duy và tâm hồn chúng tôi. Con đường học hành cứ như thế chầm chậm trôi đi.
Mấy năm sau...
Chiều Thu, nắng đã rất yếu ớt chỉ còn một vệt rộng vàng ệch đổ dài trên ngõ vắng, tôi ngồi bên cửa sổ, cong người xuống mê mải đọc “Thời thơ ấu” của Maxim Gorky. Giờ giảng văn người thày chỉ đủ thời gian phân tích trích đoạn “Những đứa trẻ”, kể về tình bạn trong sáng của bọn trẻ xóm nghèo, khốn khổ, sống thiếu tình thương, rồi phân tích nghệ thuật kể truyện của Maxim Gorky: Chi tiết về dì ghẻ, về mẹ và bà nhân hậu. Chúng tôi tìm đến “Thời thơ ấu”.
Maxim Gorky cho chúng tôi biết tuổi thơ đau khổ của ông, qua nhân vật A-lêch-xây một cậu bé có bản lĩnh chịu đựng, “... bị đánh tơi tả tôi cảm thấy như người ta đã lột mất lớp da ở trái tim tôi nên nó trở nên nhạy bén đối với mọi nỗi đau đớn và sỉ nhục dù là tôi hay người khác phải chịu”; nhưng rồi tự mình tìm ra hướng thoát sự đau khổ bằng con đường đi học “Người có học vấn thì muốn làm gì cũng được” và A-lêch-xây tập sống chỉ trông cậy vào chính mình, sống lặng lẽ, bình an, nhưng cứng cỏi với chân lý mình là “cái tổ ong... để thu hút mật kiến thức và ý nghĩ của con người về cuộc sống... làm cho tâm hồn tôi phong phú lên rất nhiều. Mật ấy thường bẩn và đắng, nhưng dù sao kiến thức nào cũng là mật”.
Trong năm cuối của thời cắp sách, trường tôi nổi lên phong trào xây dựng con người cách mạng. Phong trào đó nếu chỉ là những lời cổ động, những tổ chức hành động thì đã không thành công bằng xây dựng tinh thần cách mạng dựa trên bản anh hùng ca “Thép đã tôi thế đấy” (1936) của nhà văn Xô Viết Nikolai Alekseyevich Ostrovsky.
Bản anh hùng ca ấy giúp chúng tôi biến quyết tâm thành hành động, biến con đường Cổ Ngư - Hồ Tây thành đường Thanh Niên. “Thép đã tôi thế đấy” đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của thanh niên với nhân vật Pavel Korchagin truyền cho chúng tôi một tinh thần thép với phương châm: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...”.
Trên đường đời, chúng ta không ai chỉ học một lần cho mãi mãi mà ai cũng phải “học, học nữa, học mãi” (Lênin) tùy theo nhịp sống của từng người, từng hoàn cảnh. Nhiều năm sau khi tôi trở thành một thày giáo làng tiếng Anh, nhịp sống xã hội đã bắt đầu hối hả. Tôi không vội vã vì luôn luôn tình nguyện làm cái tổ ong của Maxim Gorky.
Tuy nhiên để tránh được lối sống hối hả, lối sống chạy đua chỉ dựa vào tham vọng không phải nghĩ là ra, nói là làm được. Nhưng rồi có một lần tôi vào sông Hương, núi Ngự làm việc, gặp cố nhân, một nhà thơ, một nhân viên thư viện Huế, nơi tích tụ tinh hoa từ thời Thư viện Sử Quán 1826. Đêm trăng thượng tuần, anh rủ tôi đi thuyền trên sông Hương.
Chúng tôi chèo thuyền lên gần chùa Thiên Mụ rồi thả thuyền trôi tự do xuôi dòng nước. Tôi ngồi tựa mạn thuyền rập rình theo sóng nhẹ, nghe Viễn Bào ngâm thơ tình của anh với giọng như gần như xa, tràn lên thuyền một cảm xúc khi vui, khi buồn, khi tủi của những cuộc tình xa xưa.
Rồi Viễn Bào tâm sự với tôi về triết lý sống chậm để cân bằng trong việc phân bổ thời gian hợp lý giữa chăm sóc bản thân và gìn giữ những mối quan hệ đẹp, giữa gia đình và công việc - sự nghiệp. Đó là tận hưởng cả chiều sâu và bề rộng của cuộc đời. Anh đưa tôi đến với Marcus Aurelius, nhà triết học, Hoàng đế La Mã cổ đại.
Anh nói: “Marcus Aurelius là người sống rất cân bằng, ông chưa bao giờ vì bận rộn triều chính mà từ bỏ việc thu thập cứ liệu về bạn bè, người thân, chuyện đời thường, chuyện kỳ bí trong tự nhiên. Cuối cùng ông có được tác phẩm triết học kinh điển Meditations (Suy ngẫm)”.
Tôi cứ cặm cụi làm việc như con ong, tận dụng cơ hội có được để tha lâu cho đầy tổ kiến thức mà nghề nghiệp của tôi đòi hỏi, và vì thế lúc nào tôi cũng cần đến người thày, trên lớp, ngoài đời và trong sách vở. Vào những năm 1990 xu hướng đưa công nghệ video, máy tính, video tương tác (interactive video) vào lớp học ngoại ngữ bùng nổ với những người thày tiên phong như Brian Hill, Barry Tomalin, Susan Stempleski.
Cũng vào thời kỳ này tôi bắt gặp “The English Language” nói về lịch sử ngôn ngữ Anh của tác giả David Crystal, xuất bản năm 1995 trong thư viện Đại học Nottingham. Nó cung cấp cho tôi những hiểu biết cơ bản về tiếng Anh qua các thời Cổ đại, Trung đại, Cận đại và Hiện đại.
Nghe có vẻ kinh điển, thâm sâu nhưng thực tình vào đầu thì nhiều mà ở lại có bao nhiêu đâu. Duy chỉ có hai chương là tôi mê mẩn, một là “Học tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ” mà David gọi đó là sự cảm thụ ngôn ngữ (language acquisition) trên ba lĩnh vực: (a) khoảng 300 cách phối hợp nguyên âm và phụ âm, (b) khoảng 50.000 từ tích cực, và (c) khoảng hàng nghìn cách dựng câu.
Và chương thứ hai là, “Phương pháp mới học tiếng Anh” nói về các cuộc cách mạng kỹ thuật tác động đến sự phát triển quy trình học một ngôn ngữ.
Cuốn sách của David đã dẫn tôi đến với quan điểm mới của giới giáo học pháp dạy tiếng Anh: Người nước ngoài không thể nói như người Anh được, mà chỉ có thể nói gần giống (close-enough), hiểu được (intelligible) mà thôi. Những người thày tiên phong ấy và tác phẩm của họ đã nâng bước cho sự nghiệp của tôi.
Nhiều năm tháng cuộn mình trong vòng xoáy của việc đọc sách, tôi luôn luôn nhớ câu nói của Noam Chomsky, Giáo sư ngôn ngữ học: “Chẳng ai rót vào đầu ta những chân lý cần biết. Đó là điều ta phải tự đi tìm”. Điều này tôi đã tìm thấy ở hai người thày: Thày đứng lớp và thày thầm lặng.
Hai người thày ấy nuôi dưỡng tâm hồn tôi, cho tôi cái nhìn từ bên trong sự việc, tạo cho tôi khả năng tư duy thông minh trong tình huống, giúp tôi phát hiện được công việc gì tôi có thể làm được tốt nhất, và như thế cuộc đời sẽ yên vui.
Đúng như lời của Charles Dickens nói: “Chúng ta chẳng bao giờ có thể chán tình bạn với sách vở”. Đối với mọi người, có thể đúng hoặc sai, nhưng đối với tôi thì luôn luôn đúng. Tôi chầm chậm đi theo con đường đã chọn, con đường bên các người thày cho tôi một hướng tư duy để làm những điều có ích cho quê hương.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-trang-sach-nguoi-thay-tham-lang-post707648.html